Người xây "khu vườn ký ức"

08:02, 04/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây gần 20 năm, cứ cuối tuần người làng chài Nam Thọ (TP.Đà Nẵng) lại thấy một người đàn ông men theo bờ biển lội vào rừng già hì hục phát dọn... Rồi sau đó, giữa lưng chừng núi một bảo tàng ra đời trước sự ngỡ ngàng của du khách thập phương và các chuyên gia bảo tàng.

Để lập nên bảo tàng độc nhất vô nhị này, từ 40 năm trước ông đã cất công sưu tầm hiện vật từ đồng bằng, ven biển đến Tây Nguyên. Ông là Nhà thơ, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú  Đoàn Huy Giao, một người con của Quảng Ngãi.

Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Trung

Con đường mang tên Hoàng Sa thảm nhựa phẳng lỳ chạy men theo bờ biển dẫn về Bảo tàng Đồng Đình giữa lưng chừng bán đảo Sơn Trà. Một tấm biển chỉ dẫn đường vào bảo tàng với cái tên “Khu vườn ký ức”. Cuối con đường lát đá rêu phong dẫn lên cụm đồi phủ kín cây xanh, bảo tàng hiện ra giữa khu nhà vườn truyền thống xứ Quảng.

Nhà thơ, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao giới thiệu về muỗng rút mật đường của người xưa.                                                                                                                                                                              Ảnh: N.Q
Nhà thơ, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao giới thiệu về muỗng rút mật đường của người xưa. Ảnh: N.Q

 

“Tôi có một đam mê cháy bỏng là muốn sưu tầm rất nhiều thứ liên quan đến đời sống, văn hóa các vùng miền. Sức tôi cũng gần cạn kiệt. Hy vọng trong tương lai sẽ có người tiếp quản và làm cho Bảo tàng Đồng Đình phát triển hơn nữa”.
Nghệ sĩ ưu tú ĐOÀN HUY GIAO
 

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao bảo, mỗi cái cây, ngọn cỏ, mỗi cổ vật, bức tranh ở bảo tàng đều gắn với một kỷ niệm đời ông. Nhưng, điểm đặc biệt của Bảo tàng Đồng Đình là những tháng ngày khai phá núi non. “Ngày đó, Nhà nước thực hiện chính sách khai hoang, trồng rừng. Nghe người dân bán đất, tôi bảo vợ mua một miếng trồng rừng. Nhưng trong một lần nghỉ trưa nhìn về phía biển, cảnh sắc hiện ra quá đẹp đã đánh thức suy nghĩ phải làm cái gì đó”, đạo diễn Đoàn Huy Giao tâm sự. Và rồi, trong một thoáng, ông nghĩ, sao mình không mở bảo tàng trong khi ở nhà có rất nhiều cổ vật và các dụng cụ truyền thống. Từ đó, ý tưởng về một bảo tàng tư nhân ra đời.

Ngay sau khi có giấy phép xây dựng, việc thi công bảo tàng tiến hành. Không phải mọi thứ dễ dàng như bây giờ, mà ngày đó để vận chuyển vật liệu xây dựng lên được lưng chừng núi phải vác bộ từng bao sỏi, bao cát. Mất mấy năm trời, một góc nhỏ hiện nay là chỗ nghỉ và trưng bày tranh mỹ thuật hoàn thành. Từ đây, Bảo tàng Đồng Đình ra đời.

Lưu giữ một phần văn hóa Việt

Bảo tàng Đồng Đình là một quần thể phức hợp có diện tích hơn 10.000m2, chia làm năm khu vực riêng biệt, với mỗi khu vực là một điểm nhấn độc đáo. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên, mà lối kiến trúc của bảo tàng độc lạ, trông cổ kính nhưng hiện đại.

Một góc bảo tàng Đồng Đình vừa hiện đại vừa cổ kính.      Ảnh: N.Q
Một góc bảo tàng Đồng Đình vừa hiện đại vừa cổ kính. Ảnh: N.Q


Đúng với tên gọi của nó, "Khu vườn ký ức" gợi lên một không gian kiến trúc vừa có chiều sâu văn hoá, vừa đượm chất cổ kính, nghệ thuật, lại phảng phất hơi thở của thiên nhiên khoáng đạt.

Bước chân vào bảo tàng, điểm đầu là “Ký ức làng chài”, nơi chứa đựng những giá trị cốt lõi của nghề biển gắn với đời ngư phủ. Băng qua từng lớp đá gồ ghề sẽ là “Miền Tây Nguyên” bên bờ biển. Và trong gian phòng này có hình ảnh Quảng Ngãi hiện lên với những chiếc giỏ đựng cá của đồng bào Hrê, đàn Chinh Kla (Ba Tơ) hay cây nêu và bộ Gu trong lễ hội đâm trâu của đồng bào Cor (Trà Bồng)...

Không chỉ những hiện vật mộc mạc mà ở Đồng Đình còn có một “kho báu”, với khoảng 600 món cổ vật, phần lớn đã qua giám định, trưng bày luân phiên khoảng 200 món có tính đại diện cho niên đại từ 100 năm cho đến 2.500 năm trước. Nhiều hiện vật thuộc văn hóa Đại Việt, Sa Huỳnh, Chăm Pa... Từng hiện vật được chủ nhân ghi chú cẩn thận và sắp xếp theo thời gian như một đoạn phim quay chậm lịch sử của dân tộc Việt. Đạo diễn Đoàn Huy Giao bảo, nhuận bút mỗi thước phim tài liệu về các vùng miền được quy đổi thành những món đồ ông sưu tầm theo năm tháng.
 

Bảo tàng của đạo diễn Đoàn Huy Giao đầy ắp khát vọng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên dọc dãy Trường Sơn, những cổ vật tìm thấy dưới đáy Biển Đông, trong lòng đất miền Trung... Nó vẽ ra bức tranh về sự nhộn nhịp của con đường gốm sứ kéo dài trong nhiều thiên niên kỷ.

"Tôi vẽ tôi"

Nhưng có lẽ, điểm đặc biệt nhất ở “Khu vườn ký ức” không phải là những món đồ cổ đắt giá, những vật dụng xưa cũ của người Tây Nguyên, người Quảng Ngãi... mà ở đấy điều mà ông cảm thấy ý nghĩa nhất chính là “Góc quê nhà”.

Căn phòng không quá rộng, nhưng với ông, nơi ấy chất chứa những cảm xúc mà ngôn từ không thể diễn tả hết. Bởi, những gì được trưng bày gắn liền với tuổi thơ, với gia đình, với quê hương và với một nỗi nhung nhớ quê nhà của người xa xứ.

Đạo diễn Đoàn Huy Giao bảo, những kỷ vật như chiếc xe đạp thồ, hình ảnh cha mẹ, chùa Thiên Ấn, núi Thình Thình, dòng sông Trà Bồng... chính là dòng chảy thời gian gắn với đời của ông. “Tôi lập ra “Góc quê nhà” trong khuôn viên bảo tàng như muốn tự mình “vẽ” chân dung mình. Một người dù làm gì, ở đâu thì hai tiếng quê hương vẫn luôn đau đáu trong lòng. Ai xa quê mà không nhớ quê, không dùng dằng cho được”, đạo diễn Đoàn Huy Giao trải lòng...


Ngọc Quang
 



 


CÁC TIN KHÁC
.