Di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:
Di tích vụ thảm sát Diên Niên –Phước Bình

03:10, 29/10/2012
.

(QNĐT)- Vụ thảm sát Diên Niên- Phước Bình là tên gọi một trong những vụ thảm sát thường dân vô tội do quân đội Nam Triều Tiên  gây ra trong thời gian chính phủ Pắc Chung Hy (Park Chung Hee; Bak Jeonghui) đứng về phía người Mỹ, đưa quân đội tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam.

Thực ra, đây là 2 vụ thảm sát diễn ra trong 2 ngày và tại 2 địa điểm cách nhau hơn 4km, theo đường chim bay: Vụ thảm sát ngày mùng 9 tháng 11 năm 1966  (nhằm ngày 27 tháng 9 năm Bính Ngọ -ÂL) tại các thôn Hà Tây, Lâm Lộc (xã Tịnh Hà) và trường học thôn Phước Bình (nay là thôn Bình Thọ) và vụ thảm sát ngày 13 tháng 11 (nhằm ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ -ÂL) tại đình làng Diên Niên (xã Tịnh Sơn) huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

 Bia tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại tại đình Diên Niên (xã Tịnh Sơn)
Bia tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại tại đình Diên Niên (xã Tịnh Sơn)


Cả hai vụ thảm sát này đều do lữ đoàn 2 thuỷ quân lục chiến Nam Triều Tiên, biệt danh “Lữ đoàn Rồng Xanh” gây ra. Lữ đoàn nầy có mặt ở miền Nam Việt Nam từ tháng 10 năm 1965, rút về nước tháng 2/1972, hoạt động ở vùng duyên hải Quảng Nam -Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Cùng với sư đoàn bộ binh Capital (Mãnh Hổ), sư đoàn bộ binh số 9 (Bạch Mã), lữ đoàn Rồng Xanh đã liên tục gây ra nhiều vụ thảm sát dân thường, đặc biệt là trong giai đoạn 1965- 1966, khi chúng vừa đổ quân vào miền nam Việt Nam.

Tại Quảng Ngãi, từ ngày 3/8/1966, lữ đoàn Rồng Xanh được đưa đến lập căn cứ ở Bình Thanh (huyện Bình Sơn), mở rộng tầm hoạt động từ Bình Sơn đến Sơn Tịnh, liên tục mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào địa bàn các xã Tịnh Hoà, Tịnh Thiện, Tịnh Thọ, Tịnh Trà… (Sơn Tịnh), Bình Châu, Bình Hoà, Bình Hải... (Bình Sơn).

Sau một thời gian đóng ở Bình Thanh, lữ đoàn Rồng Xanh thiết lập một cứ điểm kiên cố tại đồi Tranh Quang Thạnh (gò Tranh, gò Quang Thạnh) nằm trên địa bàn xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh. Cứ điểm Quang Thạnh có hệ thống giao thông hào sâu, lô cốt, hầm chiến đấu vững chắc, án ngữ hành lang đông – tây, ngăn chặn liên lạc của quân giải phóng từ phía đông Bình Sơn, đông Sơn Tịnh lên phía tây, đồng thời khống chế cửa ngỏ tây bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi.

Bia ghi tên các nạn nhân bị sát hại tại trường học thôn Phước Bình (xã Tịnh Sơn).
Bia ghi tên các nạn nhân bị sát hại tại trường học thôn Phước Bình (xã Tịnh Sơn).


Từ cứ điểm Quang Thạnh, quân Nam Triều Tiên liên tục mở những cuộc hành quân càn quét, đốt phá xóm làng, giết người vô tội khắp địa bàn tây Sơn Tịnh, tây Bình Sơn.

Hồi ký của viên đại tá quân đội Nam Triều Tiên (đã nghỉ hưu vào tháng 4/2000, khi ông ta đã ngoài 60 tuổi) có tên là Kim Ki-t’ae - nguyên là chỉ huy của Đại đội 7, tiểu đoàn 2, lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ Rồng Xanh thú nhận: Từ 9 tới 27/11/1966, các tiểu đoàn 1, 2, 3 của lữ đoàn Rồng xanh đã tiến hành chiến dịch “Mắt Rồng”, tại khu vực phía tây Sơn Tịnh và đã gây ra nhiều vụ bắn giết những người không hề có vũ khí trong tay,“bị buộc với nhau bằng dây thừng, bị ném xuống một cái hố bom tạo ra bởi máy bay F4 Mỹ. Cái hố rộng khoảng 8m và sâu 4m”. Và rằng, sau đó “Lính Hàn lùi lại và ném lựu đạn vào trong hố, máu và thịt bay lộp bộp trong không trung. Khi họ kết thúc, những tiếng kêu của những người sống sót vẫn vọng lên từ dưới hố. Lính Hàn kê súng lên vai và nã đạn xuống, đảm bảo rằng tất cả đều chết.”

