Nhân vật Quảng Ngãi:
Đinh Duy Tự (1807 - 1888)

03:08, 25/08/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Đinh Duy Tự (dân gian quen gọi là ông Nghè Kim), hiệu Kim Sơn, sinh năm Đinh Mão - 1807 trong một gia đình nông dân hiếu học ở Trà Bình Trại, phủ Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


Theo đòi nghiên bút, nổi tiếng văn hay chữ tốt, nhưng Đinh Duy Tự là người “học tài thi phận”, suốt mấy lần lều chõng ra tận trường thi Thừa Thiên ứng thí nhưng rồi cũng chỉ ghé được chân tú tài.

Lời truyền khẩu trong dòng tộc cho biết ông đỗ tú tài 3 lần, nhưng không rõ là vào những khoa thi nào. Các tài liệu thành văn bằng chữ Hán và một số di vật của ông lưu tại nhà thờ họ Đinh ở Trà Bình đều đã bị hư hại, thất tán khi máy bay Pháp bắn phá căn nhà trong những năm 1945- 1954.

Gian thờ Kim Sơn Đinh Duy Tự.
Gian thờ Kim Sơn Đinh Duy Tự.


Nhờ có tiếng học giỏi, viết chữ đẹp nên ông được quan tỉnh tiến cử lên vua Thiệu Trị. Nhà vua gọi ông ra Huế lãnh nhiệm vụ giáo tập trong cung. Đến đời Tự Đức, Đinh Duy Tự lại được giao thêm việc dịch các bản tuồng, nhắc vai hát bội, chép văn trong cung đình. Vì những việc này mà ông được gọi là Nghè.
Thực ra Nghè ở đây không phải là một tước vị, càng không phải ông Nghè, ông Cống (tiến sĩ, cử nhân) như dưới triều Lê. Thời Nguyễn, nhà vua cho xây trong cung một loại nhà nhỏ, gọi là Nghè, rồi tuyển chọn người viết chữ đẹp, bẩm tính lanh lợi, có khiếu khôi hài đưa vào đấy, chuyên việc chép sách, chép thơ cho vua những khi ứng tác; giúp nhắc vai cho đào kép hát bội mỗi khi diễn tại cung đình; pha trò làm vui cho nhà vua và quần thần.

Đặc biệt, trong các kỳ thi Hội (tổ chức tại kinh đô), các ông nghè này được giao nhiệm vụ “Đằng Lục” nghĩa là sao lại, chép lại quyển thi của các thí sinh bằng son đỏ. Bản chính được quan trường cất đi, bản sao giao cho các quan duyệt quyển chấm. Đây là một trong những quy định nhằm tránh sự gian lận trong thi cử.

Vì cái nhà làm việc gọi là Nghè, nên người làm việc ở đấy cũng được gọi là ông Nghè hoặc là ông Nghè Bút thiếp, ý rằng người này thường dùng bút chép thơ hoặc những lời căn dặn quan trọng của nhà vua lên những tờ thiếp. Ông Tú hay chữ Đinh Duy Tự, biệt hiệu Kim Sơn, trở thành Nghè Kim vì lẽ đó.

Làm việc trong cung cho đến năm 50 tuổi (1857) thì Nghè Kim về lại quê nhà mở trường dạy học, bốc thuốc, vui cảnh điền viên. Bấy giờ Trà Bình Trại còn là vùng đồn điền của phủ Bình Sơn, người dân tuy nghèo khó nhưng nổi tiếng hiếu học.

Ông đồ Đinh Duy Tự xướng xuất học trò lập “đồng môn điền” (ruộng đồng môn), góp tiền của mua ruộng đất canh tác hoặc cho thuê, lấy phần lợi giúp nhau học hành. Suốt hơn 30 năm, ruộng đồng môn của các học trò Nghè Kim đã giúp cho nhiều người nghèo khó, hoạn nạn có điều kiện học chữ thánh hiền.

