Khúc tráng ca bất tử

03:03, 29/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã đi vào lịch sử của quê hương núi Ấn-sông Trà như một huyền thoại. Tên núi, tên sông, tên các đồng chí trong đội du kích Ba Tơ và cả những nơi các đồng chí đi qua trên đường hành quân… mãi được nhắc đến với tình cảm thiêng liêng, nồng ấm.

Vị đại tá 95 tuổi và chuyện kể ở Căng an trí Ba Tơ

Các đồng chí trong đội du kích Ba Tơ giờ đây nhiều người đã về với đất mẹ. Người hy sinh, người qua đời bởi tuổi cao, sức yếu. Đại tá Phạm Hương, một trong số 17 đồng chí tham gia đánh chiếm đồn Ba Tơ đêm 11.3.1945, năm nay cũng đã 95 tuổi (hiện ở phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi). Trong số các đồng chí đánh chiếm đồn Ba Tơ năm ấy hiện chỉ có đại tá Hương và Trung tướng Nguyễn Đôn còn sống.

Đại tá Phạm Hương.
Đại tá Phạm Hương.


Chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe vị đại tá đã 95 tuổi đời kể về những tháng ngày ở Ba Tơ của gần 70 năm về trước. Trong ông vẫn luôn nồng ấm tình yêu dành cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân. Ông kể rằng, cuối năm 1940, thực dân Pháp lập Căng an trí ở Ba Tơ để giam giữ những chính trị phạm mà chúng cho là nguy hiểm, vừa buộc người tù tự lao động kiếm sống để chúng không phải nuôi, vừa tách ra khỏi quần chúng, làm hao mòn dần tinh thần cách mạng. Thế nhưng với các chiến sĩ cách mạng, lòng yêu nước, thương dân như máu thịt thì làm sao có thể tách rời. Ông và các đồng chí cùng nhau chung sống, làm ruộng rẫy, đánh bắt cá, chăn vịt, đưa đò… và từng bước bắt liên lạc với cơ sở cách mạng, chờ thời cơ khởi nghĩa.

“Tôi với anh Kiệt cơm đùm cơm gói đi chăn vịt. Anh em nướng bắp vừa ăn, vừa kể chuyện đất nước lầm than, những ngày bị địch bắt tra tấn, ai cũng mong muốn đất nước mau chóng thoát khỏi áp bức, bóc lột, nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc”, cụ Hương nhớ lại. Nhắc đến các đồng chí cùng chung sống, cùng hoạt động cách mạng, ông cụ mắt nhìn xa xăm, bảo: “Anh em thương nhau như ruột thịt. Anh Giao đường lối chỉ huy cương quyết, nhưng cũng rất mềm dẻo. Anh Kiệt là người toàn tài cả về chính trị và quân sự. Anh Đôn rất thông minh… Thế mới có cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thành công”.

 Ba Tơ ngày bừng sáng

Cái đêm núi rừng Ba Tơ bừng sáng trong ánh đuốc, tiếng gõ mõ, hò reo vui mừng sau bao nhiêu năm đắm chìm trong cảnh nô lệ lầm than và lời tuyên thệ của đoàn quân khởi nghĩa mãi được lưu truyền trong các thế hệ con cháu của đồng bào Kinh, Thượng. Trưa ngày 10.3.1945, cái tin Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương hôm 9.3.1945 đã được cơ sở kịp thời cấp báo cho Tỉnh ủy lâm thời tại Căng an trí Ba Tơ. Cụ Hương cho biết: “Các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời đã họp cấp tốc, dưới sự chủ trì của anh Giao (đồng chí Trương Quang Giao lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời-PV) và quyết định thời gian khởi nghĩa”.  

Di tích Bến Buông.
Di tích Bến Buông.


Trời vừa tối, theo lệnh chỉ huy của đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, đoàn quân khởi nghĩa nhanh chóng áp sát mục tiêu. Cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền được tiến hành chớp nhoáng. Các đồng chí ào ạt xông vào đồn. “Ai hạ súng thì sống, ai chống cự thì chết”, ban chỉ huy khởi nghĩa ra lệnh. Bọn binh lính khố xanh và bọn  chỉ huy lũ lượt xin hàng. Lá cờ tam tài của thực dân Pháp bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới.

Từ khắp các nẻo đường, đồng bào Kinh, Thượng rầm rập kéo về phía trước đồn, lòng vui như mở hội. Núi rừng Ba Tơ bừng sáng trong đèn đuốc và bởi ngọn lửa của chân lý cách mạng. Đồng chí Phạm Kiệt dõng dạt nói với đồng bào: “Từ giờ phút này, tôi thay mặt cho ban chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ, tuyên bố: Chính quyền của địch và bọn tay sai ở đây đã bị đạp đổ. Cách mạng đã giành chính quyền”. Trong không khí trang nghiêm, Uỷ ban cách mạng tuyên thệ trước toàn dân: “Chúng tôi Uỷ ban nhân dân cách mạng Ba Tơ xin tuyên thệ trước đồng bào cố noi theo vết máu tiền nhân, quyết rửa hờn cho giống nòi, phục thù cho Tổ quốc”. Tiếng đồng bào hô vang dậy cả đất trời: “Đánh đổ phát xít Nhật. Tẩy sạch thực dân Pháp ở Đông Dương. Trừng trị bọn Việt gian thân Nhật. Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!”.

