Độc đáo kiến trúc nghệ thuật lân Vĩnh Lộc

05:12, 28/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lân Vĩnh Lộc ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) là di tích lịch sử gắn với quá trình khai hoang lập làng của các vị tiền hiền, cách nay hơn 400 năm. Nơi đây lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, sinh hoạt tín ngưỡng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Lý Sơn và là công trình nghệ thuật độc đáo.

TIN LIÊN QUAN

Hiếm có về mặt kiến trúc  

Kiến trúc lân Vĩnh Lộc được bố trí theo kiểu tam sơn gồm tiền đường, chánh điện và hậu cung. Tiền đường được xây dựng với bốn bộ vì kèo, trụ đội, choãi cánh dơi. Mặt tiền điện gồm tám trụ vuông được xây dựng bằng gạch, xi măng, trên các trụ đều đắp nổi liễn đối chữ Hán. Bốn trụ ở giữa đỡ các trính. Hai trụ góc đắp bản xi măng, trên bản đắp nổi cây tùng rất công phu. Hai góc trên đỉnh tiền diện đặt hai con kỳ lân triều quy, phượng, trung điểm là bức hoành phi chữ Hán đề Lân Vĩnh Lộc. Đỉnh mái tiền đường đắp nổi lưỡng long tranh châu. Hai bên đầu hồi đắp nổi hình tượng con dơi trong tư thế treo ngược xuống đĩa trái cây. Nội thất tiền đường đặt long đình.

Tiền đường lân Vĩnh Lộc.
Tiền đường lân Vĩnh Lộc.

 

Giữ kiến trúc cổ

Cũng như nhiều di tích khác trên huyện đảo Lý Sơn, lân Vĩnh Lộc cũng đã qua nhiều lần trùng tu nhưng về cơ bản vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa vốn có. Nơi đây gắn liền với lịch sử người Việt từ làng An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) đến khai phá vào đầu thế kỷ XVII. Các dòng họ tiền hiền như họ Võ Văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn, Phạm Văn, Phạm Quang, Trần, ra đảo định cư đã lập nên phường An Vĩnh, nay là xã An Vĩnh. Hơn bốn trăm năm hình thành và phát triển, di tích luôn là cơ sở tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng người Việt xóm Vĩnh Lộc, làng An Vĩnh.

Phần Chánh điện là mặt bằng kiến trúc gồm tám cột gỗ lớn có đường kính 35cm chia làm bốn bộ vì kèo trụ đội choãi cánh dơi, đế con tôm. Nội thất chánh điện chia làm ba gian thờ chính, tại gian giữa hàng cột nhất tiền đặt bức hoành phi chữ Hán, hai bên là liễn đối chữ Hán, trang trí trên liễn đối chữ Hán đề tài mai điểu bằng nghệ thuật khảm xà cừ, viền bản liễn đối chạm khắc tứ linh, bao quanh cột phủ bao lam tứ linh, tứ linh được chạm khắc gỗ long, lân, quy, phụng rất công phu, tạo cho gian thờ giữa rất trang nghiêm.

Nội thất gian thờ giữa đặt bàn thờ hội đồng, hai bên trang trí hai bộ bát bửu cát tường chạm khắc gỗ. Hai bên gian thờ ở hàng cột nhất tiền là ban thờ tả ban, hữu ban. Các ban thờ này đều được treo hoành phi, liễn đối chữ Hán và bao lam hình tứ linh như ở gian thờ giữa.

