Thăm làng cổ Đông Hòa Hiệp – Tiền Giang

10:11, 13/11/2013
.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp (thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nổi tiếng bởi khung cảnh nên thơ, thoáng đãng. Cùng với Đường Lâm (Hà Nội) và Phước Tích (Huế), Đông Hòa Hiệp là một trong 3 làng cổ ở Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
 

Một ngôi nhà cổ ở làng Đông Hòa Hiệp.
Một ngôi nhà cổ ở làng Đông Hòa Hiệp.

Du khách đi theo quốc lộ 1A đến ngã ba Cái Bè, rẽ vào Tỉnh lộ 875 chừng 4km sẽ đến trung tâm huyện Cái Bè, đi thêm 2km nữa là đến cầu số 2. Từ đây, du khách sẽ thấy bảng chỉ dẫn đến các nhà cổ: Ba Đức 100m, ông Xoát 3.000m, ông Tòng 900m…

Làng cổ Đông Hòa Hiệp được hình thành từ thế kỷ thứ 18, hiện có hơn 3.000 hộ dân, sống rải rác trong 6 ấp với nguồn lợi chủ yếu từ những vườn cây ăn trái đặc sản của Nam Bộ: xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vú sữa Vĩnh Kim… Đông Hòa Hiệp còn có các ngành, nghề thủ công truyền thống: làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa… Không giống cách bố trí nhà san sát như ở làng cổ Đường Lâm và làng cổ Phước Tích, làng cổ Đông Hòa Hiệp có một khung cảnh nên thơ, thoáng đãng với những ngôi nhà cổ nằm thấp thoáng giữa những vườn cây trái xanh tươi được bao bọc bởi con sông Cái Bè hiền hòa. Đến đây, du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp bình yên của làng bằng cách đi xuồng trên sông hoặc đi bộ men theo những con đường len lỏi giữa các vườn cây rợp bóng.

Một trong những điểm đến ấn tượng đối với du khách ở làng cổ Đông Hòa Hiệp là nhà cổ ông Ba Đức theo kiến trúc Đông Tây kết hợp. Nhà được xây dựng năm 1850 giữa khu vườn rộng hơn 2ha với nhãn, vú sữa, bưởi, cam quýt… xum xuê tạo nên cảnh chân quê mộc mạc nhưng không kém phần nên thơ, lãng mạn. Nếu như mặt tiền của ngôi nhà theo kiểu Pháp với những hàng cột tròn, mái vòm uốn cong thì bên trong nội thất lại là một không gian kiến trúc thuần Việt.

 

Hiện trong nhà vẫn còn lưu giữ được nhiều vật dụng quý và đẹp, cho thấy một thú chơi phong lưu, tao nhã của những gia đình giàu có ở Nam bộ xưa. Gian chính của ngôi nhà có một bộ bàn ghế cổ bằng danh mộc cẩm lai được chế tác tinh xảo. Hai gian phụ có hai tủ thờ cổ chạm trổ xà cừ. Các cặp liễn, hoành phi, bao lam, diềm cửa đều được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Những kỷ vật của chủ nhân còn lưu lại như đàn nguyệt, tranh kiếng, đèn dầu lửa, lư đỉnh, chuông mõ, bàn tròn rải rác trong nhà khiến du khách như bước vào không gian của thời xa xưa. Nhà cổ ông Ba Đức còn là điểm du lịch homestay thu hút đông du khách quốc tế. Vào những dịp lễ, Tết hoặc khi khách có yêu cầu, sẽ có những nhóm đờn ca tài tử phục vụ. Du khách sẽ được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc với dàn diễn viên, nhạc công là những người dân địa phương. Nhà cổ của ông Ba Đức trung bình mỗi ngày đón gần 100 lượt khách, ngày cao điểm có khi lên tới 500 lượt.

Trong cụm nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp còn có nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt được xây dựng năm 1838 với diện tích gần 1.000m². Nhà có kiến trúc và kết cấu theo kiểu nhà vườn truyền thống mang dấu ấn làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ đã có biến dị, với kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian, 3 chái. Ngôi nhà này còn lưu giữ nhiều cổ vật quý: bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn chạm trổ tinh tế, vật dụng bằng gốm sứ Tàu (thời nhà Thanh). Các xà, xiên, kèo, đố, diềm cửa, bao lam… bằng danh mộc (gõ sừng) có chạm khắc các hoa văn thanh thoát: trúc, mai, đào, lan, tùng, bách… Đặc biệt trong nhà còn có 108 cây cột bằng gỗ căm xe núi, được các nhà khảo cổ Nhật Bản đánh giá cao và xếp vô nhóm "cửu đại mỹ gia" ở Việt Nam. Nhà cổ của ông Kiệt trung bình mỗi ngày đón 100 khách đến tham quan.

Chính quyền địa phương, hằng năm, làng cổ Đông Hòa Hiệp có hơn 100.000 lượt du khách đến tham quan kiến trúc các ngôi nhà cổ, khám phá những vườn cây ăn trái, tìm hiểu các nghề truyền thống, lênh đênh trên chợ nổi Cái Bè.../.

Theo Dulichvn

 


CÁC TIN KHÁC
.