Năm Canh Ngọ (1870) Bố chánh Quảng Ngãi Nguyễn Thông (1827 – 1884), vốn là người rất quan tâm việc thuỷ lợi, đến khảo sát vùng Trà Bình, Thạch Nội, Phú Thành (nay đều thuộc xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh), thấy có nhiều con đập dựng từ thời Cảnh Hưng (1740 – 1785) nhà Lê, nhưng bị hư hại vì lũ lớn, nhiều năm không sửa chữa được, nên mùa màng thất bát, người làm ruộng thiếu ăn.

Nguyễn Thông cùng với các ông Phạm Thục (Dực Thiện), Trần Bá Tuấn (Bắc Nhai), Nguyễn Đăng Cẩn (Nguyên Điền) bàn bạc với Tú tài Đinh Duy Tự trù liệu việc phục hồi đập Ông Cá, khơi thêm kênh mương, đưa nước về đồng. Nguyễn Thông chịu trách nhiệm điều động nhân công trong phủ Bình Sơn (nay là 2 huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh), chuẩn bị kinh phí.

 Bia Đinh gia yển ký.
Bia Đinh gia yển ký.


Nghè Kim đứng ra lo việc xem xét thế đất, thế nước, “thiết kế” kênh mương, đập nước; vận động con em trong vùng đóng góp công sức làm thuỷ lợi. Sau 4 tháng nỗ lực, đập Ông Cá và kênh mương hoàn chỉnh, nước từ các khe suối được giữ lại trong lòng hồ, sẵn sàng tưới cho những cánh đồng rất cần nước mùa khô.

Những đóng góp đối với hương thôn cũng như nhân cách của Tú tài Đinh Duy Tự được Nguyễn Thông đánh giá rất cao. Trong Đinh Gia yển ký (Bài ký về con đập Đinh Gia), Nguyễn Thông đã dành cho ông những lời khen ngợi: “Ông Đinh tuổi già rồi nhưng vẫn hết lòng hết sức, không quản mệt nhọc để làm lợi cho dân làng. Thật đáng khen”.

Cũng trong bài ký, Nguyễn Thông đề nghị đổi tên đâp Ông Cá thành đập Đinh Gia để ghi nhớ công lao Đinh Duy Tự, đồng thời khuyến khích dân sở tại hàng năm tu sửa, giữ gìn “để hưởng lợi lâu dài”.

Đinh Duy Tự sáng tác nhiều thơ văn bằng chữ Nôm, lưu truyền cả trong giới học thức lẫn người bình dân, nổi tiếng nhất là các bài: Đá Chồng - giếng Tiên, Chợ Thạch An, phú Đập Ông Cá, phú Lụt Bất Quá… Thơ ông giàu chất trào lộng, vui vầy với cảnh vật cùng con người quê hương, nhưng lại mỉa mai bọn cường hào, tham quan, ô lại.

Nghè Kim qua đời năm Mậu Tý (1888), mộ phần yên vị tại đồi Gò Mức, nay thuộc thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh. Học trò ông nhiều người thành danh, thành tài, khi nghe tin ông mất gọi nhau về đưa tang thầy và cùng gia đình tế bái nghiêm cẩn.

Năm Canh Tuất (1910), môn đồ Đinh Duy Tự và dân làng Trà Bình dựng một bia đá khắc trọn bài Đinh Gia yển ký để tỏ lòng ghi nhớ công ơn người trí thức đáng kính của quê nhà. Bia "Đinh Gia yển ký” hiện vẫn còn ở thôn Thạch An (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn), ngay cạnh con đập khi xưa.

Nhiều giai thoại về đức độ và văn tài của Đinh Duy Tự vẫn còn lưu truyền trong dân gian, vừa làm rạng tiếng thơm của một ông Nghè ở chốn sơn thôn, vừa để khuyến khích người có học ở đời siêng năng rèn luyện nhân cách, làm nhiều điều ích lợi cho thiên hạ.


                                                                       Lê Hồng Khánh
 

* Đón đọc kỳ tới: Phạm Tuân (1868- 1916)


 


CÁC TIN KHÁC
.