Viếng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định

06:10, 14/10/2012
.

(QNg)- Vượt chặng đường dài cả nghìn cây số từ Quảng Ngãi đến thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), chúng tôi kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương trên phần mộ Anh hùng dân tộc Trương Định- người con của quê hương núi Ấn-sông Trà.   
 

Quảng Ngãi và Tiền Giang cách nhau cả nghìn cây số thế mà rất đỗi thân thương, gần gũi. Cả hai đều là quê hương gắn bó sâu nặng với Anh hùng dân tộc Trương Định. Chúng tôi-thế hệ cháu con trên quê hương đất Quảng, vượt chặng đường xa từ mảnh đất nơi ông sinh ra tìm về miền quê ông anh dũng chiến đấu và yên nghỉ.

 Mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia.



Từ TP Mỹ Tho, các nhà báo ở Tiền Giang đưa chúng tôi về thị xã Gò Công. Dọc đường đi, qua câu chuyện kể của nhà báo tỉnh bạn, Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định dẫu sinh ra ở Quảng Ngãi, song với người dân Tiền Giang, ông cũng là người con của mảnh đất có dòng sông Tiền hiền hòa. Ở cả hai miền quê Quảng Ngãi và Tiền Giang, để tưởng nhớ công đức của ông, cứ đến ngày 19 và 20 tháng 8 (dương lịch) hằng năm, chính quyền địa phương và người dân tổ chức trọng thể lễ giỗ kỷ niệm ngày ông tuẫn tiết. Đông đảo người dân nơi ông sinh ra (ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) đến đền thờ thắp hương tưởng nhớ vị anh hùng kiên trung, bất khuất. Và, ở Gò Công, lễ giỗ của ông nghi ngút khói hương với rất nhiều thế hệ người dân tìm về cội nguồn.

Tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định hiên ngang, sừng sững giữa trung tâm thị xã Gò Công. Tấm gương anh dũng, một lòng vì nước, vì dân của Anh hùng dân tộc Trương Định là trang sử hào hùng mà lớp lớp người dân trên mảnh đất Gò Công khắc nghi trong tâm khảm. Anh hùng dân tộc Trương Định (SN 1820) là con quan Trương Cầm, Lãnh binh tỉnh Gia Định. Ông theo cha vào Nam và cưới vợ ở Tân An.

Trương Định tướng mạo khôi ngô, giỏi võ nghệ, thông binh thư. Trương Định xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo khai hoang, lập đồn điền và được phong chức Quản cơ. Năm 1859, quân Pháp đánh thành Gia Định, Trương Định đưa cơ binh gia nhập quân đội của triều đình chống giặc. Nghĩa quân Trương Định anh dũng, lập nhiều chiến công. Ngày 1/3/1862, Trương Định lãnh đạo nghĩa quân đánh giặc, giải phóng Gò Công. Tháng 5/1862, triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh vua, nhận danh hiệu Bình Tây Đại Nguyên Soái do dân phong, tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến đấu chống giặc Pháp. Uy danh Trương Định vang lừng khắp cả nước.

Chuyện kể về Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định của những người con ở đất Tiền Giang đến đây bỗng ngậm ngùi. Song, từ trong ánh mắt của mọi người toát lên niềm tự hào. Ngày 20.8.1863, trong cuộc chiến đấu không cân sức tại căn cứ "Đám Lá Tối Trời", Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông dùng gươm tuẫn tiết, thể hiện khí phách của người anh hùng. Thắp nén hương trên phần mộ vị anh hùng của dân tộc Trương Định, chúng tôi tự hào xen lẫn xúc động. Sau khi Trương Định mất, thực dân Pháp mang xác ông bêu ở chợ Gò Công. Vợ thứ của ông là bà Trần Thị Sanh đóng cho Pháp 10.000 quan tiền để nhận thi hài chồng về an táng. Bia mộ của ông được lập nên, thế nhưng nhiều lần thực dân Pháp đập phá.  

"Chúng ta thề sẽ đánh mãi và đánh không ngừng, khi ta thiếu tất cả ta sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm võ khí cho quân lính ta…" (tuyên bố của Trương Định nhân danh toàn thể dân chúng Gò Công gởi cho giặc Pháp sau khi Gò Công thất thủ lần thứ hai, tháng 2/1863), "Lòng dân đã muốn ta lên làm nguyên nhung ba tỉnh, ta trông vào lòng yêu thương không phai lạt của mọi người đối với ta. Thế là xong bất dung tha giặc cướp…" (Hịch Trương Định tháng 8/1864)… Người dân Gò Công mãi lưu truyền câu nói của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định với lòng tôn kính sâu nặng. Anh hùng dân tộc Trương Định mãi là niềm tự hào của người dân đất Quảng, của nhân dân Gò Công và của dân tộc Việt Nam.


Phương Lý
 


CÁC TIN KHÁC
.