Người thuyết minh đặc biệt

02:09, 03/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông đã 92 tuổi, mắt phải mờ, đôi chân không còn rắn chắc... nhưng khi đứng giữa Di tích lịch sử cấp Quốc gia - Địa đạo Đám Toái kể về những tháng ngày lịch sử của quê hương, giọng ông vẫn mạnh mẽ, dứt khoát. Ông là Nguyễn Minh Hồng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cựu chiến binh, cựu nhà giáo... Ông sống ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn). Người làng hay gọi ông bằng cái tên giản dị, thân thuộc là "ông Bảy Hồng".

Người lính ngày xưa từng đảm nhận nhiều nhiệm vụ ở nhiều đơn vị, nay trở thành nhân chứng sống làm "người thuyết minh đặc biệt" tại di tích Địa đạo Đám Toái.

Người kể chuyện Đám Toái

Địa danh Đám Toái ở thôn Phú Quý đã có từ thời xa xưa. Vùng đất này cao đẹp, thoáng mát nhưng rậm rạp, cách nhà đèn Ba Tân Gân khoảng 500m về phía bắc, thuộc diện xa nơi ở của dân. Sau ngày Tổng khởi nghĩa 19.8.1945 thành công, Đảng, Nhà nước ra kêu gọi toàn dân chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Do đó, địa đạo Đám Toái bắt đầu xây dựng do nhân dân trong thôn cùng làm.

Theo kế hoạch, phải hoàn thành địa đạo Đám Toái trong 3 tháng trên vùng đất hơn 1.000m2 của ông Trần Hạng, mà trước đó là hầm trú ẩn của dân. Địa đạo dài 500m, cao 1,8m, rộng 1,2m, ngóc ngách quanh co hình chữ chi, sâu dưới lòng đất 5m; có ba ống thông hơi ở 3 hướng tây bắc, một cửa xuống ở hướng nam...

Những năm gần đây, mỗi lần có đoàn khách đến dâng hương, viếng mộ và tham quan Đám Toái đều có một cụ già tóc bạc phơ, thường mặc bộ đồ màu hồng nhạt, kể câu chuyện lịch sử về địa đạo. Có lẽ, đi dọc chiều dài đất nước, ông Nguyễn Minh Hồng là người “thuyết minh” đặc biệt nhất, bởi đang ở cái tuổi xưa nay hiếm. Và, ông cũng chưa từng trải qua lớp học nào về thuyết minh.

Đứng giữa vùng đất anh hùng, hòa mình vào không gian thiêng liêng trong làn khói hương nghi ngút, lắng nghe từng lời do "người thuyết minh đặc biệt", từng ký ức của ngày hôm qua hiện về...

Ông Hồng dẫn dắt: “Chi phí đào đợt 1, ngày đêm trên 1.000 công, 130 lít dầu phụng, cuốc, xẻng, trạch, dòng, mủng, đèn dầu... do nhân dân đóng góp. Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ và động viên của các đoàn thể như mẹ binh sĩ, thiếu sinh quân... nhất là chị em phụ nữ vừa động viên vừa đi đào và quyên góp tiền của làm quà bồi dưỡng. Nhờ vậy mà rút ngắn thời gian hoàn thành địa đạo trước 15 ngày so với kế hoạch...”.

 Cụ Nguyễn Minh Hồng dâng hương tưởng niệm tại tượng đài ở địa đạo Đám Toái.
Cụ Nguyễn Minh Hồng dâng hương tưởng niệm tại tượng đài ở địa đạo Đám Toái.


Năm 2007, ông Hồng nắn nót chép tay lại những hồi ức của mình về Ba Làng An, nơi ông sinh ra và lớn lên. Trong đó, ông dành phần trang trọng ghi lại việc xây dựng địa đạo Đám Toái và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Châu. Khi chép hồi ức, ông Hồng đã 83 tuổi, nhưng những hàng chữ vẫn đều thẳng tắp. Lời văn mạch lạc, logic, dẫn dắt đầy cảm xúc.

