Nhân vật Quảng Ngãi
Trương Định

03:12, 02/12/2012
.

(QNĐT)- Quảng Ngãi được mệnh danh là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Trải qua hơn 6 thế kỷ khai mở và xây dựng, nơi đây đã sản sinh nhiều nhân vật kiệt xuất, góp phần làm rạng rỡ quê hương, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung cả nước. Loạt bài “Nhân vật Quảng Ngãi” của nhà báo Lê Hồng Khánh sẽ lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc tiểu sử và hành trạng một số nhân vật tiêu biểu là người con của quê hương “sông Trà, núi Ấn”, từng được nhắc đến trong bộ sách Địa chí Quảng Ngãi do UBND tỉnh chủ trì biên soạn, nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa xuất bản năm 2008.

 


TRƯƠNG ĐỊNH (1820 - 1864)


Trương Định sinh năm Canh Thìn (1820) tại làng Tư Cung Nam, Phủ Bình Sơn, nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Để tỏ lòng kính mến và quý trọng, nhân dân và sĩ phu Nam Kỳ thường gọi ông là Trương Công Định.

 


Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), thân phụ Trương Định là Trương Cầm được phong chức Hữu thủy vệ úy lãnh binh tỉnh Gia Định. Ông theo cha vào Nam, lấy vợ là bà Nguyễn Thị Thưởng, con một hào phú ở Tân An, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Định Tường. Sau khi cha mất Trương Định ở luôn quê vợ.

Vào khoảng năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Triều đình Nguyễn, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền ở Gia Thuận (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), được phong chức phó Quản cơ rồi sau đó "bổ chức" lên Quản cơ. Vì vậy ông còn được gọi là Quản Định.

Đồn điền thực chất là một hình thức khẩn hoang và phòng thủ theo lối "động vi binh, tịnh vi dân" trong điều kiện riêng của Nam Kỳ lúc bấy giờ. Những người đến sống trong đồn điền Quản Định cũng như các đồn điền khác là dân nghèo và dân lưu tán, không có tên trong sổ đinh, tập trung lại theo những luật lệ nhất định. Họ sống từng gia đình và suốt đời làm tá điền, không bao giờ có ruộng đất. Khi có chiến tranh dân đồn điền cũng tham gia chiến đấu với quân đội chính quy. Họ hầu hết được trang bị bằng giáo mác và theo như quy định thì mỗi một "cơ" có 500 lính đồn điền.

Điều đáng chú ý là trong đồn điền của Trương Định, cơ binh được tổ chức khá chặt chẽ, sản xuất, khẩn hoang, bố phòng và luyện tập quân sự đều được chú trọng đúng mức, ăn mặc được chu cấp tương đối đầy đủ, quan hệ trên dưới vừa nghiêm cẩn vừa thân tình. Vì vậy uy tín của Quản Định ngày càng lớn, lan rộng ra khắp vùng chung quanh, cơ binh về theo rất đông, lên đến hàng nghìn người.

Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đến hồi quyết liệt, Trương Định đã cấp giấy chia ruộng đất cho các gia đình cơ binh sống trong đồn điền, khuyên họ chăm lo cày cấy, chôn dấu vũ khí, chờ đợi thời cơ.

 

 Mộ và đền thờ Trương Định ở Gò Công (Tiền Giang)
Mộ và đền thờ Trương Định ở Gò Công (Tiền Giang)



Tháng 9/1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Đầu năm 1859, sau khi kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" ở miền Trung bị phá sản, quân Pháp chuyển hướng vào phía Nam, tấn công Bến Nghé, tức Sài Gòn, tỉnh thành tỉnh Gia Định.

Trước tình hình này, Trương Định kịp thời đưa cơ binh của mình lê đóng ở Thuận Kiều (Gia Định) phối hợp hợp với quân Triều đình ngăn chặn giặc.

