Kỷ niệm 50 năm Trường cấp II Đông Sơn Tịnh (1965 - 2015):
Nhớ mãi một mái trường kháng chiến

02:05, 10/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây vừa tròn 50 năm, từ trong khói lửa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc, trên quê hương vùng Đông Sơn Tịnh (nay thuộc TP.Quảng Ngãi), đã ra đời một mái trường phổ thông mang tên: Trường cấp II Đông Sơn Tịnh. 50 năm đã trôi qua, mỗi khi nhắc đến mái trường thuở ấy, chúng tôi- những người từng gắn bó với ngôi trường này không khỏi bồi hồi xúc động về quá khứ của những tháng ngày đèn sách, với bao kỷ niệm thân thương và rất đỗi hào hùng.

Tháng 5.1965, sau chiến thắng Ba Gia lịch sử, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ngụy đã phá sản, vùng giải phóng ở Đông Sơn Tịnh được mở rộng. Đi đôi với việc giữ vững vùng giải phóng, phát triển các phong trào và lực lượng cách mạng, chủ trương của tỉnh: "Giải phóng đến đâu mở trường đến đó", vừa phát triển phong trào giáo dục, vừa tạo nguồn nhân lực lâu dài phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với các trường cấp II Tây Sơn Tịnh, Bình Sơn, tháng 10.1965, Trường cấp II Đông Sơn Tịnh được thành lập. Đây là sự kiện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng nói chung và công tác giáo dục ở vùng giải phóng Đông Sơn Tịnh nói riêng.

Từ khi được thành lập và tồn tại đến đầu năm 1970, đây là giai đoạn mà cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta ở hai miền Nam- Bắc đang ở đỉnh cao của sự ác liệt. Vùng Đông Sơn Tịnh gồm các xã Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ và Tịnh Thiện, Mỹ ngụy đã gây ra biết bao tội ác dã man. Điển hình là vụ lính Mỹ thảm sát 504 đồng bào ở Sơn Mỹ vào ngày 16.3.1968; nhiều trận càn quét đẫm máu, đặc biệt là trận càn Ba Làng An vào tháng 1.1969.

Ngay từ khi mới thành lập, thầy và trò Trường cấp II Đông Sơn Tịnh đã phải vượt qua bao khó khăn gian khổ, ác liệt. Từ năm học đầu tiên 1965 đến năm 1970, năm học nào trường cũng phải di dời địa điểm, có năm học phải di chuyển vài ba lần. Trường học là những ngôi nhà tạm bợ, hoặc mượn nhà của dân, khi là những căn hầm do thầy giáo và học sinh tự đào, để tránh địch càn quét. Giờ học chủ yếu là buổi chiều, buổi trưa hoặc gần tối. Bàn ghế là những bộ ghế xếp cá nhân do học sinh tự chế, học xong xếp lại mang đi cất giấu, khi chuyển trường mang theo. Sách giáo khoa do học sinh chép tay sau đó đóng tập dùng để dạy học.


Học sinh từ các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Thiện hằng ngày đi bộ đến trường, đường xa hiểm nguy luôn rình rập; có người bỏ mạng trong những tháng năm bám lớp, bám trường. Thầy giáo sau khi được đào tạo ở trường Trung cấp Sư phạm khu 5, đưa về giảng dạy tại trường không nhiều, các thầy phải dạy kiêm nhiều môn. Đời sống sinh hoạt rất khó khăn, học sinh và thầy giáo phải tăng gia sản xuất rau màu để cải thiện. Đến tháng 1.1969, khi Mỹ ngụy mở trận càn Ba Làng An có quy mô lớn đánh vào Đông Bình Sơn và Đông Sơn Tịnh, lùa dân vào khu dồn lập ấp chiến lược, lúc bấy giờ, vùng Đông Sơn Tịnh xem như "trắng dân trắng đất". Đến đầu năm 1970, thầy trò Trường cấp II Đông Sơn Tịnh phải ngậm ngùi chia xa mái trường thân yêu, tạm gác việc học hành, xếp bút nghiên lên đường đi kháng chiến.

Từ ngày khai giảng năm học đầu tiên đến khi sân trường vắng bóng thầy và trò, Trường cấp II Đông Sơn Tịnh chỉ tồn tại 5 năm. Chừng ấy thời gian nhưng trường đã đào tạo trên 15 lớp, từ lớp 5 đến lớp 7 (hệ 10 năm) với trên 200 học sinh. Có được kết quả ấy, thầy và trò của trường phải vượt qua bao khó khăn, gian khổ ác liệt, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù trường vẫn hiên ngang tồn tại và năm học nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không chỉ chăm lo việc dạy và học, Trường còn tham gia đóng góp tích cực vào các phong trào và công tác ở địa phương. Thầy và trò đã nhiều lần xung phong tình nguyện lên đường ra mặt trận, nhiều đợt học sinh, thầy giáo tham gia vận chuyển lương thực, tải thương, tải đạn, đào giao thông hào phục vụ chiến đấu.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, mặc dù trường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, nhưng nhìn lại những gì mà thầy trò Trường cấp II Đông Sơn Tịnh làm được, càng ngời sáng tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, của những thế hệ đi trước, là sáng suốt và đúng đắn, dù trong điều kiện và hoàn cảnh nào cũng phải quan tâm đến sự nghiệp trồng người như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Sau ngày cánh cửa trường khép lại, hầu hết học sinh của trường đã xung phong thoát ly gia đình đi kháng chiến, một số ở lại trụ bám vùng giải phóng, hoặc tiếp tục học hành. Có nhiều đồng chí đã trưởng thành, được Đảng và Nhà nước giao những nhiệm vụ trọng trách; tuyệt đại đa số đều thủy chung gắn bó với cách mạng, Tổ quốc, quê hương, giữ trọn đạo lý thầy trò, tích cực đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước. Trong số 9 thầy giáo đã từng giảng dạy tại trường đã có 3 thầy hy sinh và trong tổng số trên 200 học sinh của trường đã có 68 người là liệt sĩ và hàng chục người là thương binh. Tổ quốc và quê hương mãi mãi khắc ghi công lao, thành tích hào hùng ấy.

40 năm sau ngày quê hương, đất nước hoàn toàn giải phóng, 45 năm mái trường cấp II Đông Sơn Tịnh chấm dứt hoạt động, và 50 năm kể từ ngày khai giảng năm học đầu tiên. Những dòng sông, con đường, căn hầm, góc núi ngày nào đã từng in dấu những người con của quê hương vùng Đông Sơn Tịnh, nay vẫn còn trong ký ức. Bốn xã vùng Đông Sơn Tịnh đã chứng kiến biết bao sự kiện bi hùng diễn ra trên mảnh đất này. Những chàng trai cô gái ngày nào ở tuổi hoa niên đong đầy nhiệt huyết, nay đã ở tuổi 60, mái đầu đã điểm bạc nhưng ký ức về mái trường, về một thời bom rơi đạn nổ trong tâm khảm họ không thể nào quên.

Nguyễn Ngọc Trạch
 


CÁC TIN KHÁC
.