Nhân vật Quảng Ngãi: Trần Kỳ Phong (1872 - 1941)

03:10, 19/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Trần Kỳ Phong (có tên tự là Nghĩa Bình, hiệu là Châu Khê), sinh năm Nhâm Thân - 1872, trong một gia đình gốc Minh Hương ở làng Châu Me Đông, nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

TIN LIÊN QUAN

Chân dung Trần kỳ Phong
Chân dung Trần kỳ Phong

Thở nhỏ, Trần Kỳ Phong theo học người thầy cùng làng tên là Phan Khắc Hải và tỏ ra có tư chất thông minh, hiếu học. Mến tính người học trò chăm ngoan, ông thầy họ Phan đã nhận Trần Kỳ Phong làm con nuôi, cho theo đòi nghiên bút.

Năm Mậu Tý (Đồng Khánh năm thứ 3- 1888), Trần Kỳ Phong thi đỗ tú tài, nên người đời thường gọi là “ông Tú Châu Me”. Năm 1889 ông nhận lời đến dạy học tại một gia đình họ Nguyễn ở thôn Lệ Thủy (nay thuộc xã Bình Trị, huyện Bình Sơn), sau đó kết hôn với người con gái của gia đình này. Thời gian dạy học, Trần Kỳ Phong kết giao với nhiều văn thân, nho sĩ trong tỉnh, gia nhập nghĩa hội Cần Vương. Những năm 1895- 1896, ông tham gia các hoạt động yêu nước dưới sự lãnh đạo của Trần Du.
Cuộc mưu khởi của Trần Du thất bại, phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi suy yếu và đi dần đến tan rã. Tuy vậy ngọn lửa quật cường không chịu khuất phục kẻ thù vẫn âm thầm nung nấu trong tâm can những người yêu nước, chờ thời cơ vùng dậy đối mặt với kẻ thù.

Đầu thế kỷ XX, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây bắt đầu truyền bá vào Việt Nam, thông qua tân thư, tân văn Trung Quốc, gióng lên hồi chuông “tỉnh ngộ” đối với các sĩ phu yêu nước đang khao khát tìm kiến một con đường cứu nước mới.

Năm 1904, Trần Kỳ Phong có cuộc hội ngộ với nhà yêu nước Phan Bội Châu, từ đó ông bắt đầu tiếp cận tân thư, chịu ảnh hưởng của các phong trào Duy Tân, Đông Du, dần dần chuyển sang quan điểm cách mạng dân tộc, dân chủ. Năm 1906, Hội Duy Tân ở Quảng Ngãi được thành lập do Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan lãnh đạo. Trần Kỳ Phong trở thành một nhà hoạt động xuất sắc của hội, có nhiều ảnh hưởng đối với quần chúng. Ngoài việc tổ chức công tác tuyên truyền trong tỉnh, ông còn giữ mối liên lạc với phong trào yêu nước ở các tỉnh bạn và với Phan Bội Châu.

Cuối năm 1906, Trần Kỳ Phong cùng Lê Đình Cơ đi gặp Phan Bội Châu tại Quảng Đông, nhận chỉ thị của Phan Sào Nam và mang một số tài liệu (Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư…) về Quảng Ngãi, phổ biến trong học giới và nhân dân.

Năm 1908, phong trào Kháng thuế - Cự sưu nổ ra ở Trung Kỳ, Trần Kỳ Phong cùng một số nhà yêu nước tham gia lãnh đạo phong trào. Ông và Lê Ngung (1886- 1916) được phân công liên hệ với phong trào Quảng Nam, sau đó theo đường núi ra Bắc, tìm đến căn cứ Đề Thám để tìm hiểu cuộc khởi nghĩa Yên Thế và vận động đồng bào các tỉnh phía Bắc hưởng ứng phong trào chống sưu cao, thuế nặng của nông dân Trung kỳ.

Sau khi phong trào chống sưu thuế bị thất bại, thực dân Pháp và tay sai đàn áp dã man những người yêu nước. Trần Kỳ Phong bị tòa án Nam triều Quảng Ngãi kết án tử hình vắng mặt. Nhận được hung tin, Trần Kỳ Phong và Lê Ngung định lánh ra nước ngoài nhưng không thành, phải quay trở lại Quảng Nam và sau đó bị bắt ở Hội An.     

