Di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:
Di tích văn hoá Sa Huỳnh ở Đức Phổ

01:10, 08/10/2012
.

Sa Huỳnh: Thiên nhiên kỳ thú.


Sa Huỳnh (Sa Huỳnh môn) vốn là tên gọi một cửa biển. Địa danh nầy dần về sau còn dùng để chỉ một vùng đất, một khu vực địa lý nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc địa phận các xã Phổ Thạnh, Phổ Khánh và Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.


 “Huỳnh” là một âm khác của “Hoàng”, từ Hán Việt, có nghĩa màu vàng. Sở dĩ đọc là “Huỳnh” vì dưới thời Nguyễn, “Hoàng” là âm phải kỵ huý, trùng tên chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525- 1613), tổ của các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn.

Gò Ma Vương (thôn Long Thạnh2, xã phổ Thạnh) – nơi tìm thấy nhiều mộ chum và lọ gốm đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh.
Gò Ma Vương (thôn Long Thạnh2, xã phổ Thạnh) – nơi tìm thấy nhiều mộ chum và lọ gốm đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh.


Sa Huỳnh là nơi khép lại của dãi đồng bằng ven biển Nam Ngãi, chạy dọc và đứt đoạn liên tục từ chân rặng Hải Vân phía bắc đến chân núi Đá Đen – đèo Cung Quăng ở phía nam.

Ở đây, những nhánh rẽ của hệ núi Trường Sơn Nam nhoài ra biển, theo hướng tây bắc – đông nam, để trở thành những mũi đá (mũi Sa Huỳnh, mũi Kim Bồng), cù lao (hòn Đụn, hòn Châu Me, hòn Dù, hòn Son,...) đồng thời kết hợp và chịu tác động với các yếu tố khác về địa hình, khí hậu, thuỷ văn (sóng, gió, cát biển, dòng suối nhỏ, thuỷ triều,…) để tạo ra các đầm nước, bàu nước (đầm An Khê, đầm Nước Mặn, đầm Lâm Bình, bàu Nú), đặc biệt là những động cát ven biển, nơi mà vào năm 1909, một nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp đã tìm thấy những mộ chum, mở đầu quá trình phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Sa Huỳnh ( The Sa Huynh culture/ La Culture Sa Huynh).

Bãi cát mịn, óng ả một màu vàng, chạy dài gần 6 km, liền bên ngoài là một vùng biển xanh biêng biếc, bên trong là những hàng dương vi vút gió, những làng chài núp dưới bóng dừa; xa hơn là lác đác sơn thôn nằm trên lưng chừng những ngọn núi thấp như núi La Vân, núi Gò Chùa, núi Đá Đen, núi Diên Trường… Đấy là những gì mà chúng ta có thể miêu tả một cách đơn giản nhất về khung cảnh Sa Huỳnh.

Đầm An Khê – một đầm nước ngọt gắn liền với khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở vùng cực nam tỉnh Quảng Ngãi.
Đầm An Khê – một đầm nước ngọt gắn liền với khu di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở vùng cực nam tỉnh Quảng Ngãi.



Thêm vào bức tranh thiên nhiên kỳ thú đó là cánh đồng ruộng muối, với những đụn muối trắng phau, những ô ruộng vuông vức, phẳng lỳ...Có thể nói rằng, tạo hoá và con người đã cùng góp bàn tay tạo tác để Sa Huỳnh trở thành một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam.

Chưa hết, biển hào phóng còn ban tặng cho Sa Huỳnh những hải vật độc đáo như tôm hùm, nhum (cầu gai), cua huỳnh đế, nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn mang phong vị ẩm thực truyền thống riêng biệt và thú vị của cư dân nơi này.

Đặc biệt, con nhum khi chế biến thành mắm (mắm nhum) từng là một trong những tiến vật mà người Quảng Ngãi dâng lên các vua nhà Nguyễn hàng năm, từ thời Minh Mạng (1830 – 1841), theo như ghi chép của Sử quán trong sách Đại Nam nhất thống chí. Dân gian gọi mắm nhum là “mắm tiến” là vì vậy.

Dĩ nhiên, nhắc đến Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học và không chỉ các nhà khảo cổ học, sẽ nhanh chóng liên hệ đến các địa danh gắn chặt với văn hoá Sa Huỳnh, đó là Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh.

Phú Khương và sự kiện năm 1909

Di tích Phú Khương thuộc thôn Phú Khương, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ. Đây là một cồn cát thoai thoải chạy theo hướng bắc nam, nằm giữa biển Đông và đầm An Khê. Di tích nầy được M.Vinet phát hiện và được nhắc đến trong niên giám 1909 của Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) với dòng chữ ngắn gọn nhưng gây ấn tượng mạnh với các nhà khảo cổ học đương thời: “một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong cồn cát ven biển vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)”. Tác giả bản thông báo, M. Vinet, đã dùng từ “un dépôt de Jarre” (một kho chum) để diễn tả nhóm di tích mà ông vừa khai quật.

