Phó Mục Gia với phong trào "Nước xu đỏ"

01:10, 27/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1935, tại miền núi phía tây tỉnh Phú Yên, phong trào “Nước xu” lan rộng khắp các tỉnh miền núi Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm chống lại sự xâm lược, bóc lột của thực dân Pháp. Tại huyện Trà Bồng, ông Phó Mục Gia (ở xã Trà Nham) là một trong những người phát động phong trào “Nước xu đỏ”.

TIN LIÊN QUAN

Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Trà Bồng, trong những năm 1937, 1938 khi phong trào “Nước xu đỏ” lan đến Trà Bồng, các ông Phó Mục Gia, Đinh Chân, Đinh Tài… đã vận động đồng bào đem chiêng, ché, nồi đồng và các đồ sành, sứ cổ đổi lấy đồng xu đỏ, sau đó vượt hàng trăm cây số lên tận Kon Tum đổi lấy “nước thần” về đánh Tây. Người dân dùng đồng xu đỏ để đổi lấy “nước thần” nên đồng bào gọi là “Nước xu đỏ”. Sau một thời gian chuẩn bị gạo, muối, rèn sắm vũ khí… đến giữa năm 1938, đồng bào Cor và một số đồng bào Ca Dong, Hrê ở Trà Bồng, dưới sự lãnh đạo của Phó Mục Gia đã làm lễ đâm trâu tế thần, vùng lên khởi nghĩa. Nghĩa quân chia thành 4 cánh do Phó Mục Gia, Đinh Chân, Đinh Tài, Đinh Phú chỉ huy kéo xuống đánh đồn Kiểm Lý (Trà Bồng). Khi nghĩa quân vừa xông vào đồn thì bị giặc Pháp tấn công dữ dội làm 2 người hy sinh và một số bị thương. Nghĩa quân phải rút lui. Trước thế mạnh của địch, nghĩa quân và đồng bào có biểu hiện hoang mang.

 

Việc thành lập Trường THPT Phó Mục Gia sẽ góp phần phát triển giáo dục ở địa phương.  Trong ảnh: Một góc trung tâm huyện Trà Bồng.
Việc thành lập Trường THPT Phó Mục Gia sẽ góp phần phát triển giáo dục ở địa phương. Trong ảnh: Một góc trung tâm huyện Trà Bồng.


Trước tình hình đó, Phó Mục Gia và những người chỉ huy kịp thời động viên, tổ chức sơ tán và xây dựng căn cứ chống địch. Địch càn đến, Phó Mục Gia tự đốt nhà mình, kéo đồng bào các làng thuộc xã Trà Nham chuyển vào rừng núi Cà Đam sống, triển khai thế trận chông, cạm bẫy, dùng giáo mác, tên thuốc độc chống lại và làm địch bị thương vong nhiều. Đồng bào ở các xã khác chuyển sang thế bất hợp tác với địch, chuẩn bị lương thực, vũ khí để đánh địch lâu dài.

Từ khi nổi dậy, nghĩa quân đã đánh nhiều trận làm cho giặc Pháp khiếp sợ. Các ông Đinh Chân, Đinh Bung, Đinh Nhâm, Đinh Bói chỉ huy nghĩa quân đập tan trận càn của thực dân Pháp vào tháng 1.1939 tại Gò Rô, buộc chúng phải rút chạy về quận lỵ Trà Bồng. Tiếp theo là tháng 10.1939, nghĩa quân do ông Đinh Hớt, Đinh Na chỉ huy đã chặn đánh địch ở đèo Tà Ót (nay là xã Trà Sơn) buộc chúng phải rút lui…

Lúc bấy giờ, cuộc sống của nghĩa quân và đồng bào trong vùng căn cứ gặp nhiều khó khăn do địch liên tục bao vây đánh phá. Nhiều lần địch dùng thủ đoạn dụ hàng. Ông Phó Mục Gia đã nói: Người Cor thà chết rục như lá rừng, chứ không bao giờ đầu hàng địch. Người Cor quyết đánh Pháp tới cùng. Có lần, ông Phó Mục Gia đã giết chết một sách trưởng dám đem tiền bạc đến dụ ông đầu hàng địch. Tinh thần quyết chiến của các thủ lĩnh nghĩa quân do Phó Mục Gia đứng đầu đã cổ vũ, động viên đồng bào và nghĩa quân thêm vững dạ, một lòng đoàn kết chiến đấu. Họ đã chia làm 2 lực lượng, một nửa trụ lại vùng căn cứ núi Cà Đam do ông Phó Mục Gia lãnh đạo và một nửa là do ông Tài chỉ huy, chuyển đến vùng Làng Búp (Trà Thọ) ở lưu vực sông Tang để xây dựng căn cứ mới.

Đồng thời, nhờ ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh tỉnh, nghĩa quân từng bước phát triển lực lượng, giữ vững căn cứ, kiên trì chiến đấu. Đến tháng 3.1945, Nhật đánh úp Pháp, quân địch phải rút về châu lỵ Trà Bồng. Quân Pháp đã hoàn toàn thất bại sau 7 năm đối phó với phong trào yêu nước, chống Pháp của đồng bào Trà Bồng.

Để ghi nhớ công lao to lớn của ông Phó Mục Gia trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, huyện Trà Bồng vừa mới thành lập Trường THPT Phó Mục Gia, đặt tại xã Trà Bình. Việc thành lập Trường THPT Phó Mục Gia vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở huyện vùng cao Trà Bồng trong việc đi lại và học tập, vừa để giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống yêu nước của thế hệ đi trước trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


CÁC TIN KHÁC
.