Quân Pháp tấn công mạnh, quân Triều đình không cự nổi, Sài Gòn thất thế, Trương Định kéo quân về đóng ở Thuận Kiều, tiếp tục dùng chiến thuật đánh nhỏ, lẻ, bất ngờ quấy rối địch ở khắp ngoại thành Gia Định. Vang dội nhất là trận tấn công vào đồn giặc ở chùa Chợ Rẫy thuộc tuyến phòng thủ của quân Pháp ở ngoại thành Gia Định, cùng các trận đánh liên tiếp vào các vị trí ở Cần Giuộc, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Trảng Bàng…

Đầu năm 1861, sau khi khống chế được Triều đình Mãn Thanh và buộc Trung Quốc phải thi hành Hiệp ước Thiên Tân (ký ngày 27/6/1858), quân Pháp mở cuộc tấn công lớn vào đại đồn Chí Hòa, Trương Định lại đem quân phối hợp với quân đội của Nguyễn Tri Phương, Tổng chỉ huy quân đội nhà Nguyễn ở Gia Định và Nam Kỳ, để chống giặc.

Ngày 25/2/1861, đại đội Chí Hòa thất thủ, quân triều đình rút về giữ Biên Hòa. Trương Định không theo họ mà thu quân về đóng giữ Tân Hòa (Gò Công) phối hợp cùng Tri huyện sở tại là Lưu Tấn Thiện và Thơ lại là Lê Quang Quyến trích trữ lương thảo, súng đạn, đắp đồn lũy, mộ thêm quân, xây dựng nơi đây thành căn cứ kháng chiến.

Lúc này, phong trào chống Pháp ở Nam Bộ liên tục dâng cao với lực lượng nghĩa binh của Đỗ Đình Thoại, Âu Dương Lân, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Đạt, Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Dương, Nguyễn Thành Ý, Phan Trung,... Riêng nghĩa quân Trương Định đã lên đến 6.000 người, hoạt động khắp vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn, Trảng Bàng... trải rộng từ phía biển lên tới biên giới Campuchia, trở thành địa bàn kháng Pháp mạnh nhất, lớn nhất vùng lục tỉnh.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép về hành trạng của ông giai đoạn nay như sau:

“Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược. Tự Đức năm thứ 14 (1861)), thành Gia Định hữu sự, Định hưởng ứng việc nghĩa, chiêu mộ thú dõng được hơn 6.000 người, lại kiêm quản những đầu mục thân hào mộ việc nghĩa, dồn lập 18 cơ quân, luôn chống đánh người Pháp, thu được súng ống khí giới và đúc chế thêm để dùng, được bạt bổ làm Quản cơ, lĩnh Phó Lãnh binh Gia Định”  

Phần nào thấy được vai trò của Trương Định, triều đình nhà Nguyễn phong cho ông chức Phó Lãnh binh Gia Định, và đến tháng 3/1862 lại cho kiêm chức Tổng chỉ huy đầu mục Gia Định. Trương Định chuyển đại bản danh về Gò Thượng, chỉ huy 18 cơ binh, liên tục mở những cuộc tấn công quấy rối và tiêu hao sinh lực địch, cướp súng  về trang bị và đúc thêm súng mới.

Nhưng cũng chính vào lúc giặc Pháp đang lúng túng trước sức mạnh của nghĩa quân thì vua Tự Đức và Cơ mật viện lại bị động trong việc tìm cách đối phó với quân xâm lược. Phan Thanh Giản nhận trách nhiệm Khâm sai đại thần cùng Lâm Duy Hiệp vào Nam xem xét tình hình và thương thảo với tướng Bonard, tổng chỉ huy liên quân Pháp và Tây Ban Nha đang đóng tại Sài Gòn. Lo sợ sức mạnh quân sự của giặc, lại thiếu tầm nhìn chiến lược và không đủ tin tưởng vào sức mạnh kháng chiến của nhân dân, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đã ký với Hòa ước Nhâm Tuất (5/6/1862) chấp nhận bãi binh, cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Để gọi là "nghiêm chỉnh thi hành các điều ước" và mong Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long đã mất (25/3/1862), triều đình hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và nhận chức lãnh binh An Hà (An Giang, Hà Tiên).

