Đơn sơ di tích cụ Huỳnh

10:04, 20/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Khí tiết, tài năng, đức độ của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các thế hệ người Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi về thăm di tích trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) miền Nam Trung Bộ, nằm ở hạ nguồn sông Phước Giang, thuộc tổ dân phố Phú Bình Trung, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1994.

Di tích đơn sơ

Trên con đường rẽ vào khu di tích, cờ hoa, biểu ngữ đã được treo trang trọng. Đây cũng là nơi làm việc của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nằm giữa khuôn viên di tích với hai hàng cau thẳng tắp dẫn lối vào. Bên trong ngôi nhà tranh vách đất được phục dựng, bàn thờ cụ Huỳnh được đặt trang trọng ở gian giữa. Phía trước là bộ trường kỷ.

Cạnh đó là bộ phản gỗ, nơi mà sau những giờ bận rộn với việc nước, cụ Huỳnh nằm nghỉ. Gian bên cạnh là gian thờ bà Nguyễn Thị Em, cụ Nguyễn Tương- hai người đã trực tiếp phục vụ cơm nước cho cụ Huỳnh trong thời gian làm việc ở đây.

Nhiều kỷ vật, tư liệu liên quan đến cụ Huỳnh lúc còn sống và làm việc tại UBKCHC Nam Trung Bộ chưa có nơi trưng bày, cất giữ.
Nhiều kỷ vật, tư liệu liên quan đến cụ Huỳnh lúc còn sống và làm việc tại UBKCHC Nam Trung Bộ chưa có nơi trưng bày, cất giữ.


Phía trước ngôi nhà, có chiếc giếng xưa, còn ở phía đông ngôi nhà là căn hầm tránh bom đạn. Tất cả tái hiện cuộc sống kháng chiến của cụ Huỳnh cùng những vị lãnh đạo cao nhất của UBKCHC miền Nam Trung Bộ thật đơn sơ và giản dị.

Nơi đây, hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của cụ, lãnh đạo của Trung ương và hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; các đoàn khách trong Nam, ngoài Bắc đến dâng hương, tưởng niệm. Điều mà nhiều du khách đến tham quan trải lòng là, những tư liệu, hiện vật về cụ Huỳnh, về UBKCHC tại nơi này còn quá khiêm tốn, chưa thỏa mãn nhu cầu của khách đến tham quan.

Anh Nguyễn Lãnh, cháu đích tôn của bà Nguyễn Thị Em - người trông nom ngôi nhà cụ Huỳnh, bộc bạch: Bà nội tôi mất năm 1984. Khi còn sống, bà kể: Hồi cụ Huỳnh về công tác ở đây, kế bên là nhà Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở. Tại ngôi nhà này, cụ Huỳnh từng họp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Nguyễn Duy Trinh... Gia đình nhà nội ở gian nhà dưới, còn gian trên là nơi làm việc của cụ Huỳnh. Dù làm việc bận rộn, nhưng cụ Huỳnh ăn uống rất đạm bạc, không cầu kỳ. Cụ thường mặc áo dài, đội khăn đóng. Tuy nhiên, tư liệu, hiện vật về UBKCHC, về cụ Huỳnh không có nhiều, nên di tích chưa hấp dẫn khách đến tham quan.

Mộ cụ Huỳnh chờ được nâng cấp

Phần mộ của cụ Huỳnh nằm trên đỉnh núi Thiên Ấn qua những lần tôn tạo, giờ khá trang nghiêm. Tuy vậy, đến dâng hương ở mộ cụ, nhiều người đều cảm thấy khuôn viên còn quá nhỏ hẹp so với công lao cống hiến của cụ cho sự nghiệp cách mạng.

Học sinh ở huyện Nghĩa Hành tham gia dọn vệ sinh quanh nhà lưu niệm cụ Huỳnh.
Học sinh ở huyện Nghĩa Hành tham gia dọn vệ sinh quanh nhà lưu niệm cụ Huỳnh.


Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan hoàn chỉnh phương án trùng tu mộ cụ Huỳnh, để xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tiến hành tôn tạo. Theo đó, sẽ cải tạo, nâng cấp khu mộ hiện trạng, xây dựng mới hệ thống sân vườn, đường đi bộ, xây dựng mái che cho văn bia, kết hợp cổng tam quan, trụ biểu..., với tổng diện tích xây dựng 4.110m2 và hàng loạt các hạng mục khác, tạo không gian liền mạch, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên núi Thiên Ấn. Đây là nguyện vọng của cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung để tỏ lòng tri ân một chí sĩ yêu nước mà cả cuộc đời luôn đấu tranh cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (tên khai sinh là Huỳnh Hanh) sinh ngày 1.10.1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Cách mạng Tháng Tám thành công, trân trọng tài năng đức độ của cụ Huỳnh, Bác Hồ đã mời cụ tham gia nội các Chính phủ. Từ năm 1946, cụ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, rồi làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác Hồ sang Pháp. Khi kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ đã cử cụ Huỳnh đi kinh lý miền Trung. Đầu năm 1947, do tuổi cao sức yếu cụ Huỳnh lâm bệnh và qua đời tại UBKCHC Nam Trung Bộ vào ngày 21.4.1947. Sau khi UBKCHC tổ chức lễ  truy điệu, đã an táng cụ trên núi Thiên Ấn.

 


 Bài, ảnh: MAI HẠ




 


CÁC TIN KHÁC
.