Nhân vật Quảng Ngãi:
Nguyễn Vịnh (1840- 1895)

08:07, 08/07/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Nguyễn Vịnh sinh năm Canh Tý (1840) tại làng An Phú, nay thuộc thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh trong một gia đình có truyền thống nho học.

TIN LIÊN QUAN

Từ nhỏ Nguyễn Vịnh đã tỏ ra là người hiếu học, thông minh, vừa ham đọc sách vừa mê võ thuật. Có tài liệu cho rằng ông đổ Cử nhân võ ở kinh đô Huế nên người đời quen gọi là Cử Vịnh.

Mộ Nguyễn Vịnh
Mộ Nguyễn Vịnh


Sau sự kiện kinh đô thất thủ (13.7.1885), nhóm chủ chiến trong triều đình đưa vua Hàm nghi rời Huế chạy ra Tân Sở rồi ban chiếu Cần vương, kêu gọi sĩ phu và nhân dân giúp nhà vua, chống quân xâm lược Pháp. Do đã được chuẩn bị từ trước, nên khi nhận được chiếu chỉ của Triều đình, sĩ phu và nhân dân Quảng Ngãi nhanh chóng hưởng ứng, mở đầu bằng cuộc khởi nghĩa đánh chiếm thành Quảng Ngãi, do cử nhân Lê Trung Đình lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa Cần vương đầu tiên trong cả nước thất bại và bị kẻ thù đàn áp dã man. Những người cầm đầu kẻ bị giết, người bị bỏ tù, nghĩa binh cũng như những người có cảm tình với cuộc khởi nghĩa bị bức hại. Thế nhưng, ngọn lửa quật khởi của sĩ phu và nhân dân Quảng Ngãi không hề bị bạo quyền dập tắt.

Tình hình ở Huế sau ngày kinh đô thất thủ diễn ra vô cùng phức tạp, đặc biệt là sự phân hóa trong nội bộ triều đình và những âm mưu đen tối của thực dân Pháp. Tuy vậy, trong khắp đất nước, đặc biệt là ở Trung- Bắc kỳ, phong trào Cần vương vẫn diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Đến khi vua Hàm Nghi bị bắt (1888), các cuộc vùng dậy cứu nước dưới ngọn cờ Cần vương quy tụ thành các cuộc khởi nghĩa lớn mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) do Phan Đình Phùng lãnh đạo.

Trong bối cảnh chung của cả nước, phong trào yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi cũng có những thăng trầm. Sau thời gian khôi phục lực lượng, đến năm 1893 lại chuẩn bị nổi dậy nhưng liền bị đàn áp đẫm máu. Cuộc vận động cứu nước ngấm ngầm cho đến cuối năm 1894 lại bùng lên một lần nữa. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Nguyễn Vịnh, Thái Thú cùng Tôn Đính, Bạch Văn Vĩnh (em rể Nguyễn Vịnh)... bí mật tổ chức lại lực lượng yêu nước trong tỉnh, liên kết với phong trào Cần vương Hà Tĩnh do Phan Đình Phùng lãnh đạo, vạch ra kế hoạch "nội công, ngoại kích" để đánh chiếm tỉnh thành và đồn Thương chính Cổ Lũy.

Đêm mồng 7, rạng ngày 8 tháng chạp, năm Giáp Ngọ (1894), dưới sự chỉ huy của Thái Thú, nghĩa quân đã phối hợp với quân "Bạch lộ" nhanh chóng tiêu diệt đồn Cổ Lũy, giết viên Thương chính người Pháp là Râyna (Reignard), song cuộc đánh chiếm tỉnh thành do Nguyễn Vịnh chỉ huy không thực hiện được vì kế hoạch phối hợp không khớp. Quân khởi nghĩa phải rút về núi An Đại (nay thuộc huyện Tư Nghĩa), nhưng vẫn bị kẻ thù đuổi theo, vây hãm. Nguyễn Vịnh cùng Thái Thú, Bạch Văn Vĩnh bị bắt và bị đưa ra xử tử vào ngày 24.12 năm Giáp Ngọ (tháng giêng 1895).

Sau khi Nguyễn Vịnh hy sinh, gia đình, thân tộc và những người đồng chí hướng đã đưa ông về chôn cất ở Gò Giàn, làng An Phú. Đến tháng 6 năm 2001, thể theo nguyện vọng của con cháu và người dân địa phương, chính quyền xã Tịnh Minh đã cùng gia đình tổ chức di dời mộ Nguyễn Vịnh về Gò Miễu- một khu đất cao ráo ở gần trung tâm xã, để mọi người tiện hương khói và thăm viếng.

 

Bia ghi công Nguyễn Vịnh.
Bia ghi công Nguyễn Vịnh.


Ngày 8.10. 2001, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra Quyết định số 3659/QĐ-UB công nhận mộ Nguyễn Vịnh là Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh.

Liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Vịnh, trong một số sách vở, tài liệu hiện lưu hành có nhiều điểm chưa thật thống nhất cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn.

Có ý kiến cho rằng ông đỗ Cử nhân võ vào năm 1888. Đây là điểm không chính xác, vì theo lịch sử, khoa võ cử triều Nguyễn bắt đầu vào năm Thiệu Trị 6 (1846) và kết thúc vào năm Tự Đức 33 (1880) với 7 khoa thi Hương và 8 khoa thi Hội. Sử chép rằng: Sau cuộc thi Võ khoa năm 1880, tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, quân Pháp đánh chiếm kinh đô Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký hiệp ước Patenôtre (1884), đồng thời liên tục phản đối và gây khó cho việc Nam triều tổ chức thi võ khoa. Vì vậy, dù cho vào năm Kiến Phúc 1(1884) vua quan nhà Nguyễn vẫn bàn định sửa đổi một số nội dung thi Hương võ và Hội võ, nhưng trên thực tế các cuộc thi võ không còn được tổ chức.. Rất có thể Nguyễn Vịnh đỗ Cử nhân võ vào một trong các khoa thi từ 1880 về trước, nhưng cụ thể là khoa nào thì phải cần xác minh cụ thể.

Về ngày mất của Nguyễn Vịnh, văn bia tại mộ ông đề là “ngày 13 tháng chạp năm Giáp Ngọ, tức tháng giêng năm 1894”, trong khi đó nhiều tác phẩm biên khảo khác như  Địa chí Quảng Ngãi, Quảng Ngãi: Đất nước- Con người- Văn hóa, thì cho biết ông cùng Thái Thú, Bạch Văn Vĩnh bị hành quyết cùng ngày 24 tháng chạp năm Giáp Ngọ. Đây cũng là một điểm còn chưa được làm rõ.

13 tháng chạp, năm Giáp Ngọ nhằm ngày 8.1.1895, còn 24 tháng chạp là ngày 19.1.1895. Như vậy, nếu tính theo Công lịch, năm mất của Nguyễn Vịnh là 1895, không phải là 1894 như khắc trên bia mộ.
                                                               

    Lê Hồng Khánh
 

*Đón đọc kỳ tới: Võ Văn Khiết


 


CÁC TIN KHÁC
.