Nguyễn Công Trứ với sự nghiệp mở đất Kim Sơn

02:10, 12/10/2012
.

Tam quan Đền thờ Nguyễn Công Trứ (Kim Sơn).
Tam quan Đền thờ Nguyễn Công Trứ (Kim Sơn).

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) sinh vào giờ Dần, ngày mồng một, tháng mười một, năm Mậu Tý, đời vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 38 (1778) tại huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, khi bố ông Giải nguyên Nguyễn Tần đang làm tri huyện tại đây. Khi Nguyễn Công Trứ vào tuổi thiếu niên, ông Nguyễn Tần cũng xin từ quan đưa vợ con về quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mở trường dạy học.

Nguyễn Công Trứ càng lớn lên càng bộc lộ một thiên tư đặc biệt thông minh, mẫn tiệp, thơ phú giỏi giang, nổi tiếng khắp vùng. Tuy nhiên, ông cũng là con người có tính cách ngang tàng, phóng khoáng cả trong cuộc sống lẫn văn chương, đa tình, đa mộng. Vào thời điểm đó, dù triều đình chưa mở khoa thi, nhưng ông vẫn chuyên tâm vào nấu sử sôi kinh, chờ ngày khoa bảng để tỏ chí nam nhi: "Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông".

Qua 3 khoa thi, mãi đến năm 1819 mới đỗ Giải nguyên, nhưng vốn là con người văn võ song toàn, thông minh chính trực, có bản lĩnh, tư chất nên dù phải thăng, giáng nhiều lần nhưng ông vẫn đảm trách tốt nhiều công việc được giao từ Hành Tấu Quốc Sứ Quán, Tri huyện Đường Hào (nay thuộc Hưng Yên), Biên Tu Hàn Lâm Viện, Lang Trung Bộ Lại, Tham Hiệp trấn Thánh Hoá, Tham Tri Bộ Hình, Tả Đô Ngự Sử, Tổng đốc Hải An, Tuần Phủ An Giang… Thời kỳ làm Doanh Điền Sứ (1827-1830), ông đã có công quai đê lấn biển, di dân lập ấp, xây dựng nên 2 vùng đất mới: Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).

Kim Sơn là vùng đất mới của Ninh Bình được ghi vào bản đồ Việt Nam từ năm 1829. Trước đó vào khoảng từ năm 1827, khi đang quai đê Tiền Hải, ông đã cho người sang Ninh Bình khảo sát thực địa, để chuẩn bị khẩn hoang sao cho xứng tầm với vùng đất giàu tiềm năng. Đã có kinh nghiệm từ việc khẩn hoang ở Tiền Hải, việc làm ở Kim Sơn đã có những thuận lợi hơn. Tuy vậy, những khó khăn cũng không phải là nhỏ, bởi vùng cửa biển này vốn có tiếng là dữ dằn, gió to, sóng lớn. Cả một vùng bãi bồi, sình lầy, lau lách trải ra mênh mông, nên việc đi lại để quai đê đắp đường, đào sông gặp không ít khó khăn. Song do tài tổ chức và vận dụng linh hoạt, sáng tạo với 63 vị chiêu mộ, thứ mộ, 1.200 nhân đinh, sau hơn 1 năm, Nguyễn Công Trứ đã hoàn tất việc quai đê, lấn biển Kim Sơn. Và vào năm "Minh Mệnh Thập niên", huyện Kim Sơn được thành lập với 7 tổng, 63 làng, ấp, giáp, trại, tính từ Tôn Đạo về đến vùng Yên Lộc, Lai Thành.