Năm 1923, được sự bảo trợ của Trường Viễn Đông Bác Cổ, một phụ nữ ham thích khảo cổ học, vợ một viên thuế quan có tên là Labarre đã đến Sa Huỳnh và tiến hành các cuộc khai quật tại Phú Khương, Thạnh Đức nhằm tìm kiếm hiện vật trong các kho chum.

Tài liệu công bố của bà Labarre (hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), về sau được Parmentier giới thiệu trong một bài báo ngắn vào năm 1924. Kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học này cũng là người đưa ra khái niệm “Dépôts de jarres à Sahuynh” (Kho chum Sa Huỳnh) để chỉ các mộ chum bằng gốm được chôn với số lượng và mật độ khá cao trong cồn cát Phú Khương (1).

Năm 1934, nhà khảo cổ học nữ M. Colani được Trường Viễn Đông Bác Cổ phái tới Sa Huỳnh, khai quật ở Phú Khương và Thạnh Đức. Tại địa điểm Phú Khương, bà tìm thấy 187 mộ chum. M. Colani cũng chính là người đầu tiên trong giới khảo cổ học sử dụng thuật ngữ “La Culture Sa Huynh” (văn hoá Sa Huỳnh). Năm 1939, cũng theo sự uỷ quyền của Trường Viễn đông bác cổ, O.Jansé, một nhà khảo cổ học người Thụy Điển, lại khai quật ở Sa Huỳnh và phát hiện 84 mộ chum ở Phú Khương. Vào thời điểm kết thúc cuộc khai quật, vì những lý do nào đó báo cáo khoa học đã không được công bố. Mãi về sau, hoạt động của O.Jansé ở Sa Huỳnh, mới được tiết lộ qua một bài thông báo ngắn (2).

Có thể nói Phú Khương là một khu nghĩa địa của người Sa Huỳnh với những quan tài chum gốm chôn cạnh nhau với mật độ khá dày trên cồn cát. Các quan tài gốm có hai dạng hình trứng và hình trụ, chiều cao gần 1 mét.

Di vật Phú Khương có các loại bằng đồng thanh (chuông, lục lạc, tượng, chậu…), bằng sắt (chủ yếu là công cụ sản xuất và vũ khí) và đồ trang sức. Sưu tập đồ trang sức tìm thấy tại Phú Khương vô cùng độc đáo với các hạt chuỗi mã não và thủy tinh nhiều hình dạng (hình tròn, hình trụ, hình thoi, hình đa diện), nhiều màu sắc (xanh, đỏ, tím, hồng); khuyên tai hình vành khăn dẹt, hình vuông dẹt, khuyên tai bốn mấu nhọn và ba mấu nhọn.


Theo các nhà khảo cổ học, di tích Phú Khương thuộc giai đoạn sơ kỳ sắt, niên đại tương đối vào khoảng trước công nguyên một vài thế kỷ.


Sự kiện năm 1909 tại Phú Khương đánh dấu thời điểm bắt đầu quá trình phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, tính đến nay đã hơn 1 thế kỷ. Năm 2009, một cuộc hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Quảng Ngãi, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đồng tổ chức đã thu hút sự hiện diện của nhiều nhà khảo cổ học nổi tiếng trong và ngoài nước.


Thạnh Đức – và tên tuổi của những nhà khảo cổ học phương Tây

Thạnh Đức là di tích nằm trên một cồn cát cổ thuộc địa bàn thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, phía đông giáp biển, phía tây giáp đầm nước mặn Tân Diêm.

Đây cũng là khu nghĩa địa - mộ chum khá lớn của cư dân văn hoá Sa Huỳnh. Trong chuyến khai quật năm 1923 bà La Barre đã tìm thấy khoảng 120 mộ chum. Đến năm 1934, nhà nữ khảo cổ học M.Colani khai quật được 55 chum trong cuộc khai quật Phú Khương – Thạnh Đức.

Đồ gốm Sa Huỳnh khai quật tại di tích Long Thạnh
Đồ gốm Sa Huỳnh khai quật tại di tích Long Thạnh


Các hiện vật tìm thấy ở Thạnh Đức là quan tài chum gốm hình trụ kích thước lớn, cao gần 1m, trên có nắp đậy hình nón cụt. Các chum chôn đứng theo từng cụm, bên trong chum chứa nhiều đồ tuỳ táng, bao gồm: lục lạc, vòng tay (đồng hoặc sắt), dao, rựa, cuốc, thuổng,… bằng sắt. Hạt chuỗi ma não, đá ngọc nephrit, đồ gốm (nồi, bát hồng…) hoa văn đẹp, hình dáng thanh thoát, trang trí tô chì. Niên đại tương đối của di tích khu mộ chum Thạnh Đức tương đương với Phú Khương, vào khoảng trước công nguyên một vài thế kỷ.

