Những người mang thông điệp hòa bình

10:03, 16/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ thảm sát Sơn Mỹ đã diễn ra 46 năm về trước (16.3.1968), nhưng đến nay những hình ảnh, hiện vật về vụ thảm sát vẫn còn nguyên vẹn và đó là vật chứng tố cáo tội ác của quân lính Mỹ lúc bấy giờ. Sau hòa bình, những con người tại Khu chứng tích Sơn Mỹ đã một lòng gìn giữ những gì còn sót lại trong vụ thảm sát với mong muốn không còn những vụ đau thương như thế này xảy ra đối với nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung.

TIN LIÊN QUAN

Những việc làm bình dị

Đến với Khu chứng tích Sơn Mỹ hôm nay, nhìn những hình ảnh, vật chứng liên quan đến vụ thảm sát Sơn Mỹ ai cũng thấy lòng mình se lại. Với người dân Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng, nhất là thế hệ trẻ đến đây sẽ giúp họ hiểu hơn về mức độ tàn ác của vụ thảm sát, để rồi từ đó khắc sâu lòng quyết tâm giữ vững nền độc lập nước nhà. Còn với những con người làm việc ở Khu chứng tích dường như mỗi một công việc của họ đều chuyển tải một thông điệp là mong muốn hòa bình luôn đến  với mọi người.

 

Khu chứng tích Sơn Mỹ là một trong những nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: PV
Khu chứng tích Sơn Mỹ là một trong những nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: PV


Đã 7 năm nay, ông Trần Nam (53 tuổi) tận tụy với công việc bảo vệ kiêm cắt tỉa hoa, cây cảnh, quét dọn sân vườn tạo cảnh quan cho toàn khu chứng tích. Dù đồng lương ít ỏi nhưng trong suốt bao năm qua ông vẫn gắn bó với những công việc này. Ông cũng là người sống sót trong vụ thảm sát khi mới 7 tuổi. Ông  Nam nhớ lại: “Lúc đó, cả gia đình tôi gồm 7 người đang ngồi ăn cơm thì bị lính Mỹ ập vào bắn ngay tại bàn ăn. Tôi chạy vào nhà rồi ra vườn núp dưới hầm liên lạc. Sau khi bọn chúng truy sát, tôi chạy như mất hồn đến nhà người cô ruột. Trên đường đi, xác chết nằm la liệt, người cô ruột đã chết nên tôi chạy đến nhà ông Thông, ông Đối nhưng không ai còn sống. Tôi liền chạy về nhà thấy xác chết của ông nội, ba mẹ, 2 người anh trai, xác người em trai thì bị cháy. May mắn là bà nội (bà Đốc) cùng người chị gái vẫn còn sống sót”.
 

Sáng ngày 16.3.1968, tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ (xưa) nay là thôn Tư Cung và Cỗ Lũy, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh), lính Mỹ đã thảm sát 504 thường dân vô tội tay không vũ khí. Trong đó có 182 phụ nữ (17 chị đang mang thai), 173 trẻ em, 60 cụ già và 89 trung niên; 247 ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn gia súc gia cầm bị giết chết, lương thực mùa màng bị đốt sạch phá sạch... Vụ thảm sát đã gây chấn động dư luận thế giới về tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam và đã tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trên đất Mỹ và thế giới.

Cuộc thảm sát đã gây ra bao cái chết thương tâm, trong đó có người thân của ông Nam nên hơn ai hết ông luôn muốn góp một phần công sức của mình để chăm từng cái cây, cắt tỉa từng chậu cảnh, quét dọn tạo cảnh quan sạch đẹp cho khu chứng tích để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến tham quan. “Mỗi một du khách đến đây tham quan đều mang đi một thông điệp hoà bình cho bản thân, gia đình và xã hội. Và cũng từ đây, mọi người sẽ hiểu và quý trọng cái giá trị của hoà bình”, ông Nam chia sẻ.

