Nhân vật Quảng Ngãi:
Nguyễn Duy Cung (1839 – 1885)

03:02, 24/02/2013
.

(QNĐT)- Nguyễn Duy Cung hiệu là Văn Giang, sinh năm Kỷ Hợi (1839), người làng Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa, nay thuộc xã Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi. Nổi tiếng học giỏi từ thuở nhỏ, năm Mậu Thìn (1868) ông thi đỗ cử nhân tại trường thi hương Bình Định. Cùng đỗ cử nhân khoa này còn có người anh ruột của ông là Nguyễn Tấn Phó.

TIN LIÊN QUAN


Sau khi thi đỗ, Nguyễn Duy Cung về quê mở trường dạy học, thu hút nhiều môn sinh nổi tiếng trong tỉnh, trong đó có Lê Trung Đình (1857 – 1885) và Nguyễn Bá Loan (1857 – 1908). Năm 1870, Cử Cung được bổ chức Hành tẩu tại kinh đô nhưng vốn tính cương trực phải trải qua tập sự đến 9 năm.

"Bình phong “Trung can Nghĩa khí” và ngai thờ Nguyễn Duy Cung.
"Bình phong “Trung can Nghĩa khí” và ngai thờ Nguyễn Duy Cung.


Năm 1879, ông được cử về Quảng Ngãi giữ chức Bang biện Sơn phòng Nghĩa Định, đến 1881 được thăng Thương biện Sơn phòng. Ở cương vị của mình, Nguyễn Duy Cung có quan hệ chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi giúp Lê Trung Đình, Nguyên Tự Tân, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Tấn Kỳ… xây dựng lực lượng Nghĩa hội, huấn luyện hương binh, xây dựng căn cứ, sẵn sàng đánh Pháp.

Cuối năm 1884, ông bí mật cử Lê Trung Đình và Nguyễn Bá Loan ra kinh đô Huế gặp Tôn Thất Thuyết nhận chỉ thị. Cũng theo đề xuất của ông, Tôn Thất Thuyết điều ông Nguyễn Tạo (người An Đại, Phổ Hòa, Đức Phổ) đang làm Tri huyện Đoan Hùng (Sơn Tấy) về nhận chức vụ Tiểu phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định, để gấp rút chuẩn bị dánh Pháp.

Năm 1885, Nguyễn Duy Cung lại được Tôn Thất Thuyết điều vào Bình Định, nhậm chức Án sát nhằm tăng cường lực lượng kháng Pháp, cũng cố hơn nữa mối quan hệ giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định trong công cuộc chống ngoại xâm. Tại đây ông bí mật liên lạc với một số quan lại văn thân yêu nước, xây dựng lực lượng Nghĩa hội Bình Định, hình thành căn cứ địa, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn và người Pháp ký hiệp ước Patenotre (còn gọi là hiệp ước Giáp Thân), chính thức thừa nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp, khép lại thời kỳ độc lập tự chủ của nhà nước phong kiến Việt Nam.

Ngày 13/7/1885 (mồng 2/6 năm Ất Dậu), phe chủ chiến trong triều đình, đứng đầu là đại thần Tôn Thất Thuyết tiến hành vụ tấn công hòng đánh úp quân Pháp ở kinh thành Huế. Cuộc phản kháng bằng vũ lực cuối cùng của một vương triều độc lập thất bại. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời kinh thành ra Tân Sở (Quảng Trị), thực hiện kế hoạch phục quốc lâu dài. Tại đây nhà vua đã ban chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu, văn thân và mọi người đứng lên phò vua, cứu nước.

Ngày 13.7.1885, cuộc khởi nghĩa của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân ở Quảng Ngãi giành được thắng ìợi nhưng chỉ sau 4 ngày đã thất bại. Nguyễn Duy Cung hội bàn với quan lại ở tỉnh thành Bình Định tổ chức phòng thủ chống Pháp. Ông thân hành chỉ huy phòng tuyến từ Cầu Gành (An Nhơn) đến núi Chớp Vung (Phù Mỹ ) để ngăn chặn giặc Pháp tấn công tỉnh thành từ phía biển, kêu gọi các sĩ phu, văn thân và nhân dân đứng lên chống Pháp.

Đầu tháng 8/1885, giặc Pháp và tay sai đánh chiếm tỉnh thành Bình Định. Tuyến phòng thủ bị vỡ, lực lượng chống Pháp phải rút về tỉnh thành. Quân Pháp và tay sai bao vây tỉnh thành.

Đầu tháng 8 năm 1885, quân Pháp từ phía biển đổ bộ đánh chiếm Quy Nhơn, sau đó chúng tấn công chiếm thành Bình Định. Cuộc chiến không cân sức, nghĩa binh thất bại. Đào Doãn Địch giao thành Bình Định cho Lê Thận coi giữ, còn ông cùng Nguyễn Duy Cung lui về An Nhơn, rồi An Khê lập căn cứ, tính kế kháng chiến lâu dài.

Lúc này, Lê Thận đã ngầm thay lòng đổi dạ, hắn viết thư gởi lên An Khê cho Nguyễn Duy Cung lừa dối xin viện binh để chống đỡ quân Pháp. Tin lời kẻ hai lòng, Nguyễn Duy Cung dẫn nghĩa binh về tăng cường cho lực lượng ở thành Bình Định. Lê Thận bắt ông tống vào ngục rồi mở cửa thành đón quân Pháp.

Nhằm lung lạc ý chí cứu nước của sĩ phu và nhân dân, kẻ thù tìm cách ép buộc Nguyễn Duy Cung chấp nhận cầu hoà. Là người gan dạ trung trinh, ông khảng khái từ chối. Kẻ thù ghép tội ông rồi đem hành quyết ngày 1 tháng 7 năm Ất Dậu (10/8/1885).

Trước khi chết, Nguyễn Duy Cung cắn ngón tay, lấy máu viết bài Huyết lệ tâm thư (còn có những tên gọi khác là Bình thành cáo thị, Hịch kêu gọi chống Pháp) bằng chữ Hán trên vạt áo dài trắng rồi ném ra ngoài thành để kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ và đồng bào tiếp tục chống Pháp:


“…Xin trong tay sắp sẵn qua mâu, lòng địch khái còn hăng chưa nhụt.
Xin cùng nhau gọn gàng giáp trụ, chí cần vương còn mạnh không quên…”



Linh cửu của Nguyễn Duy Cung sau đó được đưa về an táng tại quê nhà.
Ông là tấm gương sáng ngời của một kẻ sĩ giàu tiết tháo, nặng lòng vì đất nước non sông, đem máu xương đáp đền đại nghĩa. Huyết lệ tâm thư là một áng văn bi tráng, in đậm dấu ấn trong lịch sử văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX.


                                                                                        Lê Hồng Khánh

* Đón đọc kỳ tới: Võ Duy Ninh

 


CÁC TIN KHÁC
.