Trong khi Trương Định còn dùng dằng suy nghĩ sau khi nhận chỉ dụ của triều đình thì những người ứng nghĩa biết tin đã vội vàng kéo đến bày tỏ nguyện vọng yêu cầu ông ở lại lãnh đạo kháng chiến. Trong "Kỳ xuyên văn sao", Nguyễn Thông (1827 - 1884) đã ghi lại ý kiến của những người ứng nghĩa như sau: "Bọn Tây bị dân ta nhiều lần đánh lui, nay chúng được Triều đình giảng hòa, chắc chúng sẽ giết hại bọn ta. Vả lại, bọn Tây lấy binh lực mà ăn hiếp ta, mà bắt hòa, nhưng chúng không thành thực, nay triều đình giảng hòa với chúng, bọn ta không nơi nương tựa, sao bằng hợp lực đánh lại chúng, giữ lại một mảnh đất để cùng nhau bảo tồn sinh mạng".

Cảm động trước tấm lòng của nhân dân, đồng thời nhận rõ hiểm họa đe dọa sự tồn vong của đất nước, Trương Định đã chấp nhận ở lại Gò Công, nhận chức "Bình Tây đại nguyên soái" kiên quyết kháng chiến đến cùng.

Như vậy là cuộc kháng chiến của Trương Định từ lúc này chuyển sang một giai đoạn mới, thoát ly khỏi triều đình, dựa vào nhân dân và cùng với nhân dân chống Pháp.

Để củng cố lực lượng kháng chiến, Trương Định cổ động nhân dân đào hào, đắp lũy, bố trí trận địa, phòng giữ các mặt hiểm yếu và cử các sĩ phu có tâm huyết vào các chức vụ quan trọng ở nhiều nơi, đồng thời ông cho phát đi bài hịch lời lẽ thắm thiết kêu gọi mọi người đóng góp nhân tài vật lực tham gia đánh Pháp.

Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng của Trương Định phát triển rất nhanh, thu hút và liên kết chặt chẽ với các nhóm kháng chiến, các sĩ phu, văn thân yêu nước, trong đó có nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 16/2/1862, Trương Định phát lệnh tổng công kích, phản công mạnh mẽ quân xâm lược trên khắp các mặt trận, thu nhiều thắng lợi, đặc biệt là trận Sông Tra mở màn, và các trận ở Qui Sơn, Rạch Lá, Cửa Khẩu, Gò Xoài, Đồng Sơn (Gia Định). Ngoài ra nghĩa quân còn tiến công địch ở nhiều đồn trại khắp Biên Hòa, Định Tường, tập kích pháo thuyền Alarme, thuyền Lorcha... suốt từ 18 đến 28/12/1862, khiến quân Pháp rơi vào thế bị động, liên tục bị uy hiếp.

Trước tình hình này, Bonard một mặt đệ thư về Pháp xin viện binh, một mặt thúc giục Phan Thanh Giản và quan tỉnh Vĩnh Long ép Trương Định bãi binh, giao nộp vũ khí. Thế nhưng lập trường của Trương Định không thay đổi, ý chí của Trương Định không lung lay.

Thất vọng trong âm mưu chiêu dụ và lung lạc Trương Định, lại được nhận thêm viện binh và nhân lúc quân Triều đình án binh bất động, ngày 13/2/1863 quân Pháp tập trung quân mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ của Trương Định với sự tham gia của 1.200 quân, 8 khẩu đại bác và chiến hạm Européen. Nắm được ý đồ của giặc, Trương Định bố trí lại phòng ngự vững chắc ở Gò Công, Vĩnh Lợi, Đồng Sơn, đắp chắn các đập cản ở Lãng Lộc, Soài Rạp để ngăn đường tiến của địch. Ngoài ra để phân tán lực lượng địch ông còn ra lệnh cho các đạo nghĩa quân khác tấn công vào nhiều căn cứ của chúng ở Gò Cây Mai, Thái Phước, Tuy Bình, An Long.

