Người con đất Quảng trên xứ trầm hương

07:04, 29/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một cặp vợ chồng người thương binh sống dưới chân dãy núi Hoàng Ngưu, nơi chiến khu Đồng Bò năm xưa, nay thuộc xã Phước Đồng, TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Đó là vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Thành Long và Nguyễn Anh Đào, những dũng sĩ, biệt động thành đã làm nên những chiến công vang dội trên xứ sở trầm hương.

Chiến công thầm lặng

Mùa xuân năm 1962 mới 16 tuổi, Hai Long xung phong vào đội du kích thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (Đức Phổ). Những năm tháng ấy, anh cùng đồng đội kiên cường bám trụ với những trận đánh diệt đồn, chống càn oanh liệt. Tháng 2.1969, Khu ủy Khu 5 điều động tổ 3 người trong đó có Nguyễn Thành Long từ Đức Phổ - Quảng Ngãi vào tăng cường cho mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa. Sau Tết Mậu Thân 1968, ở Nha Trang – Khánh Hòa địch tăng cường vây ráp, khủng bố. Nhiều cơ sở hoạt động bị phát hiện phải rút vào bí mật.

Hai vợ chồng dũng sĩ biệt động Thành Long – Anh Đào.
Hai vợ chồng dũng sĩ biệt động Thành Long – Anh Đào.


Nhiệm vụ của các anh vào đó nhanh chóng liên lạc với Thị ủy Nha Trang, chắp nối và gây dựng lại các cơ sở hoạt động ở nội thành. Sáu tổ biệt động do Hai Long làm đội trưởng đã sớm bắt liên lạc với cơ sở nội thành và căn cứ đá Hang Đồng Bò - Nha Trang. Anh em đã “bốn cùng” với dân và táo bạo, bất ngờ, lấy súng địch đánh địch. Đánh ban ngày, ban đêm, đánh ngay trên các đường phố, đánh vào sào huyệt của địch, hay nơi vui chơi, nghỉ ngơi của chúng, tạo thế mở kìm, cài răng lược “xanh vỏ, đỏ lòng” như xôi nấu đậu. Những hoạt động đó đã làm cho địch lúng túng, rơi vào thế bị động.

Hai Long kể lại: “Mình hoạt động khá rộng, công việc như một diễn viên với nhiều vai. Khi thì hóa thân một chàng trai làng biển mang cá, mực lân la nhậu cùng tụi Mỹ ngụy, khi thì đóng vai một người đạp xích lô, ba gác, có khi lại lọc cọc đạp xe đi bán cà rem dạo khắp các đầu đường, ngõ hẻm…”. Mắt anh sáng lên khi kể tiếp cho tôi nghe về kỷ niệm những trận đánh ở nội thành Nha Trang, nói một cách hài hước “trận đánh từ nửa con mực nướng”. Sau những lần đóng vai đi bán cà rem, Hai Long nắm chắc thời gian và địa điểm mà tụi sĩ quan ngụy thuộc đại đội 7 thường kéo về ăn nhậu ở một quán đầu cầu Hà Ra. Gần xế trưa ngày 19.5.1970, miệng rao bán kem, tay rung chuông nhưng mắt anh luôn để ý tới cuộc nhậu của tụi lính. Nhìn trên bàn chỉ còn nửa con mực nướng, đoán biết chúng sắp ra về, Hai Long đến gần chiếc xe Jeep chở chúng, lẹ tay đặt một quả lựu đạn M36 cùng thuốc nổ kíp hẹn giờ ở dưới ghế ngồi. Đúng như dự đoán, khi xe chạy gần đến đồn Quân Lao thì một tiếng nổ vang lên. Trận đánh chỉ trong khoảng 20 phút đã làm chết và bị thương 7 tên, gây tâm lý hoảng sợ trong đám ngụy quyền ở Nha Trang.

Theo chỉ đạo của Thị ủy giao cho Hai Long và Biệt động Thành tổ chức đánh vào Tòa Lãnh sự quán Mỹ tại thị xã Nha Trang, nơi được mệnh danh là bất khả xâm phạm của chính quyền Mỹ ngụy. Đây là một trận đánh vô cùng quan trọng nhằm mục đích gây tiếng vang trong dư luận. Anh em đóng vai dân thường, xích lô, dẫn gái ở những nhà hàng, quán bar nơi mà lính Mỹ thường tụ tập vui chơi, sau nhiều lần các anh trở thành “bạn hàng” của chúng. Bố phòng canh gác xung quanh khu lãnh sự quán Mỹ rất nghiêm ngặt, vào bên trong phải đi qua hai lớp cổng gác. Sau ba tháng đi trinh sát tình hình, khảo sát thực địa, nắm bắt quy luật hoạt động, đánh dấu từng vị trí, phương án đánh đã được thông qua. Mũi tấn công chính do Hai Long trực tiếp chỉ huy. Các mũi khác tham gia yểm trợ.  