Cũng bình dị, mộc mạc nhưng công việc của chị Phạm Thị Thu Hiền (28 tuổi), nhân viên nghiệp vụ bảo tàng thì không kém phần ý nghĩa. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành Bảo tồn bảo tàng, chị quyết định xin về Khu chứng tích để làm việc. Công việc chuyên môn của chị là trưng bày hình ảnh, hiện vật, tài liệu liên quan đến Sơn Mỹ; cập nhật những tài liệu, hình ảnh về Sơn Mỹ hôm nay… Chị nhớ lại, khi học cấp 2, chị được nhà trường cho đi tham quan, từ đó trong chị đã nung nấu ước mơ lớn lên được về đây công tác và rồi ước mơ của chị đã thành hiện thực.

Quá trình làm việc đã giúp chị hiểu hơn về vụ thảm sát nên chị luôn làm việc hết sức mình để mang lại cho du khách những cảm nhận về sự đau thương khi tham quan những hình ảnh, tư liệu, con người còn sót lại trong vụ thảm sát lịch sử này. Với chị Phạm Thị Kiều Oanh (31 tuổi) thì mang trong mình một cái duyên trong nghề mà kể ra ai cũng cảm thấy bất ngờ. Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán nhưng chị  Oanh lại về công tác tại Khu chứng tích với vai trò thuyết minh viên. Với chất giọng đầy truyền cảm, hiểu sâu sắc về từng hình ảnh, sự kiện, chị Oanh đã đưa những người tham quan Khu chứng tích như đang sống trong buổi sáng lịch sử ngày 16.3.1968. “Tôi cho rằng, đây là cái duyên mà không phải ai cũng có được. Tôi học không đúng chuyên ngành nên để làm tốt cái nghề này thì phải không ngừng rèn luyện chất giọng, nâng cao tác phong diễn đạt và phải hiểu sâu sắc từng chi tiết nhỏ của vụ thảm sát thì mới có thể tạo ấn tượng tốt đối với du khách”, chị Oanh, nói.

Thông điệp của hòa bình

Hàng chục năm qua, cứ vào giữa tháng ba hằng năm, những người yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới lại về với Sơn Mỹ - nơi xảy ra vụ thảm sát 504 thường dân để cầu mong linh hồn các nạn nhân được siêu thoát, cầu mong hòa bình và giúp đỡ người dân Sơn Mỹ vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm, Khu chứng tích Sơn Mỹ đón hàng trăm nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Riêng năm 2013, khu chứng tích đã đón gần 193 nghìn lượt khách, trong đó có gần 48,6 nghìn lượt khách quốc tế.

 

  Du khách đến tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Du khách đến tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ.



Từ đầu năm 2014 đến nay, Khu chứng tích đã đón gần 38 nghìn lượt khách đến tham quan. “Lượng khách tham quan ngày càng nhiều khiến một số công trình, hạng mục của khu chứng tích xuống cấp cần trùng tu, tôn tạo kịp thời. Đồng thời, để phục vụ tốt hơn cho công tác chiếu phim tài liệu phục vụ khách tham quan, Sở VH-TT&DL cần bổ sung kinh phí mua sắm máy chiếu, màn ảnh rộng,…”, ông Phạm Thành Công- Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, mong muốn.

Mới đây, nhà trưng bày khu chứng tích vừa được bổ sung 12 bức tranh với chủ đề Sơn Mỹ hôm nay, gồm một chuỗi sự kiện thể hiện sự thay da đổi thịt của Tịnh Khê sau gần 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước và tinh thần đoàn kết, đồng lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, vươn lên xây dựng cuộc sống mới và tái thiết quê hương của Đảng bộ chính quyền và nhân dân Tịnh Khê. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã từ trên 32% giảm xuống còn dưới 6%. Điều đó càng làm cho chúng ta thêm tự hào với quê hương Tịnh Khê hai lần anh hùng.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


CÁC TIN KHÁC
.