Dinh bà Thủy Long

07:01, 12/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tọa lạc sát bờ biển phía nam huyện đảo Lý Sơn, Dinh bà Thủy Long thuộc xóm Trung Hòa, thôn Đông, xã An Hải đã được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Nơi đây thờ bà Thủy Long - theo truyền thuyết là công chúa, con vua Thủy Tề (Long Vương) thường dạo chơi trên biển và luôn ra tay cứu giúp ngư dân khi gặp thiên tai, hoạn nạn...
 

TIN LIÊN QUAN

Chỗ dựa tinh thần của ngư dân

Trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi thờ bà Thủy Long, dinh thờ thường nằm sát mép sông, bờ biển. Việc thờ phụng thường do những người làm nghề chài lưới, khai thác hải sản trên sông, biển thực hiện. Dinh bà Thủy Long ở Lý Sơn cũng vậy. Ông Nguyễn Khóa, chủ cựu xóm Trung Hòa cho biết, ngư dân ở đây rất tín ngưỡng vào sự phù hộ độ trì của bà Thủy Long và xem đây là một chỗ dựa tinh thần khi hành nghề trên biển. Hầu hết chủ tàu ra khơi đánh bắt hải sản đều “đi thưa, về trình” với bà. Trước khi xuất bến ra vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa “các lái” (tức chủ tàu) đến Dinh bà dâng bàn trầu, tửu; sau khi về thì tạ bằng lễ vật. Và cứ thế đến khi đánh bắt hết vụ thì cúng tạ mãn vụ, sau đó lại xin bà phù hộ để đi vụ đông xuân kế tiếp...

Dinh bà Thủy Long, ở xóm Trung Hòa, thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn).
Dinh bà Thủy Long, ở xóm Trung Hòa, thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn).


Dinh bà Thủy Long do xóm Trung Hòa phụng sự tế lễ cùng với vạn An Phú. Hằng năm, việc tế lễ tại dinh bà diễn ra theo xuân thu nhị kỳ và ngày lễ tết thì từ mùng Một đến mùng Bảy tháng Giêng. Vào ngày tế lễ chính trong ngày “vía Bà” có hai lễ chính: Lễ nhập yết và lễ tế chính. Lễ nhập yết thường được tổ chức vào đầu giờ đêm ngày hôm trước, trong lễ nhập yết có lễ tỉnh sinh - tế cáo các thần linh để dâng vật phẩm cúng: Heo, gà, trầu, rượu... Còn lễ tế chính diễn ra vào sáng sớm ngày hôm sau. Đoàn tế gồm một vị chủ tế (chủ vạn hoặc chủ xóm), cùng các phụ tế là những người của vạn An Phú hoặc xóm Trung Hòa.

Ngoài ra, còn có 4 người dâng đèn (bộ lễ), đội nhạc lễ (5 người) và 2 người đánh trống, chiêng trong suốt quá trình diễn ra lễ. Buổi tế chính diễn ra theo trình tự 3 bước: Sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Kết thúc bước hiến lễ là tới mục đọc văn tế (xướng văn), người đọc xướng lên với âm điệu du dương, nội dung cung thỉnh các vị thần linh về dự lễ và ca ngơi công lao, cầu mong bà Thủy Long đem lại sự bình an, được mùa cho vạn chài, làng xóm.
 

Ở làng (xã) An Hải có 4 xóm với 4 đội thuyền đua Long, Lân, Quy, Phụng, trong đó ghe Lân thuộc xóm Trung Hòa (thờ bà Thủy Long). Hằng năm, vào ngày mồng 4 Tết, nhân dân 4 xóm tập trung tại Đình làng An Hải- di tích  tổ chức lễ cúng động thổ, xong mới về tổ chức cúng tại lân (xóm) của mình và sau đó tổ chức lễ hội đua ghe tứ linh.

Kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Dinh bà Thủy Long có kiến trúc hình chữ Nhị, bao gồm nhà tiền tế và nhà hậu cung. Dinh nhìn về hướng nam và quay mặt ra Biển Đông. Bao quanh khuôn viên dinh là bờ la thành thấp. Trước dinh là hai trụ biểu, bình phong, hai bên là hai con lân chầu vào nhau. Bình phong đắp nổi tiền hổ hậu long (long mã). Nóc dinh bờ giải trang trí lưỡng long tranh châu đắp nổi; hai bên bờ giải đắp nổi trang trí phượng vũ. Hai đầu hồi nhà hậu cung đắp nổi long phù trông rất sinh động.

 Nhà tiền tế (tiền đường) có diện tích 42m2, với 4 cột xây và bên trong có 3 bàn thờ: Bàn lễ có hương án, hai bên có hai bàn thờ tiền vãng, hậu vãng. Nối liền nhà tiền tế là khoảng không gian nhà cầu theo hình ống, nối với nhà hậu cung. Nhà hậu cung rộng 35m2; phía tiền diện có ba hệ thống cửa thượng song hạ bản (cửa bàn khoa bắt chỉ), kiểu cửa được tạo tác xưa kia còn giữ lại. Kết cấu nhà hậu cung gồm ba gian thờ: Gian giữa thờ thần là khám thờ bà Thủy Long. Bên trong khám thờ có thần vị bằng gỗ sơn son thếp vàng chạm khắc chữ Hán. Đây là thần vị của bà Thủy Long, với nội dung: Phụng thỉnh Chủ Thủy long Thánh phi tôn thần chi vị. Phía trước khám thờ là bàn lễ và hương án; hai bên thì tả ban thờ thành hoàng bổn cảnh, hữu ban thờ tiền hiền. Gian thờ thần vị chính giữa có hai liễn đối: Thủy đức khuông phù, ngư dân lạc nghiệp/ Long hưng bảo trợ, phú thứ bình an...

Dinh bà Thủy Long được xây dựng từ lâu đời, nhưng vẫn còn giữ nguyên kiến trúc xưa của nhà hậu cung. Dinh có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của dân chúng trong vùng. Vì thế, hết đời này đến đời khác người dân ở đây đã tự nguyện góp tiền của, công sức để xây dựng, trùng tu dinh bà với tấm lòng tôn kính.  Đặc biệt mới đây, Dinh bà Thủy Long đã được UBND tỉnh quyết định công nhận di tích cấp tỉnh (thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật).


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


CÁC TIN KHÁC
.