Ngày 24/2 giặc chiếm được Gò Công và hội quân trước cửa Tân Hòa rồi đến sáng ngày 25/2 các cánh quân thủy bộ theo lệnh của Bonard tấn công dữ dội vào căn cứ nghĩa quân. Dưới sự chỉ huy của Trương Định, nghĩa quân chiến đấu liên tiếp trong 3 ngày với một tinh thần bình tĩnh, gan dạ phi thường. Cuối cùng, do quá chênh lệch về lực lượng, lại hết thuốc đạn, biết không giữ nổi, Trương Định rút về Rừng Sác, lúc bấy giờ là một rừng cây ven biển chạy từ Biên Hòa đến tận vùng Cần Đước thuộc tỉnh Gia Định.

Sau một thời gian ngắn, Trương Định lại tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ ở Đám Lá Tối Trời. Giặc Pháp bao vây Đám Lá Tối Trời và truy kích quyết liệt nên Trương Định phải chuyển sang Lý Nhơn. Đến cuối năm 1863, Pháp lại đem quân đánh phá Lý Nhơn, nhưng nhờ gan dạ khéo léo ông lại thoát vây an toàn, trở lại Đám Lá Tối Trời gây dựng cơ sở kháng chiến.

Theo tài liệu của người Pháp, vào khoảng tháng 8/1864, từ Đám Lá Tối Trời Trương Định đã phát đi một bài hịch nêu rõ tình hình khó khăn về lương thực và vũ khí của nghĩa quân, nhưng đồng thời cũng khẳng định quyết tâm đánh Pháp không gì lay chuyển nổi, "Phải, chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm vũ  khí. Dứt khoát không bao giờ ngừng chiến đấu chống bọn giặc cướp nước".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trương Định, nhân dân Gò Công lại một lần nữa vùng lên kháng Pháp. Phong trào lan ra đến Mỹ Tho, Tân An, Cần Giuộc, Chợ Lớn... với mọi khí thế rầm rộ, sôi nổi.

Đền thờ Trương Định ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)
Đền thờ Trương Định ở Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)


Thế nhưng, giữa lúc nghĩa quân Trương Định hoạt động mạnh trở lại thì tình hình chung ngày một xấu đi. Các cuộc khởi nghĩa khác ở Nam Kỳ đều bị đàn áp, phong trào bị thu hẹp và có nguy cơ tan rã.

Trong khi đó, quân Pháp lại không phải đối phó với quân Triều đình do việc hiệp ước Nhâm Tuất đã được chính thức phê chuẩn (16/4/1863) nên dễ dàng tập trung binh lực để đàn áp các cuộc nổi dậy. Thêm nữa, lúc này lại có nạn hạn hán gây mất mùa nghiêm trọng ảnh huởng đến việc cung cấp lương thực cho nghĩa quân.

Tháng 2/1863, nhờ có viện binh, Pháp phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Ngày 26/2/1863, quân Pháp mở cuộc càn quét lớn, đánh chiếm căn cứ nghĩa quân, Trương Định thoát khỏi vòng vây, kéo quân về Biên Hòa.

Tháng 9/1863, Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định.

Vào giữa năm 1864, Trương Định chuẩn bị một đợt tấn công mới nhằm đánh chiếm lại Tân Hòa. Tiếc thay, kế hoạch lớn đó chưa thực hiện được thì xảy ra việc quân Pháp do tên phản bội Huỳnh Công Tấn dẫn đường đánh úp nghĩa quân đêm 19 rạng ngày 20/8/1864.

Mặc dù quân ít, lại bị đánh bất ngờ Trương Định và các nghĩa quân vẫn chiến đấu dũng cảm, chống trả mãnh liệt. Rạng sáng ngày 20/8/1864 trong khi  đang chiến đấu thì Trương Định bị trọng thương. Biết không thoát khỏi tay giặc, ông rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết anh hùng.

Về đời tư, Trương Định có 2 người vợ. Bà vợ đầu tên Lê Thị Thưởng, là con gái một hào phú ở huyện Tân Hòa, Gò Công. Bà và Trương Định kết hôn năm nào không rõ, nhưng theo sử sách thì vào năm 1854 nhờ sự trợ giúp của gia đình bên vợ, Trương Định xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận.

