Mùa chem chép

07:07, 15/07/2013
.

(QNg)- Cứ vào dịp tháng 5 đến tháng 7 âm lịch hàng năm người dân các xã ven biển Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Đông (Bình Sơn) lại rủ nhau đi cào chem chép. Đây là một loại hến sinh sống dọc bãi bồi ven biển (rất dân dã nhưng lại mang hương vị đậm đà. Nếu ai được thưởng thức một lần thì khó có thể nào quên.

TIN LIÊN QUAN


Ba giờ chiều, cái nắng vẫn còn chói chang như đổ lửa. Con nước thuỷ triều bắt đầu xuống, những cồn cát dọc bờ biển lần lượt nhô ra. Đây cũng là lúc bãi biển Sơn Trà, xã Bình Đông nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hàng trăm người  dân trong thôn (phần lớn là trẻ em và phụ nữ) nhanh chóng tụ tập trên những cồn cát ấy để cào chem chép. Chị Nguyễn Thị Hoa, một người cào chem chép cho biết: Mấy năm trước chem chép ít lắm nhưng năm nay nhiều vô kể. Bước xuống bờ sông là thấy hang chem chép dày đặc. Do nó nằm sâu dưới lòng cát khoảng 5 đến 7 cm nên người đi cào phải mang theo vá để cạo bỏ lớp cát trên bề mặt tìm những lỗ hang màu vàng nơi chem chép trú ngụ. Trong 3 tiếng đồng hồ chị có thể cào được khoảng 3 kg chem chép.  Mỗi kg chem chép bán được 11.000 đồng.

 

 Những ngày nghỉ hè, em Huỳnh Tấn Luật tranh thủ đi cào chem chép bán lấy  tiền mua sách vở.
Những ngày nghỉ hè, em Huỳnh Tấn Luật tranh thủ đi cào chem chép bán lấy tiền mua sách vở.


Cào chem chép công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không đòi hỏi sức lực cho nên trẻ em cũng có thể làm được. Em Huỳnh Tấn Luật (10 tuổi) cho biết: "Thấy mẹ và chị gái đi cào nên em bắt chước đi theo. Mấy ngày nay đi cào, bán được hơn 50.000 đồng, đủ mua một chiếc cặp chuẩn bị cho năm học mới".

Cách cào chem chép ở Bình Đông là vậy. Còn ở Bình Chánh, loại hến biển này sinh sống rất nhiều ở vùng Cồn Ngao, thôn Mỹ Tân. Người cào chem chép ở đây cũng có cách làm tương tự như Bình Đông. Riêng, đối với những người cào chuyên nghiệp thì họ không dùng bằng vá hay dẹm mà dùng nhũi. Nhũi một đường dài khoảng 5 đến 10 mét, sâu khoảng 10 cm, sau đó đãi cho đất  cát trôi hết chỉ còn chem chép trong nhũi.

Chem chép có thể chế biến thành nhiều món như nấu canh  rau muống, trộn gỏi, luộc ăn với bánh tráng, luộc chấm muối tiêu. Trước khi chế biến chem chép phải được ngâm thật kỹ với nước sạch pha muối, hoặc nước biển. Khi đó chúng sẽ le 2 cái vòi ra trông giống như 2 cọng bún, để thải hết cát trong vỏ. Người dân vùng biển nơi đây đã quen thuộc với món chem chép nấu canh rau muống. Rửa sạch chem chép cho vào nồi nước đun sôi đến khi vỏ tách làm đôi, nhấc xuống chắt nước ra thau, gỡ ruột chem chép bỏ vào chén; sau đó phi hành, tỏi xào qua một lúc , rồi đổ nước chem chép vừa luộc vào, đợi nước sôi cho rau muống vào nêm mếm gia vị, thế là có một nồi canh ngon lành, hấp dẫn.

Chem chép sinh sống dọc ven biển, theo các lạch sông nên chúng có vị ngòn ngọt, pha lẫn mằn mặn rất đậm đà. Chính vì vậy cứ đến mùa chem chép, dù công việc bận bịu nhưng người dân các xã Bình Chánh, Bình Đông, Bình Thạnh vẫn tranh thủ chiều mát ra biển cào chem chép để được thưởng thức món ngon này. Và câu ca dao "đến mùa chem chép rủ nhau đi cào" có lẽ cũng bắt đầu từ đó.


Bài, ảnh: Nguyên Hương
 


CÁC TIN KHÁC
.