Vĩnh biệt anh hùng Đinh Tía, "cánh chim" của đại ngàn

09:11, 17/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc đời Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Tía (AHLLVTND), người dân tộc Hrê ở xã Sơn Thành (Sơn Hà) thật bình dị. Khi hay tin ông mất ở tuổi 74 vào trung tuần tháng 11 này, nhiều người dân ở vùng cao quê hương ông không khỏi ngậm ngùi, tiếc thương...

Anh hùng LLVTND Đinh Tía sinh năm 1943. Xuất thân trong một gia đình cách mạng, cha mẹ bị địch khủng bố bắt đi biệt tích từ năm 1959. Bản thân khi còn nhỏ đã đi ở cho tên ấp trưởng, làm việc rất cực nhọc. Cũng như bao thanh niên khác lúc bấy giờ, không chịu cảnh giặc ngoại xâm đốt nhà, cướp giết người dân vô tội, Đinh Tía đã xung phong vào bộ đội. Nhập ngũ tháng 3.1959, chàng thanh niên Đinh Tía được biên chế về đơn vị C309, Huyện đội Sơn Hà.

Anh hùng Đinh Tía (đầu tiên bên phải) và Anh hùng Đinh Banh trong một buổi gặp mặt với  lãnh đạo huyện Sơn Hà.
Anh hùng Đinh Tía (đầu tiên bên phải) và Anh hùng Đinh Banh trong một buổi gặp mặt với lãnh đạo huyện Sơn Hà.


Năm 1959, bộ đội huyện chỉ có một trung đội, vũ khí rất thiếu thốn, Đinh Tía đã hướng dẫn anh em làm chông, gài bẫy, đánh bọn địch đi càn vào làng giết hại đồng bào, buộc chúng phải rút chạy.
 

Anh hùng lực lượng vũ trang ở tuổi 26

Với lòng dũng cảm, gan dạ của người con miền Tây Quảng Ngãi anh hùng, Đinh Tía đã góp phần lập được nhiều chiến công hiển hách, Bản thân ông đã được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ, 1 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 6 năm liền là chiến sĩ thi đua của tỉnh Quảng Ngãi. Và với thành tích của mình, ngày 20.12.1969 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm 1960, được cấp trên phân công về hoạt động ở vùng Hà Thành, Đinh Tía ngày đêm lo xây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng, phát triển phong trào chiến tranh du kích, chống quân địch thường xuyên bắt bớ, giết hại đồng bào vô tội. Có một lần ông vào ấp chiến lược hoạt động, khi trở về bị địch phục kích bắn cụt mất một tay. Nhưng với tinh thần “còn hơi thở, còn phục vụ cách mạng”, Đinh Tía xin cấp trên được tiếp tục ở lại hàng ngũ quân đội chiến đấu với quân thù. Được bố trí công tác tại một trại sản xuất, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khổ công rèn luyện, hăng hái nhận những việc khó khăn, nặng nhọc, nêu gương tốt trong toàn đơn vị.

Năm 1962, nhận công tác ở Đại đội thông tin của tỉnh, được phân công phụ trách việc giao thông liên lạc khắp 6 huyện miền núi. Đường đi phải qua nhiều gian khó, hiểm nguy, đặc biệt qua các “ấp chiến lược” và đồn bốt địch, hoặc phải vượt sông sâu, núi cao, nhưng Đinh Tía luôn luôn bảo đảm chuyển nhanh chóng, kịp thời các công văn, thư từ đến nơi quy định, không bao giờ để sai sót, nhầm lẫn, chậm trễ.

Có lần bị nước lũ cuốn trôi, rồi bị giặc phục kích ngang đường, ông vẫn bình tĩnh xử trí linh hoạt để vượt qua. Càng ngày các trục đường liên lạc bị địch thường xuyên mở các đợt kiểm soát gay gắt, đánh phá dữ dội và đổ quân ngăn chặn, nhưng với tinh thần vượt khó, bị chặn đường này ông lại nhanh chóng bí mật đi đường khác. Một lần giữa đường đi công tác gặp địch càn quét, ông cho người trở lại đơn vị báo cáo, còn mình tìm mọi cách vượt qua đi đến trạm an toàn, nhưng tới nơi trạm lại sơ tán đi nơi khác. Mấy ngày liền ăn toàn rau rừng, ông vẫn quyết tâm bám dân, nắm chắc tình hình địch, mở đường tìm cách đưa công văn mệnh lệnh đến nơi trước thời gian quy định. Trong nhiều lần đi công tác, khi trở về Đinh Tía còn tự nguyện làm nhiệm vụ gùi 70-80kg hàng.

Chiếc khăn mùi xoa của Đinh Tía có số đăng ký: BTK5 - 850/B.66 đang được trưng bày tại Bảo tàng Khu 5.
Chiếc khăn mùi xoa của Đinh Tía có số đăng ký: BTK5 - 850/B.66 đang được trưng bày tại Bảo tàng Khu 5.

 

 Đi vào ca khúc

Lập nhiều chiến công của một người giao liên một thời lửa đạn, cuộc đời ông đã được nhạc sĩ Văn Kiện đưa vào bài hát “Cánh chim Đinh Tía” với những ca từ như: “Hỡi anh Đinh Tía mến yêu, núi rừng miền tây nhớ nhiều”, để ghi dấu những bước chân thầm lặng của một người giao liên quả cảm.      
Từ năm 1962 đến năm 1969 chỉ tính riêng công văn hoả tốc, ông đã chuyển được 3.780 bì. Trên đường công tác, cá nhân ông đã tìm và mở được 150 con đường mới, đảm bảo kịp thời cho công tác chuyển công văn, thư tín và hoàn thành tốt nhiệm vụ giao liên trong những điều kiện hết sức khó khăn phức tạp.

Năm 1983, ông nghỉ hưu, trở về quê hương Sơn Thành, trở lại cuộc sống đời thường ông gần gũi với người dân trong vùng. Các thế hệ học sinh ở xã Sơn Thành thường đến thăm ông, để được nghe ông kể về những chiến công trong những ngày còn trong quân ngũ. Ông nhắc nhở các em, khi lớn lên phải luôn nêu cao tinh thần yêu nước, vì dân phục vụ.

Tuổi già sức yếu, ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Vĩnh biệt ông, cánh chim của núi rừng đại ngàn miền Tây Quảng Ngãi, vĩnh biệt một con người bình dị và quả cảm của núi rừng Sơn Hà.   

                                    

 Bài, ảnh: Đức Toàn
 


CÁC TIN KHÁC
.