Bảy giờ tối ngày 20.10.1970, như thường lệ bọn Mỹ lại ra ăn nhậu tại nhà hàng Lô Tít ở 18 Duy Tân. Chúng lại gọi xích lô đi chở gái cho chúng, ba anh giơ tay ra dấu “ok”. Đến 9 giờ rưỡi tối, bọn Mỹ loạng choạng ra gọi xích lô chở về. Hôm đó trời mưa to, bọn Mỹ yêu cầu các anh chở vào tận bên trong lãnh sự quán. Sau khi tụi Mỹ xuống xe, lúc vòng xe lại Hai Long đã mau lẹ rút quả mìn thứ nhất đặt vào bồn cây cảnh trước dinh lãnh sự quán. Đạp xe một đoạn ngắn, dừng lại châm điếu thuốc, liếc nhanh không thấy ai theo dõi, anh nhanh tay thả quả mìn thứ hai vào gốc cây xà cừ bên góc đường Bá Đại Lộc và Trần Hưng Đạo. Nguyễn Văn Vinh đặt mìn về phía đường Đinh Tiên Hoàng. Trần Cu cũng nhanh chóng đặt mìn ở phía đường Duy Tân, cách cổng chính của lãnh sự 100m. Đúng 11 giờ đêm một tiếng nổ lớn phát ra từ tòa Lãnh sự quán. Địch tập trung một lực lượng lớn đổ về khu vực Lãnh sự quán thì ba tiếng nổ vang trời và pháo của bộ đội C4 và Huyện đội Vĩnh Trang đồng loạt, bất ngờ nã vào các vị trí của địch. Toàn thị xã náo loạn. Ta đã tiêu diệt 20 tên Mỹ và cảnh sát, làm hư hại tòa lãnh sự, phá hủy 7 xe Jeep…

Cuộc chiến đấu thầm lặng của đội trưởng Nguyễn Thành Long và đồng đội trên chiến trường thị xã Nha Trang trong những năm 1968 - 1972 là những dấu son vang dội. 21 trận đánh của biệt động thành đã đi vào ký ức của những người dân phố biển.

Hai nửa của nhau

Say sưa câu chuyện cùng anh Hai Long đến gần xế chiều, tôi mới được gặp chị. Người phụ nữ ngoài tuổi 60, mái tóc đã điểm bạc. Chị cười lặng lẽ, đôi mắt kính màu hồng như muốn giấu đi nỗi mất mát chưa mấy ai hiểu được. Đôi mắt ấy dường như chị đang muốn mở to, sáng lên như một niềm tin mạnh mẽ… Đó là chị Nguyễn Anh Đào, người con gái Phổ Cường (Đức Phổ), nguyên là thị ủy viên thị xã Vĩnh Trang, kiêm chính trị viên đội biệt động thành Nha Trang từ những năm 1967 – 1971. Họ gặp nhau vào một ngày đầu Xuân 1969 khi Hai Long tìm về cầu Dứa, thị xã Nha Trang để tìm bắt liên lạc với cơ sở. Gặp nữ biệt động, người đồng chí, có mái tóc xõa dài, đôi mắt đen láy, thi thoảng hồng lên bởi chút thẹn thùng. Và họ thầm yêu, thầm nhớ…

Cuộc gặp mặt những người đồng đội tại chiến khu Đồng Bò.                      ảnh: Duy Hoàn
Cuộc gặp mặt những người đồng đội tại chiến khu Đồng Bò. ảnh: Duy Hoàn


Sau trận đánh vào khách sạn Thắng Lợi ngày 15.12.1969, chị Nguyễn Anh Đào đã bị mù cả hai mắt, khi trái lựu đạn của chị nổ quá gần. Sự quả cảm ấy đã cướp đi đôi mắt đẹp và thân hình của chị, để chị Đào phải mang thương tật vĩnh viễn 91% tàn phế.

Vẫn còn đây những dòng nhật ký mà Nguyễn Thành Long đã đọc cho tôi nghe khi ngồi bên vợ: …ngày … tháng… năm... khoảnh khắc những trận đánh… rồi tranh thủ len lỏi trong đêm tìm đến bệnh xá hay nhà người thân để thăm Anh Đào. Cảm động nhất là dòng thư anh viết đêm giao thừa năm 1969: “Đào ơi! Dẫu cuộc chiến tranh có làm chúng ta phải mất mát thương đau nhưng hoa Anh Đào vẫn mãi thảo thơm trong anh. Cười lên em, gắng lên em, chúng ta mãi là hai nửa của nhau… đợi anh về em nhé!”.

Nước nhà thống nhất, cuối năm 1975, họ đã thành chồng thành vợ. Nguyễn Thành Long trở về với đời thường, để được gần gũi, chăm sóc, bù đắp những mất mát quá lớn cho người vợ yêu quý, người đồng chí đã một thời cùng anh chung một chiến hào.

Ngồi lặng nghe anh kể về một thời chinh chiến và câu chuyện tình cảm động, tôi lại thêm một bất ngờ nữa khi thấy trên tường là một tấm giấy khen mới tinh của UBND thành phố với dòng chữ “Đồng chí: Nguyễn Thành Long đã có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ năm 2012”. Nhiều năm nay, anh còn miệt mài đi tìm đồng đội. Đã có thêm sáu ngôi mộ ở núi Sạn - Khánh Hòa đã được anh và đồng đội tìm kiếm, đưa về quy tụ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thành phố Nha Trang.

Duy Hoàn
 


CÁC TIN KHÁC
.