Đại Nam chính biên liệt truyện chép về bà Lê Thị Thưởng, như sau:
“(Trương Định) sau vì thất lợi mà mất, con ông là (Trương) Tuệ cũng chết vì việc quân, vợ (Trương) Định là Lê Thị Thưởng vì không nơi nương tựa nên về quê quán (Quảng Ngãi, quê chồng) làm ăn. Năm (Tự Đức) thứ 27 (1874), quan tỉnh Quảng Ngãi tâu rằng, (Trương) Định là người có nghĩa khí rất đáng khen mà nay vợ của (Trương) Định lại là người nghèo khổ, rất đáng thương. Vậy, xin cấp dưỡng suốt đời cho (vợ Trương Định) mỗi tháng 20 quan và 2 phương gạo...

Năm (Tự Đức) thứ 34 (1881), lại cấp thêm cho người vợ (của Trương Định) mỗi tháng 10 quan, đồng thời, sai xã ấy phải thỉnh thoảng đến thăm. Khi bà mất, (vua ban) cho 100 quan tiền (để mai táng).3”.

Người vợ thứ của ông là Trần Thị Sanh. Trước khi về làm vợ thứ Trương Định, bà từng có một đời chồng (ông Dương Tấn Bổn) và một người con gái (Dương Thị Hương). Ông Bổn mất sớm, bà Sanh quyết chí lo chuyện làm ăn và trở thành một trong những người giàu có nổi tiếng ở xứ Gò Công. Sau khi chồng chết được 2 năm, bà về làm vợ Trương Định, dân gian gọi là bà Hầu. Ca dao vùng Gò Công bấy giờ có câu:

                        Gò Công có bốn tổng giàu
                        Mà riêng có một bà Hầu giàu to.

Khi Trương Định phất cờ đánh Pháp, bà Sanh lo việc mua sắm vũ khí, tích trữ lương thực cho nghĩa quân. Khi Trương Định tuẫn tiết, bà đem thi hài ông về an táng trọng thể tại trung tâm huyện lỵ Tân Hoà, nay là phường I, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ban đầu ngôi mộ được làm bằng hồ ô dước, dựng bia đá, khắc dòng chữ: Đại Nam - An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương công húy định chi mộ. Quân xâm lược Pháp đã băm nát hàng chữ Bình Tây Đại tướng quân và phạt bà Trần Thị Sanh 10.000 quan tiền vì tội lập bia trái phép.

Năm 1874, bà Trần Thị Sanh làm đơn xin tu sửa mộ cho chồng. Lần này mộ Trương Định được xây bằng đá hoa cương, có 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của ông. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị nhà cầm quyền Pháp ra lệnh đục bỏ.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, mộ Trương Định bị hoang phế trong một thời gian dài. Sau có bà Huỳnh Thị Điệu, còn gọi là bà Phủ Hải,cho sửa chữa. Năm 1956, ngôi mộ lại được sửa sang lần nữa.

Trong các năm 1972, 1973 đền thờ Trương Định cũng được xây dựng.

Lăng mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công (tỉnh Tiền Giang) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử -văn hóa quốc gia.

Lễ hội tưởng niệm ông diễn ra tại đây các ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân khắp Nam Kỳ lục tỉnh về chiêm bái người Anh hùng dân tộc.

Tại Quảng Ngãi, năm 2007, nhà thờ Trương Định cũng đã được xây dựng tại quê ông, làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh.

Trương Định là hình ảnh tiêu biểu của nhân dân Gò Công, của nhân dân Nam Bộ bất khuất chống giặc Pháp xâm lược vào thời điểm chúng vừa đặt chân lên đất nước ta. Ông cũng là người con ưu tú, góp phần làm rạng rỡ quê hương Quảng Ngãi kiên cường.


Lê Hồng Khánh
 


* (Đón đọc kỳ tới: Lê Trung Đình)
 


CÁC TIN KHÁC
.