Ban đầu, những người dân đến đây khẩn hoang, mọi việc còn hết sức khó khăn, sình lầy ngập đến nửa người, làm việc xong phải để công cụ ngoài đồng, không thể mang nổi về nhà. Nơi người dân tập trung công cụ sau này gọi là làng Cào. Từng bước các công trình phục vụ sản xuất, đời sống dần được hoàn thiện. Nguyễn Công Trứ đã vận dụng phương pháp quy hoạch theo lối tĩnh điền. Ông thể hiện một khả năng, trình độ khoa học đặc biệt trong quy hoạch, xây dựng các công trình thuỷ lợi. Trước hết, ông đã cho đào sông Ân nối sông Vạc với sông Càn để lấy nước ngọt. Và cứ mỗi làng lớn hoặc hai làng nhỏ, ông lại cho đào kênh, đắp đường dẫn về đến thôn, xóm để tiêu úng lụt và thau chua rửa mặn, khai thác tối đa diện tích đưa vào canh tác. Tất cả mọi con sông nhỏ đều nối với sông Ân và sông Ân đã thành động mạch chủ để dẫn nước về mọi ngả…

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn


Việc đào kênh mương cùng tiến hành song song với việc làm đường, quật thổ, bồi cư, phân chia địa giới, bố trí khu dân cư, khu canh tác, nhanh chóng tạo thế ổn định cho người đến định cư, lập nghiệp. Những con sông nhỏ đi qua vùng giáp ranh giữa các làng có chiều dài từ 5-10 km, chưa tính sông Ân, chiều dài các con sông, con kênh gộp lại ước tính trên 100 km. Mọi việc được làm khẩn trương, nên chỉ sau vài ba năm, với ưu thế của vùng đất sa bồi màu mỡ, lại có công trình thuỷ lợi đầy ưu việt nên ruộng đồng ngày một tốt tươi, màu mỡ, đời sống người dân ngày thêm no ấm, làm cho không khí xóm làng thêm phấn chấn, lạc quan.

Kể từ ngày Nguyễn Công Trứ về khẩn hoang, lập ấp tạo dựng nên vùng quê mới, Kim Sơn đã có thêm 7 lần quai đê, lấn biển, chinh phục bãi bồi, làm cho vùng đất mở ngày càng rộng dài thêm. Điều kỳ diệu trên là khởi nguồn để mọi tiềm năng trên dải đất trẻ này tiếp tục được phát huy viết nên những kỳ tích xứng với vị trí là vùng trọng điểm về kinh tế và an ninh - quốc phòng của tỉnh. Hiện Kim Sơn có 27 xã, thị trấn, chiều dài của huyện tính từ xã Xuân Thiện (giáp Yên Khánh) về tới xã Kim Đông (giáp biển) là 32 km, chiều rộng tính từ xã Lai Thành (giáp Thanh Hoá) về đến Thượng Kiệm (giáp sông Đáy) là 8,5 km. Kim Sơn tính đến nay có diện tích tự nhiên trên 213 km2, trong đó đất canh tác lúa - cói và nuôi trồng thủy sản chiếm gần 16 nghìn ha. Dân số Kim Sơn với 1.200 nhân đinh ngày mở đất đến nay đã có trên 175 nghìn người. Đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm gần 46% số dân trong huyện.

Các thế hệ người Kim Sơn mãi tri ân công lao to lớn của Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ. Công tích, cuộc đời và tên tuổi của ông mãi còn đó với thời gian. Khi còn sống, người Kim Sơn đã lập đền thờ sống ông gọi là Sinh Từ. Khi ông mất, truy từ nơi thờ ông vẫn bốn mùa hương khói và sớm được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia. Vừa qua, Kim Sơn đã đầu tư hàng tỷ đồng vào tôn tạo, nâng cấp đền thờ ông. Công trình được tọa lạc trên một vùng đất rộng, có không gian thoáng đãng, cây cối xanh tươi, mặt trông ra sông Ân lộng gió… Người Kim Sơn từ các bậc cao niên đến lớp trẻ hôm nay đều thán phục tài năng trong quy hoạch đồng điền của ông từ ngày mở đất.

Điều này đã thể hiện tư chất của Nguyễn Công Trứ vừa là vị quan đại thần, vừa là nhà khoa học, mọi việc làm đều phải có sự chuẩn bị, điều tra, khảo sát, đảm bảo đạt hiệu quả cao. Sự nghiệp khẩn hoang của ông đã mở đầu cho chặng hành trình quai đê, lấn biển để có một Kim Sơn trù phú và giàu đẹp ngày nay.


"Truy Từ mới lập đền thờ
Ghi công đức để đến giờ làm gương."

 

Theo Báo Ninh Bình
 


CÁC TIN KHÁC
.