Chạnh lòng những căn nhà di tích

03:10, 05/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hai căn nhà di tích, một là nhà thờ họ ngoại Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một là cơ sở hoạt động của đồng chí Nguyễn Nghiêm-Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi năm 1930, đều tọa lạc ở thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) hiện đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp…

TIN LIÊN QUAN

Tôi cứ ngỡ, dù không uy nghiêm và bề thế như Khu lưu niệm ở xã Đức Tân (Mộ Đức)  nhưng nhà họ ngoại Bác Đồng cũng là một nơi khang trang, ấm cúng. Thế nên khi vào con đường đất nhỏ hẹp, rồi đứng trước cổng ngôi nhà được người dân giới thiệu “nhà thờ họ ngoại Bác Đồng đấy”, tôi không khỏi hẫng hụt. Bởi bên trong chiếc cổng sắt hoen gỉ đã được khóa trái là ngôi nhà cũ kỹ, thấp lè tè được bao bọc bởi vườn sả, cỏ dại cùng những “cái chòi” đang xây dở.

 

Bia di tích Nhà ông Nguyễn Chí.
Bia di tích Nhà ông Nguyễn Chí.


Tìm mãi, tôi mới gặp người trông coi nhà thờ, ông Nguyễn Ngô. Sau một hồi than vãn “nhà hư, mưa dột ướt hoài mà vợ chồng tôi lại nghèo nên sau trận lụt năm 2013, gia tộc họ Nguyễn đã quyên góp tiền để tô vách, lợp mái”, ông Ngô mới mở cửa để chúng tôi vào thăm. Đó là một ngôi nhà ba gian truyền thống, được xây dựng vào năm 1978 nên giờ vách tường xập xệ, bong tróc; cửa, cột gỗ, dàn kèo cũng chi chít vết lõm do bị mối mọt.

Nhưng điều khiến chúng tôi chạnh lòng là sự quạnh hiu của căn nhà khi mà bên trong, đồ đạc bị vứt tứ tung từ hè đến tận gian thờ kèm theo một lớp dày mạng nhện với bụi; còn phía ngoài khu vườn rộng 5 sào thì chủ yếu là… cỏ! Lúc sinh thời Bác Đồng luôn dành tình cảm cho nơi này. Bằng chứng là trong dịp đưa con trai và con dâu về dâng hương tại nhà thờ họ ngoại ngày 6.3.1994, Bác viết: “Xưa kia, lúc tôi còn nhỏ, tôi không nhớ đã biết bao nhiêu lần tôi trở lại bên ngoại. Hồi đó cũng như bây giờ, quê ngoại là thiêng liêng, rất là thân thương, rất là trìu mến, rất là quý báu, đẹp đẽ.

Bất cứ ở đâu, bất cứ làm gì, uống nước nhớ nguồn, phải nhớ quê cha đất tổ, phải nhớ những người sinh thành ra mình. Từ đó, mới đóng góp, mới làm được sự nghiệp, bất cứ sự nghiệp gì, vì nước vì dân…”. Đọc những dòng tâm tư này của Bác, hẳn ai cũng sẽ nhói lòng nếu đã một lần chứng kiến hình ảnh ngôi nhà!

Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở nhà thờ họ ngoại Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ngôi nhà ông Nguyễn Chí (di tích lịch sử cấp tỉnh) cũng trong tình cảnh tương tự. Theo lời của ông Nguyễn Chí (con trai cụ Nguyễn Chí) thì, ngôi nhà này cũng ngót trên trăm tuổi, bị hư hại nặng sau hai trận lũ lịch sử năm 1999 và 2013 nên cấu trúc cũng đã thay đổi nhiều, từ tường vách, nền, mái đến kết cấu. “Nhưng tiếc nhất là cái rầm đất-chỗ ở và hoạt động của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nghiêm cũng như cán bộ, bộ đội đã bị sập”, ông Chí cho hay.

Cũng tại ngôi nhà này, đã diễn ra Hội nghị Tỉnh ủy ngày 13.10.1930, bàn biện pháp giữ vững phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ngay sau cuộc biểu tình đánh chiếm Huyện đường của nhân dân Đức Phổ; hay quyết định chia Tỉnh ủy Quảng Ngãi làm hai bộ phận phụ trách ở Bắc sông Trà và Nam sông Trà để lãnh đạo sát với thực tế, yêu cầu cách mạng lúc bấy giờ. Đây cũng là nơi Huyện ủy Mộ Đức tổ chức cuộc họp quan trọng vào ngày 12.11.1930 để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới và quyết định lấy ngày 16.11.1930 phát động quần chúng đấu tranh trong toàn huyện.   

Bề dày lịch sử là thế nhưng hiện giờ, ngôi nhà đang có nguy cơ bị xóa sổ nếu không được tu sửa, bảo vệ kịp thời. Bởi, “nhà cửa xập xệ, chật chội nên mấy đứa con đề nghị tháo dỡ, xây cái mới nhưng tôi cứ chần chừ, chưa muốn phá bỏ vì dù sao đây cũng là nhà thờ”, ông Chí cho hay. Cũng theo ông Chí thì mới đây, cán bộ của Sở VHTT&DL có vào kiểm tra, rồi bảo sẽ tiến hành sửa mái, thay cột nhà. “Họ nói thế thì tôi nghe chứ không tin lắm”, ông Chí nói buồn.   

Hai căn nhà di tích trên là điển hình của những “địa chỉ đỏ” cần được giữ gìn, giới thiệu để mọi người, nhất là lớp trẻ tham quan, tìm hiểu; từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống cách mạng, nhân cách và đạo đức lối sống. Bởi thế, nó rất cần được tu sửa, bảo vệ để không bị chìm vào quên lãng.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


CÁC TIN KHÁC
.