Nhân vật Quảng Ngãi:
Mai Bá và Mai Tuấn

03:11, 24/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Mai Bá và Mai Tuấn là anh em ruột, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học ở làng Phong Niên, nay thuộc xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Về sau, hai ông dời về sinh sống ở Sung Tích, nay thuộc xã Tịnh Long, một làng nhỏ nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc.

TIN LIÊN QUAN

Đến nay vẫn chưa xác định được năm sinh của 2 nhà yêu nước; song dựa vào quan hệ của người anh là Mai Bá với cử nhân Nguyễn Đình Quảng (1880 – 1916) và độ tuổi mà ông trở thành lý trưởng (theo quy định của triều đình Nguyễn), có thể phỏng đoán các ông sinh vào khoảng trước sau năm 1880.

Là người sống có đức độ, khoan hòa, Mai Bá được dân làng Phong Niên tín nhiệm cử vào chức lý trưởng. Thời bấy giờ, lý trưởng là hạng chức dịch, công cụ của bộ máy cai trị phong kiến, trực tiếp làm nhiệm vụ đôn sưu, thúc thuế cho phủ, huyện và hầu hết trở thành hạng cường hào.

Những lý trưởng, hương chủ đứng về phía người nghèo, bênh vực dân đen như Mai Bá ở Phong Niên và Hương Năm Trương Quang Cận ở Trà Bình Trại (nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh) là rất hãn hữu.

Vì đứng về phía dân nghèo, không tróc thuế nghiệt ngã đối với người cùng đinh, nên suốt mấy năm liền làng Phong Niên không nộp đủ thuế cho quan trên, khiến Mai Bá bị bãi chức. Điều thú vị là từ sau vụ thu bằng triện của họ Mai, làng Phong Niên cũng không còn chức lý trưởng.

Nội thất nhà thờ các ông Mai Bá, Mai Tuấn tại làng Sung Tích, nay thuộc thôn An Lộc, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh.
Nội thất nhà thờ các ông Mai Bá, Mai Tuấn tại làng Sung Tích, nay thuộc thôn An Lộc, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh.


Một thời gian sau khi rời chân chức việc, Mai Bá cùng em trai là Mai Tuấn chuyển cư về làng Sung Tích. Chưa thể khẳng định lý do trực tiếp khiến anh em nhà họ Mai đưa gia đình từ làng Phong Niên về nơi ở mới.

Song, nếu xét vị trí của làng Sung Tích (nằm ven bờ bắc sông Trà Khúc, nhìn sang bờ phía Nam là tỉnh thành Quảng Ngãi), kết hợp với việc một người cùng làng Phong Niên của hai ông là Cử Quảng (Nguyễn Đình Quảng) cũng dời nhà về làng Đông Dương (phía tây Sung Tích), gần như cùng thời gian, rồi sau đó cả 3 người đều tham gia vụ mưu khởi Duy Tân (1916), phần nào cho thấy sự di chuyển nơi cư trú của các nhà yêu nước là có chủ ý.

Về Sung Tích, hai anh em Mai Bá, Mai Tuấn đi lại, giao du khắp các làng xóm ven bờ bắc sông Trà, âm thầm vận động hình thành mạng lưới Nghĩa hội ở Sơn Tịnh. Đến khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ (1914), Duy Tân hội nhanh chóng mở rộng tổ chức và lực lượng ở Quảng Ngãi, tập hợp hầu hết các nhà yêu nước trong tỉnh, liên hệ chặt chẽ với các nhà yêu nước ở Thừa Thiên, Quảng Nam.

Mai Bá, Mai Tuấn cùng Cử Quảng tham gia lãnh đạo Duy Tân hội Quảng Ngãi, tích cực vận động binh lính triều đình làm nội ứng cho cuộc mưu khởi của lực lượng ái quốc.

Âm mưu khởi nghĩa bị bại lộ, thực dân Pháp và triều đình Huế lập tức có hành động đàn áp, triệt phá. Công sứ De Taste, tuần phủ Trần Tiến Hối, án sát Phạm Liệu trực tiếp huy động lực lượng tại chỗ và xin khâm sứ Pháp tại Quảng Ngãi tăng cường thêm lính Tây để đối phó.

  Mộ ông Mai Tuấn trên núi Thiên Mã.
Mộ ông Mai Tuấn trên núi Thiên Mã.


Các cuộc truy lùng, bắt bớ diễn ra khắp nơi trong tỉnh, kể cả trong các trại lính tập An Nam. Tuy thế, cuộc khởi nghĩa vẫn bùng nổ.

Mai Tuấn kéo nghĩa quân tấn công huyện lỵ Sơn Tịnh. Một đội quân khác do Mai Bá chỉ huy áp sát, tấn công thành Quảng Ngãi. Rất tiếc, do trang bị kém, thiếu tổ chức chặt chẽ, lại nổ ra trong điều kiện bị động, nên khi quân Pháp và quân Nam triều phản công quyết liệt, nghĩa quân phải chịu thiệt hại nặng nề. Hai anh em mai Bá, Mai Tuấn cùng bị bắt.

Kẻ thù đưa Mai Bá đi đày ở Lao Bảo, một thời gian thì ông mất, đến nay vẫn chưa tìm được di hài. Mai Tuấn bị xử chém ở cửa bắc thành Quảng Ngãi, (cùng các ông Nguyễn Thụy, Trần Thêm, Võ Cẩn, Võ Cư, Hứa Thọ…), thi hài được gia đình và những người đồng chí hướng bí mật đưa về an táng trên đỉnh núi Thiên Mã, nay thuộc xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh.

Cùng với các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Sụy (Thụy), Phan Thành Tài... anh em Mai Bá- Mai Tuấn là những nghĩa liệt tham gia vụ mưu khởi Duy Tân năm 1916 – một hành động yêu nước mà theo cụ Huỳnh Thúc Kháng là đã “ghi một vết khá sâu trong đoạn lịch sử Việt Nam thuộc Pháp”.
                                                         

Lê Hồng Khánh

                 

* Đón đọc kỳ tới: Lê Trung Lượng (? - 1880)


 


CÁC TIN KHÁC
.