Nhân vật Quảng Ngãi:
Huỳnh Công Thiệu (1518- ?)

03:09, 08/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Huỳnh Công Thiệu, sinh năm 1518 (niên hiệu Quang Thiệu thứ 3, đời Lê Chiêu Tông), người làng Mộc Thang, xã Cam Già, huyện Tống Sơn, nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

TIN LIÊN QUAN

Là người có sức khỏe, giỏi võ, giàu mưu lược, Huỳnh Công Thiệu sớm được thu nạp  vào đội quân "Phù Lê, diệt Mạc" dưới cờ Nguyễn Kim. Khi Nguyễn Kim phái Bùi Tá Hán (1496 - 1586) vào ổn định và trấn đóng thừa tuyên Quảng Nam (nay là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) từ tay nhà Mạc, Huỳnh Công Thiệu được cử đi theo và ông đã lập được nhiều công tích trong việc chiêu an vùng đất phủ Tư Nghĩa, nay là tỉnh Quảng Ngãi.

Đời Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1606), Huỳnh Công Thiệu được ban tước Võ Sơn hầu, thăng chức Chánh đề lãnh (chức quan võ trông coi việc quân ở một phủ) phủ Tư Nghĩa.

Tích cực thực hiện các chính sách khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống cư dân của người đứng đầu trấn Quảng Nam là Bùi Tá Hán, Huỳnh Công Thiệu đưa quân lính và chiêu mộ dân nghèo từ các vùng phía Bắc vào để khai khẩn đất hoang, đào xẻ khe ngòi, mở nương lập ruộng, tạo dựng các làng An Thường, An Trường, Tân Tự thuộc xứ Lộ Bôi, tổng Tri Đức, phủ Mộ Hoa, nay là vùng đất thuộc các xã Phổ Ninh, Phổ Minh huyện Đức Phổ.

 

Hoàng Công tự bi
Hoàng Công tự bi.


Theo ghi chép trong tộc phả họ Huỳnh tại Phổ Ninh, tổng số diện tích ruộng đất do Huỳnh Công Thiệu khai khẩn lên đến 2 ngàn mẫu ta. Cánh đồng Lộ Bôi trù phú với nhiều kênh, đập (kênh Bàu Sếu, đập Vực Tre, đập Đông Nghị…) hình thành từ thời Huỳnh Công Thiệu đến nay vẫn là một vùng ruộng đồng phì nhiêu ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi.

Huỳnh Công Thiệu qua đời tại vùng Lại Giang, nay thuộc tỉnh Phú Yên, trong một cuộc tiểu phỉ. Thi hài ông được thuộc cấp đưa về an táng tại một khu đất rộng ở rẫy Gò Cầy, nay là thuộc thôn Nho Lâm, xã Phổ Hoà, huyện Đức Phổ. Đến nay vẫn chưa xác định năm ông mất, có thuyết cho là năm 1611, nhưng điều này chưa thực sự thuyết phục, vì khó có khả năng một người đã 93 tuổi vẫn còn được phép cầm quân ra trận.

 

Đền thờ Huỳnh Công Thiệu ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh.
Đền thờ Huỳnh Công Thiệu ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh.


Sau khi ông tạ thế, người con trưởng là Huỳnh Công Bảng cùng con cháu và dân cư sở tại tiếp tục sự nghiệp mở đất lập làng, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương. Huỳnh Công Thiệu và con trai được người dân vùng Lộ Bôi tôn làm tiền hiền, lập đền thờ phụng, hương khói quanh năm.

Hiện nay hậu duệ Huỳnh Công Thiệu thờ ông tại hai nơi (cùng trong huyện Đức Phổ), nhưng cùng tế lễ vào ngày 16 tháng 6 âm lịch hằng năm. Nhà thờ ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh còn giữ được bia đá “Hoàng công tự bi” do Tịnh Man quân thứ Tán Tương Huỳnh Hy Tôn cùng hương lý trong xã và kỳ cựu sỹ thứ đồng tạo lập, đề ngày 9 tháng 9, năm Tự Đức thứ 28 (1876). Văn khắc trên bia do Tịnh Man Quân thứ Phó lãnh binh Trần Thạch Trì biên soạn, nội dung ghi khắc thân thế và công nghiệp của Huỳnh Công Thiệu.

Văn bia Hoàng công tự bi là một văn liệu quý, góp phần tìm hiểu lịch sử khẩn hoang, lập làng ở vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Ngãi.

 

 Nhà thờ Huỳnh Công Thiệu ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh.
Nhà thờ Huỳnh Công Thiệu ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh.


Năm 1907, khi ấp Tân Tự tách ra khỏi xã Phổ Ninh, con cháu họ Huỳnh ở vùng này đóng góp công của xây dựng nhà thờ Huỳnh Công Thiệu ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh. Nhà thờ này còn lưu giữ bức hoạ chân dung Võ Sơn Hầu Huỳnh Công Thiệu và con trai trưởng Tráng Nam tử Huỳnh Công Bảng cùng một sắc phong cho hai ông đề ngày 22 tháng 2, niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890).

Huỳnh Công Thiệu sinh năm 1518, mất khoảng từ năm 1611 trở về trước, là bậc tiền bối của Tiên chúa Nguyễn Hoàng (1525- 1613) tổ của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn). Vì vậy, lúc sinh thời và có lẻ nhiều năm sau khi ông mất, tên họ của ông là Hoàng Công Thiệu mà không phải là Huỳnh Công Thiệu như về sau.

Các chúa Nguyễn, về danh nghĩa là những người thần phục vua Lê, nên không ban chính lệnh về kỵ húy. Hiện tượng kiêng âm tên húy của các chúa chỉ diễn ra một cách không chính thức trong phủ chúa rồi lan dần ra ngoài, chủ yếu là kỵ âm.

Các chỉ dụ về kỵ húy (chúa Nguyễn và vua Nguyễn) chỉ diễn ra dưới thời các vua nhà Nguyễn, lần đầu tiên là vào tháng 3 năm Gia Long thứ 2 (tháng 4 năm 1803), nhưng chưa quy định kỵ tên Tiên chúa Nguyễn Hoàng.

Đến năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), triều đình mới ban lệnh kỵ húy tên của các chúa, từ Triệu tổ Nguyễn Kim (thân phụ Nguyễn Hoàng) đến Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần.

Hoàng và Huỳnh thực ra là 2 âm Hán - Việt của cùng một con chữ Hán, song như đã nói trên vì Hoàng là tên húy của chúa Nguyễn Hoàng, nên hậu duệ của Hoàng Công Thiệu mang họ Huỳnh (như hầu hết các chi tộc họ Hoàng khi vào định cư ở phương Nam) và xưng tên họ của thủy tổ là Huỳnh Công Thiệu.
                                                     

  Lê Hồng Khánh


*Đón đọc kỳ tới: Trương Đăng Quế (1793- 1865)
 


CÁC TIN KHÁC
.