Cụ Hương bảo rằng, chẳng thể diễn tả nổi niềm vui của đồng chí, đồng bào khi ấy. “Tinh thần cách mạng bùng lên như vũ bão. Sau ngày đánh chiếm đồn, hễ gặp nhau là anh em giơ tay chào và hô: Hy sinh vì Tổ quốc”, cụ Hương nói. Chiều 14.3.1945, Đội du kích Ba Tơ ngược dòng sông Liêng hướng về núi Cao Muôn để xây dựng căn cứ cách mạng. Đến chân núi, tại Hang Én đoàn quân tổ chức lễ tuyên thệ. Toàn đội nắm tay đưa ngang vai, cất cao lời thề: “Hy sinh vì Tổ quốc”.

Sống giữa lòng dân

Chúng tôi về xã Ba Vinh (Ba Tơ) trong buổi sớm mai với ánh bình minh rực  sáng. Sương mù vẫn ôm ấp đỉnh Cao Muôn sừng sững. Cụ Phạm Văn Truyền (nguyên Phó Bí thư Thường trực xã Ba Vinh giai đoạn 1976 – 1981) giải thích để chúng tôi rõ hơn về căn cứ địa của Đội du kích Ba Tơ năm xưa. Cụ Truyền bảo: “Ba Vinh là nơi có địa hình phức tạp, được bao bọc bởi nhiều ngọn núi cao rất thuận lợi về mặt quân sự. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp các xã Ba Sơn, Ba Lang, Ba Gia (nay là xã Ba Vinh) là khu căn cứ cách mạng quan trọng. Nơi đây đã nuôi giấu bao cán bộ cách mạng, được ghi danh vào lịch sử dân tộc”.

Núi Cao Muôn, nơi đội du kích Ba Tơ đóng quân.          Ảnh: N.T
Núi Cao Muôn, nơi đội du kích Ba Tơ đóng quân. Ảnh: N.T


Ở Ba Vinh bây giờ vẫn còn đó căn cứ Nước Sung, Nước Lá, núi Cao Muôn, hang Vọt Rẹp. Đây là những nơi Đội du kích Ba Tơ đã trú ẩn, tập luyện, tuyên truyền và phát triển lực lượng cách mạng. Ngày đó, từ sông Liêng đến Nước Lá, địch đã xóa bỏ một số điểm giao thông chiến lược của bộ đội ta. Vì vậy, nhân dân xã Ba Vinh đưa chiến sĩ qua sông và chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đều phải thông qua bến đò Bến Buông, bến đò sông Liêng và các con đường khác. Đến nay, di tích Bến Buông với hình dáng là chiếc thuyền đã được dựng lên bên cạnh con sông Liêng hiền hòa, đoạn chảy qua xã Ba Thành.  

Người dân ở Ba Vinh tự hào lưu truyền, khi đặt chân đến Ba Vinh, toàn đội đã đến gặp già Run ở xã Ba Lang (nay là thôn Nước Lá, xã Ba Vinh) và được già Run giúp đỡ, che chở. Già Run là một tù trưởng nổi tiếng chống Pháp ở trong vùng. Khi Phát xít Nhật truy lùng nhằm tiêu diệt Đội du kích Ba Tơ,  chúng đã đến gặp già Run, đòi già chỉ chỗ trú ẩn của đội du kích. Dù bị kề dao cứa cổ, già Run ung dung thét vào mặt chúng: “Tao già rồi, chết cũng được. Nhưng tao chết đi, con cháu tao sẽ nổi lên”.

Được sự tận tình giúp đỡ, bảo vệ của già Run và nhân dân xã Ba Vinh, toàn đội tiếp tục đến vùng Nước Nẻ. Sau đó, kéo lên phía bắc xây dựng cơ sở ở Nước Nùng. Tại đây, Đội tổ chức làm lán trại, ổn định nơi ăn ở, vừa luyện tập quân sự, vừa luân phiên đi vào các buôn, sóc vận động nhân dân xây dựng cơ sở. Hạ tuần tháng 3.1945, tại nhà tổng Phương ở Nước Sung, hàng trăm đồng bào trong đó có già Run, cụ Phó Nía và nhiều tù trưởng, già làng khác cùng toàn Đội du kích tập trung trên một gò đất cao để làm lễ thề sống chết có nhau cùng “đánh Nhật đuổi Tây”.

Theo các bậc cao niên ở Ba Vinh, khi rút vào căn cứ Cao Muôn, Đội du kích sống giữa lòng dân, được nhân dân bảo vệ, che chở. Họ đã trải qua muôn vàn gian khó, nhưng với lòng sắt son yêu nước, ý chí kiên cường, tất cả đã vượt qua, cùng nhau học tập chính trị, quân sự. Cán bộ và chiến sĩ trong Đội đến nơi nào cũng được người dân tìm đến, người cho mấy củ khoai, nắm rau, người cho mấy lon gạo. Sau đó, Đội du kích Ba Tơ tiến về đồng bằng, thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám tại xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền vào tháng 8.1945 ở Quảng Ngãi và trở thành lực lượng nòng cốt trong kháng chiến chống Pháp ở khu vực Nam Trung Bộ.

Sau này hồi tưởng lại tình sâu nghĩa nặng của đồng bào các dân tộc ở Ba Tơ, trong hồi ký “Từ núi rừng Ba Tơ”, Trung tướng Phạm Kiệt đã viết: “Một củ khoai của người nghèo mà nặng tình nghĩa làm sao. Núi Cao Muôn có cao cũng không bằng lòng yêu nước, yêu cách mạng của dân. Sông Ba Tơ có sâu cũng không sâu bằng lòng hận thù quân cướp nước trong lòng người Thượng”. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích với lòng yêu nước sắt son, đối với các thế hệ người dân xứ Quảng là niềm tự hào và sống mãi trong lòng dân như một khúc tráng ca bất tử.

PHƯƠNG LÝ – NGUYỄN TRIỀU
 


CÁC TIN KHÁC
.