Ông Hồng bảo, những điều mình tâm huyết chép ra là từ kiến thức của bản thân, học hỏi từ cán bộ đàn anh và rút kinh nghiệm từ việc đọc sách báo để câu chữ lưu loát. Sau này ông Hồng còn dành thời gian tóm tắt ngắn gọn hơn thông tin về địa đạo Đám Toái, để phù hợp với việc thuyết minh cho các đoàn đến thăm.

Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông Hồng vẫn không nề hà khi làm “người kể chuyện” địa đạo Đám Toái. Ông Phùng Bá Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho hay, không chỉ là nhân chứng sống ở địa đạo Đám Toái, cụ Hồng còn là người kết nối những giá trị lịch sử của quê hương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống rất sâu sắc cho các đoàn khách đến thăm và người dân ở địa phương.

Gần 15 năm làm người thuyết minh ở địa đạo Đám Toái, ông Hồng kể có hai kỷ niệm đáng nhớ nhất. Đó là lần tiếp đoàn học sinh, sinh viên Nga và Mỹ năm 2008, 2009. Cũng những thông tin chân thật mang giá trị lịch sử, nhưng cụ Hồng bảo, đau thương đã qua, quá khứ đã khép lại rồi. Đất nước mình đang hướng đến đoàn kết quốc tế. Việt Nam và Mỹ có nhiều hỗ trợ, hợp tác với nhau. Những lời đau thương, ông gạn lại để những bạn trẻ người Mỹ không có cái nhìn tiêu cực về thế hệ trước của mình và thêm nhiều thiện cảm với tấm lòng vị tha của người Việt Nam.

“Im lặng nghe ông Bảy Hồng ý kiến”

Dẫu 92 tuổi, nhưng bất cứ cuộc họp nào của xã, thôn tổ chức, ông Hồng đều có mặt. “Cụ Hồng siêng năng và gương mẫu lắm!. Nhà cách UBND xã hai cây số, nhưng cụ đều đi bộ đến họp. Cụ đóng góp rất nhiều ý kiến hay, giá trị cho việc xây dựng Đảng ở địa phương”, ông Phùng Bá Vương cho biết.

Đối với người già, điều vui nhất có lẽ là con cháu lắng nghe và tôn trọng lời nói của mình. Ông Hồng kể, mỗi lần đi họp, đến lượt ông đứng lên, ông thấy mọi người ngồi trong phòng nhắc nhau: “Im lặng nghe ông Bảy Hồng phát biểu”. Những lúc như vậy, ông cảm thấy phấn khởi vô vùng. Vì ông nêu ý nào cũng xác đáng, có giá trị nên ai nấy đều lắng nghe.

Với đồng lương và các chế độ được nhận, năm 2015 ông Hồng đã tích cóp, đóng góp 5 triệu đồng cho quỹ khuyến học của thôn để tiếp sức cho học trò nghèo ở quê. Ông bảo: “Ở cái tuổi này, tôi không có trăn trở gì bởi cả cuộc đời đã đóng góp, cống hiến hết mình cho quê hương. Giờ tôi tâm huyết và thiết tha nhất với hoạt động khuyến học, giúp đỡ cho các cháu nhỏ ăn học. Tri thức là chìa khóa quan trọng cho tương lai đấy”. Ông Hồng còn “lo xa” tự vẽ cho mình “ngôi nhà” sau này gồm tấm bia và hai tấm đanh tầm khoảng 5 - 6 triệu đồng để con cháu lo liệu cho đơn giản.

Rồi ông còn lo nghĩ đến chuyện tìm người thay thế mình. “Bởi, con mắt bên phải mờ rồi, không thấy nữa. Dạo gần đây, người yếu rồi. Mình phải tìm người nào là con em quê hương, sống chuẩn mực, có tri thức để tiếp tục kể chuyện về Đám Toái, để con cháu biết và gìn giữ lịch sử quê hương”, lời ông Hồng dặn dò.


 Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


CÁC TIN KHÁC
.