Tại hàng cột nhì của chánh điện cũng chia làm ba gian thờ như ở hàng cột nhất. Phía giữa hai cột nhì tại đỉnh cột treo hoành phi chữ Hán bằng gỗ, hoành phi được tạo tác như hình cuốn thư mở, viền hoành phi, được trang trí tứ linh long, lân, quy, phụng. Trên hai cột giữa ở hàng cột nhì treo liễn đối chữ Hán cẩn xà cừ, bao quanh đỉnh cột là bao lam tứ linh được sơn son, thếp vàng. Hai bên cột giữa hàng nhì đặt hai con hạt đứng trên lưng rùa. Phía sau gian thờ giữa ở hàng cột nhì là án thờ hội đồng thờ chư vị thần linh. Trên án thờ đặt long kiệu, đôi chim hạt đứng trên lưng rùa, lư hương, chân đèn, bình hoa. Bàn thờ hội đồng được làm bằng gỗ, cẩn xà cừ, viền được tạo tác hình sóng nước. Hai bên án thờ hội đồng là bàn thờ tả ban, hữu ban. Tại hai gian thờ này đều treo hoành phi, liễn đối chữ Hán và bao lam bằng gỗ được chạm khắc tứ linh. Trên các án thờ đều bố trí các đồ thờ tự như chim hạt, lư đồng, chân đèn, bình hoa.

Hậu cung là phần trong cùng. Hậu cung và chánh điện cách nhau bằng máng xối, hai đầu máng xối đắp nổi hình cá chép. Hậu cung được xây dựng theo kiểu mái cắt chồng cổ diêm tạo thành hai bờ mái, mái trên và mái dưới, mái trên lợp ngói mũi hài, bốn góc mái trên đắp nổi rồng chầu về bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Hai bên đầu hồi mái trên đắp nổi dơi treo ngược xuống đĩa trái cây, các góc đầu hồi đắp nổi cá hóa long.

Đỉnh mái trang trí đề tài lưỡng long tranh châu. Phần triền chi mái trên cổ diêm trang trí hoa dây thực vật. Bốn mặt cổ diêm trang trí đề tài mai điểu, trúc tước, tùng lộc, cúc trĩ. Đến mái dưới lợp ngói mũi hài. Bốn góc mái dưới đắp nổi rồng chầu, phía triền chi mái dưới trang trí hoa dây thực vật. Nội thất hậu cung chia làm ba gian, gian giữa thờ tượng nữ thần Thiên Y a Na và hai vị thái tử. Hai bên án thờ chính là bàn thờ tả ban, hữu ban. Trên án thờ giữa đặt long kiệu và các đồ thờ tự lư hương, chân đèn, bình hoa, dù, lọng. Án thờ chính ở hậu cung được đắp nổi, trang trí rồng, phụng. Phía trước đặt hai con chim hạt đứng trên lưng rùa, hai bên đặt Hồng Mã và Bạch Mã.

Nơi sinh hoạt tín ngưỡng

Di tích là nơi đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh cộng đồng. Hằng năm người dân xóm Vĩnh Lộc, làng An Vĩnh tổ chức nhiều sinh hoạt tín ngưỡng như lễ vía bà Thiên Y a Na, lễ hoàn nguyện, lễ tế xuân, lễ tế thu, lễ hội đua thuyền tứ linh, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của người dân nơi đây. Ông Bùi Văn Thanh - Trưởng lân Vĩnh Lộc, cho biết: Đây là nơi gắn liền với tín ngưỡng thờ nữ thần Thiên Y a Na. Tuy là nữ thần có nguồn gốc của người Chăm nhưng người Việt tin rằng sức mạnh của bà có thể chế ngự, trấn được mọi hiểm họa đe dọa đến đời sống và có khả năng ban phát ân đức cho con người. Chính quan niệm đó, cộng đồng cư dân trên đảo Lý Sơn, tiêu biểu ở xóm lân Vĩnh Lộc dễ dàng tiếp thu tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người Chăm trong buổi đầu đến khai cư lập nghiệp tại vùng đất mới.

Tín ngưỡng thờ nữ thần trên đảo Lý Sơn nói chung và ở lân Vĩnh Lộc nói riêng cho thấy yếu tố giao thoa của hai nền văn hóa Chăm - Việt, đó là tín ngưỡng thờ nữ thần Pô Inư Naga của người Chăm, nhưng những nghi lễ thờ cúng hoàn toàn của người Việt. Chính vì thế mà tượng nữ thần của người Chăm đều được chạm khắc, trang trí như những người phụ nữ Việt đôn hậu.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


CÁC TIN KHÁC
.