Đình La Hà nơi lưu giữ nhiều sắc phong của Triều Nguyễn

09:05, 06/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo nhân dân địa phương kể lại, đình La Hà ở khối 4, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) có từ đời vua Gia Long. Ngoài việc thờ Thành Hoàng, lúc bấy giờ đình còn là trung tâm giải quyết công việc hành chính. Đến nay, việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể và tín ngưỡng của cộng đồng vẫn được lưu giữ. Đặc biệt 8 sắc phong của vua Thành Thái và Tự Đức vẫn được lưu giữ tại đình.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi đến đình La Hà đúng dịp người dân nơi đây tổ chức lễ cúng giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch). Khoảng hơn 100 người dân xã Nghĩa Thương và thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) đang tất bật chuẩn bị cho buổi lễ. Đại diện lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, ngành văn hóa thông tin và chính quyền địa phương cũng đến tham dự. Ông Nguyễn Tấn Tâm (65 tuổi), cho biết: Đình La Hà là nơi nhân dân tổ chức hội hè đình đám. Và lúc bấy giờ, mọi sinh hoạt của cộng đồng làng La Hà phần lớn diễn ra ở đây. Từ cúng tế hội hè đến xét xử các vụ án...

 

8 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban cho đình vẫn còn giữ nguyên vẹn.
8 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban cho đình vẫn còn giữ nguyên vẹn.


Ngày trước, đình La Hà có kiến trúc hình chuôi chữ T ngược với hai phần tách bạch, ở giữa là nơi thờ Thành Hoàng, hai bên là nơi hội họp. Trước đình là một khoảng sân rộng lát gạch bản to, cạnh ngoài cửa sân có xây bình phong và hai trụ biểu trang trí đắp nổi hình con Nghê trông rất oai vệ. Mái đình được lợp ngói kiểu mui hài rất dày trên bệ cột kèo, tường xây bằng đá, nền lát gạch nung lớn và dày. Bộ khung đình làng làm bằng các cây gỗ lớn thuộc loại tứ thiết kiểu “Thượng thu hạ thách” nối với nhau bằng các thanh xà, cùng với các kè, bẫy, đấu, tạo nên hệ kết cấu trông rất vững chắc, các bệ được kê lên các bệ đá hình tròn mài nhẵn. Tuy nhiên, trong chiến tranh, lính Mỹ đã dùng máy ủi lấy đất làm các công trình giao thông làm cho ngôi đình không còn nữa.

Năm 1971, nhân dân trong làng đã quyên góp tiền tôn tạo lại ngôi đình mô phỏng theo đình cũ nhưng quy mô nhỏ hơn, chất liệu đình bằng xi măng gạch, mái lợp ngói kiểu mui hài, đình cũng được làm lại với kiến trúc hình chữ T ngược. Diện tích bên trong hình chữ nhật gồm 2 phần: Ở giữa là nơi thờ Thành Hoàng, hai bên dùng để hội họp…

Ông Nguyễn Sự- Trưởng Ban tế tự cho biết: Hiện trong đình vẫn còn giữ lại chiếc hộp gỗ thờ được chạm khắc sơn son thiếp vàng. Bên trong đựng 8 sắc phong của các vua Triều Nguyễn ban cho đình. Gồm sắc phong Miếu thờ quan Thánh Đế quân, ngày 26 tháng Chạp niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845); Sắc phong Cô Sơn Khích Liệt tôn thần phong là Mậu Tích Trưng Bạt trung đẳng thần, ngày 2.11 niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852); Sắc phong thờ Thành Hoàng bổn xứ phong là Dực Bảo Trung Hưng linh phò chi thần, ngày 20.2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890); Sắc phong thờ thần Thái Giám Bạch Mã tôn thần phong là Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần, ngày 20.2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890); Sắc phong cho thần Đông Nam Sát Hải Lang Lại nhị Đại tướng quân phong là Dực Bảo Trung Hưng chi thần, ngày 20.2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890).

Sắc phong thờ thần Phi vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung tiến sĩ khoa Kỷ Mùi phong là Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần, ngày 20.2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890); Sắc phong thờ Đoan Nhã công thân Quảng Phủ Quân tôn thần phong là Dực Bảo Trưng Hưng trung đẳng thần, ngày 20.2 Niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890); Sắc phong thờ thần Hữu Phủ Khánh quận công phong là Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần, ngày 20.2 niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890). Đến nay, 8 sắc phong đã được phiên âm và dịch ra tiếng Việt. Nhờ vậy mà thế hệ con cháu mới biết được nguồn gốc và vai trò, vị thế của đình.

Ngày nay, hằng năm người dân  xã Nghĩa Thương và thị trấn La Hà quy tụ về đây lo giỗ Tổ, thắp hương cúng vào những ngày lễ, ngày rằm và ngày 10.3 âm lịch. Cụ ông Võ Đình Hồng (86 tuổi)- Nguyên Trưởng ban tế tự cho biết: Những năm 1945, đình là nơi tụ họp cơ quan của huyện Tư Nghĩa. Lúc bấy giờ, ông Từ Ty- Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa hay họp cùng các cán bộ du kích Ba Tơ, những người thân cách mạng để phát động cuộc khởi nghĩa năm 1945. Sau năm 1954 quân Mỹ lấy đất của quần thể đình La Hà và chùa để xây dựng các công trình nhưng bị người dân phản đối. Nhờ vậy mà người dân nơi đây mới giữ được vị trí ngôi đình đến ngày nay.

Ông Nguyễn Tấn Tâm cho biết, năm 1993 Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tư Nghĩa đã làm hồ sơ đề công nhận di tích nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định công nhận di tích của tỉnh. Do đó, hiện nay người dân rất mong tỉnh công nhận di tích đình La Hà và quan tâm hỗ trợ trùng tu lại di tích để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


CÁC TIN KHÁC
.