 Cuộc thảm sát ngày 9/11/1966 bắt đầu vào khoảng 8 giờ với việc một đơn vị lính Nam Triều Tiên thuộc lữ đoàn Rồng Xanh tràn vào thôn Hà Tây (xã Tịnh Hà) giết chết 26 thường dân, trong đó có nhiều người bị xẻo tai, xẻo mũi và một em bé bị xé xác làm đôi. Từ Hà Tây, quân Nam Triều Tiên kéo ra xóm Gò Mạ (thuộc thôn Lâm Lộc, nằm về phía bắc thôn Hà Tây, cùng thuộc xã Tịnh Hà), giết chết 2 người phụ nữ rồi quăng xác vào một ụ rơm, nổi lửa đốt cháy.

Đến hơn 9 giờ, đội quân giết người kéo qua rừng Động, rồi vào thôn Phước Bình (phía bắc rừng Động), xã Tịnh Sơn. Từ đầu xóm nhà, từng toán lính lùng sục, bắt bớ, cưỡng bức người dân tập trung về sân trường học thôn, rồi dùng tiểu liên bắn lia ngang và ném lựu đạn vào đám đông người đang run rẩy. Chỉ trong phút chốc, sân trường ngổn ngang 68 xác người vô tội, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em.

Thực hiện xong “chiến công” tàn bạo, quân Nam Triều Tiên nhanh chóng kéo về phía núi Nón, Khánh Thượng (xã Tịnh Bình) sau đó quay về phía Nam, tập kết tại chốt núi Tròn (Tịnh Sơn), bỏ lại đằng sau xóm làng nghi ngút cháy.

Tội ác chất chồng tội ác, dã man liên tiếp dã man. 9 giờ sáng, ngày 13/11/1966, trong khi dân làng Phước Bình chưa kịp chôn cất xong những nạn nhân bị giết hại thì lính Nam Triều Tiên từ căn cứ núi Tròn mở cuộc càn quét xuống phía đông, theo đường tỉnh lộ.

Đến núi Bìn Nin (còn có tên núi Tú Thao, núi Chợ) chúng đụng độ lực lượng Công Trường 1 quân Giải phóng và dân quân du kích, bị tổn thất nhiều nhân mạng.

Từ núi Bìn Nin, quân Nam Triều Tiên quay ngược lại thôn Diên Niên, dồn người già, phụ nữ, trẻ em đến tập trung vào sân vườn Đình, rồi dã man xả đạn vào những người dân lương thiện trong tay không một tấc sắt. 112 người dân tại thôn Diên Niên và lân cận đã bị sát hại, máu loang khắp mảnh sân vườn Đình.


Như vậy, tổng cộng trong các ngày từ 9 đến 13/11 năm 1966, lữ đoàn Rồng Xanh, quân Nam Triều Tiên đã giết hại hơn 200 người, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em tại các thôn Hà Tây, Lâm Lộc (xã Tịnh Hà), Phước Bình, Diên Niên (xã Tịnh Sơn) huyện Sơn Tịnh trong cuộc hành quân sát nhân có tên là “Mắt Rồng”.

Bia tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại tại thôn Hà Tây (xã Tịnh Hà)
Bia tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại tại thôn Hà Tây (xã Tịnh Hà)



Năm 1994, Sở Văn hóa -Thông tin (nay là Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch) đã dựng bia tưởng niệm 68 đồng bào tại thôn Phước Bình,112 đồng bào bị tại thôn Diên Niên và 26 đồng bào tại thôn Hà Tây bị sát hại để người thân và bà con xa gần đến thăm viếng, tưởng niệm những người đã khuất.

Tại Nam Triều Tiên, vào thời điểm chính phủ nước này gởi quân sang miền Nam Việt Nam (cuối những năm 60 của thế kỷ trước), sự kiện sai lầm có tính lịch sử đó lại được miêu tả trên các phương tiện thông tin đại chúng như “một sự tự vệ cao thượng của tự do” nhằm chống lại “cộng sản xâm lược”. Và rằng việc làm đó được “chào mừng” (!) bởi người Nam Việt Nam.

Kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của chính phủ Hàn Quốc đảm bảo hình ảnh đó vẫn còn được giữ cho tới tận những năm 80. Thậm chí trong cuộc tưởng niệm năm 1994 ở Seoul, hình ảnh của các lực lượng “viễn chinh” vẫn được nhắc đến như những người hùng.

Tháng 5 năm 1995, Bộ trưởng giáo dục Kim Suk-hui bị bãi nhiệm chỉ vì ông ta đã dũng cảm và thành thật thừa nhận cuộc chiến tranh Triều Tiên là “nội chiến” và gọi đích danh lính Nam Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam là “lính đánh thuê”.

Chỉ từ những năm 90 các cuộc thảo luận công khai về những điều còn mơ hồ về quân đội Nam Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam mới nổi lên ở Hàn quốc. Sự ý thức của đại chúng về cuộc chiến được biểu hiện qua các tiểu thuyết, phim và những tiết lộ nhỏ giọt từ truyền thông và Bộ Quốc phòng.

Vào năm 2001, trên tạp chí Critical Asian Studies, Charles K. Amstrong cho đăng loạt bài có nhan đề “America's Korea, Korea's Vietnam” (tạm dịch: Chiến tranh Triều Tiên với Mỹ, chiến tranh Việt Nam với Triều Tiên) đề cập đến sự can dự của quân Nam Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam. Tiếp theo đó là loạt bài trên Hankyoreh Sinmun,  trong đó có nhắc đến những vụ thảm sát của quân đội Nam Triều Tiên (ROK) ở Phước Bình, An Thuyết thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Hồi ức của Kim Ki-t’ae, nguyên là chỉ huy của Đại đội 7, tiểu đoàn 2, lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ Rồng Xanh, xác nhận với Hankyoreh Sinmun rằng khi là một trung uý 31 tuổi ông ta  đã được chỉ huy vụ giết chóc dã man những người Việt Nam Việt Nam không có vũ trang ở tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 10 và tháng 11 năm 1966, trong đó có vụ giết hại ở Phước Bình.

Mộ của 5 người trong một gia đình bị sát hại tại Diên Niên.
Mộ của 5 người trong một gia đình bị sát hại tại Diên Niên.


Câu chuyện của Kim Ki-t’ae hoá ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm; những hồi ức tiếp theo đó của các cựu binh Nam Triều Tiên đã cho thấy một bức tranh chi tiết ghê sợ, mà vẫn hầu như chưa được biết tới với thế giới phương Tây, về sự tham dự của quân lính Nam Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam.

Những năm gần đây, tại Hàn Quốc tổ chức “Ủy ban sự thật Hàn Quốc về chiến tranh Việt nam” (Korean Truth Committee on Vietnam War) và các nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội... đã có những hoạt động phơi bày sự thật khách quan những sai lầm của nhà cầm quyền Nam Triều Tiên và tội ác của quân lính Nam Hàn trong thời kỳ can dự vào chiến tranh Việt Nam, gây ra những vụ thảm sát thường dân vô tội, huỷ hoại  xóm làng, xúc  phạm  phong tục, tập quán của người dân.

Cũng cần nhắc lại ở đây, đồi tranh Quang Thạnh, Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), Bình Châu (Bình Sơn)… đã trở thành mồ chôn quân Nam Triều Tiên trong các trận quyết chiến của quân Giải phóng vào những năm 1967-1968. Đặc biệt là trận đánh Quang Thạnh (phương Tây gọi là Battle of Tra Binh Dong) diễn ra vào rạng sáng 15/2/1967, giữa lực lượng của lữ đoàn Rồng Xanh và sư đoàn 2 (QK5) quân Giải phóng đã khiến quân Nam Triều Tiên trở nên hoảng loạn, khiếp sợ và sa vào cuộc khủng hoảng tinh thần triền miên cho đến khi rút khỏi miền Nam Việt Nam vào đầu năm 1972.

Di tích vụ thảm sát Diên Niên – Phước Bình (gồm các địa điểm quân Nam Triều Tiên tập trung bắn giết thường dân và mộ các nạn nhân) đã được Bộ Văn hoá Thông tin, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử -văn hoá quốc gia, tại Quyết định số 295/QĐ-QĐ ngày 12/2/1994.



                                                               Sơn Tịnh, tháng 10/2012
                                                                       Lê Hồng Khánh

* Đón đọc kỳ tới: Di tích Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa
 

TIN LIÊN QUAN


 


CÁC TIN KHÁC
.