Vùng đất kiên cường

11:11, 25/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đất thuộc địa phận huyện Bình Sơn hình thành từ năm Hồng Đức thứ 2 (1471), khi vua Lê Thánh Tông thân chinh kéo quân dẹp loạn phương Nam lấy lại vùng đất Thăng Hoa, Tư Nghĩa và tiếp tục mở rộng bờ cõi vào sâu phía nam. Tính đến nay Bình Sơn đã có một bề dày lịch sử trên 535 năm, với truyền thống kiên cường bất khuất trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN

Con nước chảy ngược

Ở Bình Sơn, ngoài sông Trà Bồng là một trong bốn con sông lớn của Quảng Ngãi (dài khoảng 55km) bắt nguồn từ những những dãy núi cao của huyện Trà Bồng chảy qua rất nhiều làng xã đổ về Biển Đông, qua cửa Sa Cần thì còn có hai con sông nước chảy ngược, đó là sông Bi và sông Sau.

 

Cửa biển Sa Cần (Bình Đông - Bình Sơn).                                                                              Ảnh: T.P
Cửa biển Sa Cần (Bình Đông - Bình Sơn). Ảnh: T.P


Sông Bi xuất phát từ những dòng suối nhỏ ở các xã vùng Đông, đáng lẽ chảy xuôi về biển với khoảng cách rất gần theo quy luật tự nhiên. Song nó từ thôn Nam Yên, xã Bình Hòa lại chảy ngược lên phía tây qua xã Bình Thanh Tây, rồi lên Bình Hiệp vượt cầu Cháy (Quốc lộ 1) rẽ về phía bắc xã Bình Long, đột nhiên ngoặt lại hướng đông qua cầu Ô Sông chảy về Bình Thới, tạo thành sông Bi xuôi về Giao Thủy nhập với sông Trà Bồng đổ về Biển Đông. Con sông Sau cũng chảy ngược từ Bình Nguyên lên Bình Khương, Bình An, qua Bình Minh nhập vào sông Trà Bồng rồi chảy xuôi ra biển. Và cũng chính do đặc điểm tự nhiên này mà từ xưa đến nay trong dân gian có câu “nước Bình Sơn chảy ngược”.

Ở miền biển, Bình Sơn có bờ biển dài 54km (chiếm gần 1/2 bờ biển của tỉnh), với nhiều đoạn lồi lõm, gấp khúc, nhiều mỏm núi đá nhô ra biển như núi Cổ Ngựa, Nam Châm, Tổng Binh, gành Phước Thiện, mũi Batangan, vũng Quýt (Dung Quất), vũng Việt Thanh… Ở miền núi, những dãy núi liên hoàn từ Bình An chạy dài đến Bình Minh, nối liền với núi rừng Trà Bồng; núi Bằng Tiễn xã Bình Chương chạy liên hoàn với dãy Cà Ty giáp huyện Sơn Tịnh. Nơi đây có một thung lũng gọi là Đồng Lớn rộng khoảng 50ha, ruộng đất bậc thang, có nhiều hang đá có thể chứa hàng trăm người. Những dãy núi này là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân ngày trước, của lực lượng cách mạng huyện, tỉnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sản sinh những con người kiên cường, bất khuất

Vùng đất Bình Sơn trải qua các cuộc kháng chiến đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao con người kiên cường, bất khuất như Nguyễn Tự Tân (Tú Tân), Đàm Thanh (Tú Thanh), Trần Kỳ Phong (Tú Trần), Lê Ngung (Tú Ngung) và nhiều chí sĩ yêu nước khác…

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng phong trào Văn Thân- Cần Vương chống Pháp, Nguyễn Tự Tân (sinh năm 1848 ở xã Bình Phước) đã cùng với Lê Trung Đình (Sơn Tịnh) giương cao khẩu hiệu “Phò vua giúp nước”, hưởng ứng hịch Cần Vương đánh Pháp. Tháng 7.1885, dưới sự chỉ huy của Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân, hơn 3.000 nghĩa binh Bình Sơn kéo vào chia làm 3 mũi vượt sông Trà Khúc, phối hợp với cánh quân phía nam do Nguyễn Bá Loan chỉ huy và quân nội ứng trong thành đã nhanh chóng bao vây chiếm thành Quảng Ngãi. Song cuộc khởi nghĩa này cũng nhanh chóng bị đàn áp, Nguyễn Tự Tân hy sinh; chánh tướng Lê Trung Đình bị địch bắt và xử trảm. Để ghi nhớ công lao to lớn của Nguyễn Tự Tân, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng đã lấy tên ông đặt tên mới cho huyện Bình Sơn là phủ Nguyễn Tự Tân.

Trong phong trào Duy Tân (1904-1908) ở Bình Sơn nổi lên có các nhân vật như: Lê Ngung, Trần Kỳ Phong, Lê Đình Cẩn đã lãnh đạo, vận động nhân dân cải cách phong tục, tập quán theo lối Canh Tân và nổi lên đấu tranh đòi giảm thuế. Sau đó Trần Kỳ Phong, Lê Ngung bị địch bắt, kết án tù. Ra tù (1914) Lê Ngung vận động, tập hợp những người yêu nước khác như Nguyễn Công Phương, Nguyễn Quang Mạo, Lê Khiết, Hứa Thọ, Mai Tuấn… tổ chức đội tân binh, lập ban vận động lương thực, vũ khí do bà Võ Thị Đệ (Bình Tân) phụ trách và liên hệ với Việt Nam Quang phục hội các tỉnh để khởi nghĩa. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch bị bại lộ, nhiều chiến sĩ rơi vào tay giặc bị xử chém. Lê Ngung về nhà hủy tài liệu liên quan đến cuộc vận động và uống thuốc độc tự vẫn. Dù vậy thực dân Pháp vẫn chặt đầu ông bêu ở thành Quảng Ngãi.

Còn với cụ Trần Kỳ Phong, một nhân sĩ yêu nước nổi tiếng ở Quảng Ngãi sau khi ra khỏi tù (Côn Đảo) đã tích cực truyền bá chủ nghĩa cộng sản, Cách mạng Tháng Mười Nga vào những thanh niên ưu tú có chí khí và lòng yêu nước trong tỉnh, nhen nhóm hình thành các tổ chức cách mạng đầu tiên ở Quảng Ngãi. Sau đó ông tiếp tục bị địch bắt giam, ra tù lại hoạt động. Khi Đảng bộ tỉnh được thành lập, dù không phải là đảng viên ông vẫn sẵn sàng nhận các nhiệm vụ Đảng giao...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Sơn cũng xuất hiện nhiều chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất. Đây cũng là nơi diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên (ở xã Bình Đông) của Quảng Ngãi, là nơi ghi dấu chiến thắng Vạn Tường vang dội… Qua hai cuộc kháng chiến, toàn huyện có 24 đơn vị và 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.


Phạm Danh
 


CÁC TIN KHÁC
.