Cây cổ thụ của làng

02:06, 02/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi những cánh rừng tự nhiên liên tục bị chặt phá một cách không thương tiếc thì ngay tại thôn A Mé, xã Ba Ngạc (Ba Tơ) và thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) có một số cây sao xanh và cây chò được người dân bao đời nay trông coi như là một “báu vật” quý giá.

Cổ thụ giữa làng

Cách Quốc lộ 24B chừng 100m, đoạn qua xã Ba Ngạc (Ba Tơ) có hai cây sao xanh tuổi đời hàng trăm năm, nhưng rất xanh tốt. Hai cây này được xem như báu vật của thôn A Mé. Vì thế nên ông Phạm Văn Ép, Trưởng thôn A Mé đã vặn hỏi chúng tôi từ đâu đến, đến đó làm gì, trước khi cho đến gần cây sao xanh. Mà cũng đúng thôi, bởi thời gian qua, bọn lâm tặc vẫn luôn rình rập và sẵn sàng ra tay với 2 cây sao xanh hàng trăm năm tuổi này. Ông Ép bảo, sau giải phóng, triền đất ven sông Re này có nhiều cây sao xanh đường kính từ 1 - 1,3m, nhưng giờ chỉ còn 2 cây to ngay bến nước này thôi. “Những cánh rừng già với những cây cổ thụ giờ chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những đồi keo, nương mì, mía nhìn mà xót xa”, ông Ép thở dài.

Cây sao xanh này được người dân A Mé coi là báu vật nên gìn giữ cẩn thận.
Cây sao xanh này được người dân A Mé coi là báu vật nên gìn giữ cẩn thận.


Dẫn chúng tôi ra bến nước- nơi có 2 cây sao xanh cổ thụ đường kính từ 1,5 - 2m, với 5, 6 người ôm, ông Ép cố lục lọi trong trí nhớ già nua của mình về cây sao này, nhưng cũng chả biết chúng có từ khi nào và lớn lên ra sao. Chỉ biết rằng khi ông sinh ra nó đã sừng sững che bóng mát cho dân làng. Nghe bảo cây sao này hàng trăm năm tuổi, bọn lâm tặc liên tục đến gạ gẫm dân làng để mua. Ông Ép kể, năm 1986, có người sau khi gạ mua không được, bèn đổi con heo và 3 triệu đồng để bà con cúng bến nước. Khi kiểm lâm nghe tin đã ngặn chặn kịp thời. Nay dân làng không bán cái cây này với bất kỳ giá nào. Vì đó là biểu tượng hiên ngang của người Hrê ở đây.  

Sau khi biết giá trị của cây sao xanh, bà con trong thôn đã nhổ cây con về trồng và nay nhiều gia đình đã có hàng chục cây to cả người ôm. Như gia đình bà Phạm Thị Na hiện trong vườn và rẫy nhà bà có 1.000 cây từ 4 – 18 năm tuổi. Năm 2014, cán bộ khuyến nông huyện Ba Tơ lên hướng dẫn người dân A Mé cách ươm hạt cây sao xanh lấy từ 2 cây cổ thụ. Và từ ươm cây, gia đình bà Na bán được gần 10 triệu đồng tiền cây giống. Ông Phạm Văn Vôn, Bí thư Đảng ủy xã Ba Ngạc, cho biết: Cây sao có tuổi đời cả trăm năm ở Ba Ngạc hiện rất hiếm. “Chúng tôi thấy việc giữ lại những câycổ thụ là rất cần thiết. Nó không chỉ có giá trị về mặt văn hóa mà còn có giá trị về nghiên cứu, bảo vệ nguồn gien của những loài cây này. Chúng tôi rất vui khi thấy người dân có ý thức bảo vệ 2 cây cổ thụ này”, ông Vôn nói.

“Sơn lâm, thảo khấu” đầu hàng...

Còn ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng), cây chò của thôn tuy giá trị kinh tế không bằng cây sao xanh ở làng A Mé, nhưng lại là cây di tích nên người dân luôn nỗ lực bảo vệ. Già làng Hồ Minh Sơn kể: Từ hồi kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, cây chò này là ngã ba giao lưu buôn bán, là điểm dừng chân của thương lái người Kinh và bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Bồng; đồng thời cũng là điểm dừng chân của bộ đội. Sau giải phóng, nhiều gia đình ngoài Bắc khi đến Trà Tân tìm mộ liệt sĩ đã lấy mốc là cây chò để đi về các hướng tìm mộ. “Sau giải phóng có người đến cưa chặt cây này nhưng bất thành, nên từ đó về sau không một ai trong làng nói đến chuyện chặt bỏ cây này”, già làng Sơn kể.

Hiện nay, chính quyền xã Trà Tân đồng ý cho ông Phạm Thân, quê xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) dựng quán nhỏ bán nước dưới tán cây; đồng thời giao ông bảo vệ cây chò tránh việc bị lâm tặc đốn hạ. Ông Thân kể, sau khi tôi đến ở có nhiều lâm tặc mua chuộc sự im lặng của tôi để được đốn cây, nhưng tôi không đồng ý. Mua chuộc không được, chúng hăm dọa, nhưng tôi nhất quyết không sợ. “Cũng nhờ bảo vệ cây mà việc buôn bán của tôi gặp nhiều thuận lợi. Gần đây, xã làm khu tái định cư Trà Ót gần cây chò nên bà con cùng tham gia bảo vệ, dứt khoát nói không với những cám dỗ của bọn lâm tặc”, ông Thân khẳng khái, nói.

Bài, ảnh: Bá Sơn
 


CÁC TIN KHÁC
.