 Ngày 18.5.1909, tòa Khâm phái Nam triều xét lại bản án của tòa án Nam triều Quảng Ngãi (năm 1908), giảm án Trần Kỳ Phong xuống “xử trảm giam hậu, phát giao Côn Lôn”. Ngày 1.12.1913, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut lại ký lệnh đổi án xử trảm giam hậu thành án 13 năm tù khổ sai tại nhà tù Côn Đảo; sau đó, án lại giảm còn 11 năm, nên đến tháng 3 năm 1921 ông mãn hạn tù, trở về quê nhà.

Trong thời gian bị tù đày, ngoài việc trì chí học thêm Quốc ngữ, toán pháp, khoa học thường thức, Trần Kỳ Phong bí mật còn tiếp cận một số tài liệu giới thiệu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác, nên có được một số hiểu biết về cách mạng vô sản.

Ra tù, tuy bị quản thúc tại gia, Trần Kỳ Phong vẫn âm thầm nuôi ý chí đấu tranh. Ông mở  tiệm thuốc bắc và dạy học, bí mật liên hệ với các nhà yêu nước. Sau khi Tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Quảng Ngãi ra đời (1927), Trần Kỳ Phong liên hệ và có các hoạt động nghiêng theo đường hướng của tổ chức này. Mùa thu năm 1929 ông bị bắt và bị kết án 11 tháng  tù giam. Khi ra tù lại tiếp tục hoạt động yêu nước.

Mùa xuân năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, ông trở thành một cảm tình viên cao niên, tham gia hoạt động theo sự phân công của những người cộng sản.

Ngày 1 tháng 3 năm 1937, Trần Kỳ Phong là người dẫn đầu đoàn đại biểu nhân dân Quảng Ngãi, đón phái viên của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp Godart, trình bày nỗi thống khổ của người dân xứ sở thuộc địa Pháp và đưa bản yêu sách có hàng vạn chữ kí của quần chúng trong tỉnh. Sự kiện này gây một tiếng vang lớn ở Trung kỳ và cả nước.

Từ năm 1939, Trần Kỳ Phong chuyển về sống ở quê vợ, thôn Lệ Thủy, phủ Bình Sơn, nay thuộc xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 26.12.1941 ông từ trần, thọ 69 tuổi.

Có một vài tài liệu cho rằng Trần Kỳ Phong là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin ở Quảng Ngãi, song sự thật lịch sử cho thấy ý kiến này chưa thật sự thuyết phục.

 Mộ Trần Kỳ Phong.
Mộ Trần Kỳ Phong.


Sinh thời, nghe tiếng Trương Quang Cận (Hương Năm) thực hiện những đổi mới hương thôn ở Trà Bình Trại (nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh) ông có đến thăm viếng, kết thân và gọi ngôi làng của Hương Năm là “Cộng sản lạc thôn”, song thực chất Trà Bình Trại chỉ là một mô hình làng xã cải cách theo xu hướng của các nhà Duy Tân.

Chủ nghĩa Mác và quan điểm cách mạng vô sản rồi sẽ được truyền bá vào vùng đất Quảng Ngãi một cách có hệ thống, thông qua những nhà cách mạng thanh niên- tân học, chịu ảnh hưởng từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mà nổi bật là những tên tuổi Nguyễn Thiệu, Trương Quang Trọng, Nguyễn Nghiêm, Hồ Độ, Lê Trọng Kha…

Với Trần Kỳ Phong, mặc dù có những hoạt động theo chủ trương và sự phân công của Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi, song về cơ bản ông vẫn là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng theo quan điểm dân chủ tư sản.

Trần Kỳ Phong được những người đương thời nhắc đến như là một tấm gương sáng về ý chí rèn luyện không ngừng, lấy nhà tù làm trường học, ưa thích tìm hiểu những quan điểm mới của thời đại; song có lẽ điều quý giá nhất, có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời ông chính là tấm lòng sắc son, không ngại gian khó, tù đày, nhất tâm vì đồng bào, tổ quốc.
                                                                

   Lê Hồng Khánh



*Đón đọc kỳ sau: Võ Hàng (1877- 1949)
 


CÁC TIN KHÁC
.