Nghề biển Sa Huỳnh

01:11, 12/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng biển Sa Huỳnh thuộc địa phận 2 xã Phổ Thạnh và Phổ Châu (Đức Phổ). Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song do Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên sửa thành Sa Huỳnh. Hầu hết cư dân nơi đây tham gia đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

“Ghép ván” vươn khơi

Bãi đóng tàu của HTX Viễn Đông – Sa Huỳnh luôn sôi động với tiếng cưa, đục của những người thợ đang miệt mài làm việc. Giàn máy cưa hiện đại đang xẻ những súc gỗ lớn với đường kính hơn vòng tay người ôm. Những người thợ cần mẫn khoan, đục, lắp ghép ván vào lườn tàu, trát keo, sơn thân tàu giữa trưa nắng oi ả. Những chiếc tàu cá hàng trăm mã lực đang được hoàn thiện những công đoạn cuối để kịp hạ thủy, vươn khơi đánh bắt hải sản. Hàng chục tàu cá đang chờ được sửa chữa, nâng cấp.

Tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh nối đuôi nhau vươn khơi.
Tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh nối đuôi nhau vươn khơi.


Ông Lê Trung Thành – Chủ nhiệm HTX cho biết: Nghề đóng ghe, tàu tại đây bắt đầu hơn nửa thế kỷ trước với những người thợ đầu tiên như cụ Văn Công Xíp, cụ Gánh, cụ Sơn, cụ Mừng, cụ Lượt… Khi ấy, các cụ sử dụng phương tiện thủ công nên sản phẩm làm ra khá thô sơ: Ghe buồm, ghe câu chuyên đánh bắt gần bờ. Chủ ghe phải đến tận các tỉnh Gia Lai, Bình Định tìm mua các loại gỗ: Cầy, sao xanh, bằng lăng, bìn nin rồi chở về thuê thợ đóng.

Lớp thợ đầu tiên giờ thành người thiên cổ, nhưng đã kịp truyền nghề cho thế hệ nối tiếp. Kỹ thuật đóng ghe, tàu dần được cải tiến theo thời gian. Những chiếc ghe câu với mái chèo khoan nhặt, ghe buồm dựa vào sức gió để vươn khơi thuở trước giờ đã được thay thế bằng những tàu cá gắn máy chạy băng băng trên sóng nước vươn đến các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Kinh nghiệm của cha ông truyền lại cùng với kỹ thuật tiên tiến đã giúp những người thợ nơi đây đóng mới những chiếc tàu cá hơn 700 mã lực với khoản kinh phí hàng tỷ đồng. “26 năm mưu sinh trên vùng biển Hoàng Sa nên tôi hiểu được nguyện vọng của ngư dân là cần phải có tàu lớn để đánh bắt xa bờ. Vì vậy, tôi đã nhiều lần cử thợ vào TP. Vũng Tàu nắm bắt công nghệ đóng tàu của Thái Lan. Nhờ đó, tàu cá đóng mới tại đây đủ sức vươn ra khơi xa, vượt qua những trận cuồng phong. Vì thế, xưởng đóng tàu tại đây được ngư dân trong và ngoài tỉnh tin cậy, tìm đến đặt hàng” – ông Thành cho biết.

Gắn đời với nghề đóng tàu, bám biển

19 tuổi, anh Võ Ngọc Sau đã mang cưa, đục theo thợ học nghề. 7 năm sau anh được cử làm đội trưởng và hiện đang quản lý nhóm thợ 17 người. Anh đã tham gia đóng mới trên 100 chiếc, chịu trách nhiệm đóng mới hơn 30 chiếc tàu công suất lớn với vai trò thợ cả; sửa chữa, cải hoán hàng trăm chiếc khác. Bên cạnh việc tiếp cận kỹ thuật hiện đại, anh thường xuyên trò chuyện với ngư dân để tìm hiểu và hoàn thiện những thiếu sót của tàu cá khi hoạt động trên biển. “Nghề đóng và sửa chữa tàu đòi hỏi người thợ phải hết sức cẩn thận. Vì chỉ cần một sai sót nhỏ có thể chiếc tàu và tính mạng của ngư dân sẽ bị nhấn chìm giữa biển cả…” – anh Sau tâm sự.   

Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) Phan Văn Cúc cho biết: Cả thôn có 702 hộ gia đình thì có hơn 90% dân số sống bằng nghề biển với trên 300 tàu cá, chủ yếu từ 90 – 500CV tham gia đánh bắt ở vùng biển xa. Nhờ vào nghề biển mà có trên 250 hộ đang sở hữu lượng tài sản trên 1 tỷ đồng. “Ông tổ của tôi được xem là người lập làng cũng mưu sinh trên biển. Nhiều đời họ Phan nhà tôi tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Với tôi là 38 năm và hiện giờ 3 con trai đều đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa” – ông Cúc nói.

Còn ông Phan Hiển – Chi hội trưởng nghề cá xã Phổ Thạnh, thì hằng ngày luôn dõi theo hai con tàu của mình qua hệ thống Icom. Ông luôn động viên con trai Phan Văn Thái cùng với 14 thuyền viên “bám biển đến cùng, khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”. Ông còn thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần ngư dân bám biển giữ vững ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Hiện ngư dân Sa Huỳnh (gồm xã Phổ Thạnh và Phổ Châu) sở hữu trên 1.000 tàu cá với khoảng 10.000 lao động tham gia khai thác hải sản trên biển. Trong đó, có trên 700 tàu cá công suất lớn đánh bắt trên các vùng biển xa, chủ yếu là Hoàng Sa và Trường Sa. Biển vẫn “dữ dội và dịu êm” như ngàn năm trước. Những chiếc tàu nối đuôi nhau ra khơi mang theo niềm hy vọng và ánh mắt mong chờ của những người mẹ, người vợ nơi đất liền. Những ngư phủ dạn dày sóng nước gắn đời mình với thuyền và biển để mưu sinh, tiếp nối tiền nhân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.  

Bài, ảnh: TRANG THY
 


CÁC TIN KHÁC
.