Thăm đền thờ Hai Bà Trưng ở Vĩnh Phúc

03:08, 18/08/2014
.

Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng (HBT) và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh và thành phố (riêng huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc có 25 di tích ở 13 xã), Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, có ý nghĩa quan trọng nhất bởi đây là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà thời thơ ấu, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô.

Chúng ta có dịp đến thăm Đền thờ HBT ở Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) vào một ngày tháng 6. Không nhằm ngày lễ hội nên Đền khá vắng khách tham quan. Đang vào mùa vải chín, những cây vải trong sân Đền sai trĩu quả. Giữa khung cảnh êm đềm và bình yên ấy, cô hướng dẫn viên kể chuyện người xưa khiến khách không khỏi cảm giác bồi hồi, xúc động.

Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi, sinh vào ngày mùng một tháng Tám năm Giáp Tuất (năm thứ 14 sau Công Nguyên). Hai Bà sinh ra trong một gia đình dòng dõi các Vua Hùng, cha là ông Trưng Định (còn gọi là Hùng Định), một người văn võ toàn tài, được cử làm quan lạc tướng đất Mê Linh. Khi ông Trưng Định về Cổ Lai (nay là làng Hạ Lôi, Mê Linh) ẩn dật và dạy học, ông đã gặp bà Trần Thị Đoan, con gái cụ Trần Minh (hàng cháu chắt bên ngoại của Vua Hùng, một gia đình phong lưu khuê các), ông đã cầu hôn với bà.


Cha chết sớm, hai bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dạy bảo, văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí tự lập. Năm 19 tuổi Bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây bây giờ), cũng là người có ý chí chống giặc Hán đô hộ. Một năm sau, ông Thi Sách bị quan Thái Thú nhà Hán là Tô Định giết. Thù nhà, nợ nước, ngày mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên), bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa. Đông đảo quân dân trong vùng về tụ nghĩa dưới cờ. Trước lễ xuất quân, dưới ngọn cờ, bà Trưng đã tuốt gươm thề cùng trời đất, lời thề đầy hào khí.

Cùng nghĩa quân một lòng chiến đấu, chỉ trong một thời gian ngắn Hai Bà đã đánh đuổi giặc Đông Hán ra khỏi bờ cõi nước ta, giải phóng 65 thành trì, thu giang sơn về một mối. Bà Trưng xưng Vương, lập nên triều đại Trưng Vương, tên nước là Lĩnh Nam, đóng kinh đô tại Mê Linh cắt cử người cai quản các vùng đất.

Năm 43 sau Công nguyên, Mã Viện mang đại binh sang đánh nước ta, một lần nữa Hai Bà phất cờ khởi nghĩa. Sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt, biết thế giặc mạnh không địch lại, Hai Bà gieo mình xuống sông tự vẫn vào ngày mùng Tám tháng Ba năm Quý Mão. Một lần nữa, đất nước lại rơi vào đêm trường nô lệ.

Để tỏ lòng biết ơn công đức của HBT, nhân dân nhiều nơi đã lập đền, miếu thờ phụng Hai Bà và các tướng quân.

Đền thờ HBT ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh được xây dựng trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng nhìn ra sông Hồng, ban đầu được dựng bằng tre, lá. Đến triều Đinh (968-980), đền thờ được xây lại bằng gạch. Đền đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo.

Đền được xây dựng theo hình chữ “tam”, gồm: Tiền tế, Trung tế, Hậu cung, xung quanh là tường gạch; hai bên là Tả mạc và Hữu mạc. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ nhiều cổ vật quý. Đền thờ HBT được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1980.

Năm 2002. Di tích được mở rộng trên diện tích gần 13ha. Trùng tu, tôn tạo đền chính, đồng thời xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình phụ trợ tạo thành khu di tích Đền thờ HBT khang trang, bề thế. Trong đền có nhà thờ HBT, nhà thờ thân phụ HBT, thờ các tướng lĩnh, nhà lưu niệm…

Lễ hội Đền HBT mở hội chính từ mùng Sáu đến mùng Mười tháng Giêng, được tổ chức theo nghi thức nhà nước và truyền thống địa phương. Ngoài ra, còn có những ngày lễ truyền thống như: Ngày Mồng tám tháng Ba Âm lịch là ngày hóa của Hai Bà Trưng (ngày mồng 8 tháng 3 năm Quý Mão, năm 43 Sau Công nguyên). Ngày Mồng một tháng Tám Âm lịch, là ngày sinh của Hai Bà Trưng, (ngày mồng 1 tháng 8 năm Giáp Tuất, năm 14 Sau Công nguyên). Ngày Mồng mười tháng Mười một Âm lịch là ngày giỗ ông Thi Sách (chồng Bà Trưng Trắc)…

Theo ulichvn.org.vn

 


CÁC TIN KHÁC
.