Xứng danh Tư lệnh Quân khu

02:01, 16/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập LLVT Quân khu 5 vừa qua, nhiều vị tướng Quân khu 5 là người Quảng Ngãi tài ba và nhân cách cao đẹp được đồng đội nhắc đến với tất cả sự trân trọng và tự hào.

TIN LIÊN QUAN

Đó là các đồng chí: Nguyễn Chánh - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN; Trung tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Đôn, nguyên Ủy viên dự khuyết BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam khoá III, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, Phó ban Thanh tra Chính phủ và Thượng tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Cả 3 đồng chí từng là Tư lệnh Quân khu 5.

Tư lệnh “ba giỏi”

Đại tá Phạm Hương, một trong hai thành viên của Đội du kích Ba Tơ còn sống, kể: “Nguyễn Chánh là người rất thông minh, có hiểu biết sâu rộng, tài ăn nói dễ thu hút người khác. Đội Du kích Ba Tơ thành lập, Nguyễn Chánh là Bí thư và Chính trị viên của Đội, anh đã bàn bạc với các đồng chí của mình đưa Đội Du kích Ba Tơ lúc này ở núi Cao Muôn về đồng bằng. Đây là một chủ trương rất sáng suốt, táo bạo, giúp Đội nhanh chóng phát triển mạnh mẽ”.

 Trung tướng Nguyễn Đôn (thứ hai bên phải) trong lần về dự lễ kỷ niệm 65 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ.
Trung tướng Nguyễn Đôn (thứ hai bên phải) trong lần về dự lễ kỷ niệm 65 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ.


Thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 2 nhận xét: “Trong chiến dịch Át-lăng 1953-1954, tôi phụ trách đội trinh sát của Liên khu 5, tôi thấy đồng chí Nguyễn Chánh lúc này là Tư lệnh Liên khu 5 có 3 cái giỏi. Thứ nhất là quyết định đưa lực lượng chủ lực của ta từ đồng bằng lên Tây Nguyên, nơi Na-va tập trung một lực lượng cơ động chiến lược lớn, đông hơn ta gấp 5 lần. Nhờ vậy ta đã giành chiến thắng vẻ vang.

Thứ hai là, sử dụng tối đa lực lượng trinh sát, quân báo. Khi Binh đoàn 100 bị đập tan, Pháp điều Binh đoàn 42 đi cứu viện. Để khỏi đổ thêm xương máu cho quân ta, Nguyễn Chánh đã dùng trinh sát kỹ thuật phát lệnh công khai (nghi binh) trên mạng thông tin của ta “tập trung đánh Sóc-canh”. Đại tá Sóc-canh nghe điện nghi binh đó, tưởng lực lượng ta rất mạnh nên đã dừng lại không đi chi viện nữa.

Thứ ba là, bảo vệ toàn vẹn chiến lợi phẩm. Khi chiến thắng, ta thu hồi hàng trăm xe tăng, xe tải địch bỏ lại ngổn ngang, đồng chí Nguyễn Chánh lại kêu gọi lực lượng tù binh ai biết lái xe tăng, xe kéo pháo, xe tải thì ra đầu hàng sớm để cho về đồng bằng. Nhờ vậy cả đoàn xe mấy trăm chiếc được tù binh lái đưa về căn cứ an toàn. Nhiều chiếc đã được theo tàu tập kết ra Bắc…

Trả lại xe Von-ga để đi bộ

19 tuổi, ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương, bị Pháp bắt nhốt lao tù rồi bị đày lên căng an trí Ba Tơ. Tại đây ông cùng với những đồng chí trung kiên lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ (tháng 3.1945) và sau đó lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi (tháng 8.1945). Ông góp phần quan trọng xây dựng Ba Tơ thành khu căn cứ của đội du kích và là phên dậu vững vàng phía tây Quảng Ngãi. Là bậc “công thần khai quốc” nhưng ở Trung tướng Nguyễn Đôn lúc nào cũng toát lên sự giản dị, gần gũi, chí tình, chí nghĩa. Ông có sức thu hút rất lớn với người xung quanh. Đại tá Nguyễn Kim Hồ, nguyên Chủ nhiệm Phòng không Quân khu cũng là cháu của ông, kể lại: Những năm ông thôi chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để làm Trưởng ban Công tác miền Tây của Trung ương Đảng, người ta thấy đồng chí Cay-xỏn Phôm-xi-hản, nguyên Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào coi ông như người thân thiết, thường xuyên đến thăm ông ở căn nhà 30 Lý Nam Đế, Hà Nội.

Chuyện ông được Bộ Quốc phòng tặng chiếc xe Von-ga, một tài sản rất lớn lúc đó khi rời quân ngũ, nhưng ông đã tặng lại cho Quân khu 5 vẫn được nhiều người nhắc tới. Hạn hữu lắm ông mới yêu cầu xe đón rước. Những nơi gần ông thường đi bộ. Có khi ông chống ba-tong đến thăm Bộ Tư lệnh Quân khu.

 Hiện ông sống giản dị trong căn nhà đã cũ ở kiệt 32 Phan Đình Phùng, Đà Nẵng. Có nhiều người không tin rằng, một vị tướng trường chinh với các cuộc kháng chiến lại có cơ ngơi bình thường như vậy. Nhưng ông tự cho rằng như vậy là đủ và thường nói với con cháu không bao giờ đòi hỏi gì cả. Ông luôn dành nhiều thời gian thăm đồng đội, thăm các miền quê đã cưu mang ông trong chiến tranh. Những ai ở bên khi ông làm Tham mưu trưởng Liên khu 5 trong chống Pháp hay Tư lệnh Quân khu 5 sau này đều hết mực kính trọng ông, xem ông là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và đạo đức cao đẹp của người cộng sản.

Cậu bé mồ côi khát sữa và đường đến Tổng hành dinh

Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở bé cùng một tuổi thơ cơ cực nên khi trưởng thành, vào quân đội ngay từ những ngày đầu ông đã tỏ rõ sự gan góc, dũng cảm. Ông được phong tặng Anh hùng LLVTND năm 1972 sau 3 lần chiến đấu và lập công xuất sắc ở Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào) trên vai trò Đại đội trưởng Đại đội 6, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312.

Đại tá Huỳnh Minh Giữ - Chủ tịch Hội CCB Quảng Ngãi không giấu vẻ khâm phục khi được hỏi về Thượng tướng Nguyễn Văn Được: “Con đường binh nghiệp của anh Được khá đặc biệt khi đang trên cương vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi thì được bầu làm kiêm nhiệm Phó Bí thư Thường trực tỉnh Quảng Ngãi, trúng đại biểu Quốc hội khóa IX, làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Hai năm sau đó, được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 5. Năm 1996, anh giữ chức Tư lệnh Quân khu thay Trung tướng Phan Hoan nghỉ hưu. Năm 2001 làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và giữ cương vị này đến 8 năm”.

Đường đến Tổng hành dinh QĐNDVN của Thượng tướng Nguyễn Văn Được khá hanh thông. Nhưng những ai gần gũi đều thấy ông chưa bao giờ tự mãn mà luôn trăn trở với nhiệm vụ của mình. Với bản tính cầu thị, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, trách nhiệm hết mình với công việc, ông đã không phụ lòng tin của tổ chức, của quân đội.

 Còn nhiều Tư lệnh, Chính ủy Quân khu quê núi Ấn, sông Trà đã để lại kỷ niệm sâu nặng trong lòng đồng đội. Họ đều giống nhau ở lý tưởng cách mạng cháy bỏng, dám dấn thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, có nhân cách cao đẹp, thật sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN
 


CÁC TIN KHÁC
.