Nhân đề cập đến các di chỉ khảo cổ học ở Phú Khương và Thạnh Đức cũng cần nhắc đến tên tuổi và ghi nhớ thành tựu của nhiều nhà khảo cổ học phương Tây, đặc biệt là người Pháp, đã tổ chức, tham gia các đợt khai quật khảo cổ, các chuyến khảo sát, nghiên cứu thực địa tại các di tích nói trên, tiêu biểu là M. Vinet, H. Parmentier và M. Colani.

M. Vinet (Pháp) là người đầu tiên phát hiện các mộ chum tại Phú Khương vào năm 1909, qua đó hé lộ một nền văn hoá đặc sắc của nhân loại vốn ẩn sâu trong lòng đất 2500 – 3000 năm. H. Parmentier (Pháp) kiến trúc sư tài ba đồng thời là một nhà khảo cổ học gắn trọn cuộc đời mình với các cuộc khai quật khảo cổ học ở khắp xứ Đông Dương, người trực tiếp chỉnh lý và công bố kết quả của nhà nữ khảo cổ học tài tử Labarre tại Sa Huỳnh năm 1923.

M.Colani là người phụ nữ giành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu tiền sử Đông Dương, trong đó có nền văn hoá Sa Huỳnh. Có lẽ M. Coloni là người đã khai quật nhiều địa điểm nhất, thu được nhiều hiện vật nhất trong số các nhà khảo cổ học Pháp và phương Tây từng làm việc tại Đông Dương cùng thời và nhiều năm về sau.

Bà cũng đã vận dụng nhiều môn khoa học như điạ chất học, cổ thực vật học, dân tộc học, và khảo cổ học để phục vụ công việc khảo cổ. Bà chính là người đầu tiên đưa ra các khái niệm “Văn hoá Hoà Bình” (1932), “Văn hoá Sa Huỳnh” (1934), và đã được giới khảo cổ học thế giới chấp nhận. M Colani mất năm 1943 tại Hà Nội.

Em gái của bà L. Colani, người đã cộng tác cùng bà trong hầu hết các cuộc khám phá gian nan ở Đông Dương, cũng qua đời sau đó vài tháng. Chị em nhà Colani xứng đáng được người Việt Nam cũng như người Lào biết đến và vinh danh vì đã cống hiến cả cuộc đời cho việc thám hiểm, khám phá, nghiên cứu và giới thiệu những nền văn hoá tiền sử nổi tiếng từng tồn tại ở hai đất nước này.

Long Thạnh – di chỉ cư trú và mộ táng

Tên gọi di tích này bắt nguồn từ địa danh Long Thạnh, một thôn của xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp đầm nước ngọt An Khê, phía Bắc giáp đồi cát Phú Khương. Tại đây vào các năm 1977 – 1978 Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Viện khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành liên tục hai cuộc khai quật khảo cổ học và phát hiện một khu di tích mới gọi theo tên địa phương là Gò Ma Vương hoặc Gò Diều Gà. Đây vừa là di chỉ cư trú, vừa là khu mộ táng.  Sau đó Viện khảo cổ và Viện bảo tàng lịch sử, còn có nhiều đợt khảo sát của các nhà khảo cổ học trong nước và nước ngoài.

Cuộc khai quật năm 1978 tìm thấy di chỉ cư trú có tầng văn hoá dày trên 2m và khu mộ táng có 16 quan tài chum gốm chôn đứng, phân thành từng cụm kề nhau.

Chum gốm Long Thạnh có hai loại (hình trứng và hình cầu), hầu hết có nắp đậy. Bên trong chum có chứa rất nhiều đồ tùy táng bằng đá, xương và gốm. Bộ sưu tập di vật của cư dân cổ Long Thạnh khá phong phú với công cụ sản xuất bằng đá như cuốc đá dạng “lưỡi mèo”, rìu vai, rìu tứ giác, rìu tam giác, bàn mài, dao, đục. Bộ sưu tập đồ trang sức bằng đá đa dạng gồm những khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai có mấu hình đuôi cá, , khuyên tai hình tròn dẹt có khe hở, hạt chuỗi hình đốt trúc…

Mộ chum Sa Huỳnh
Mộ chum Sa Huỳnh


Hầu hết đồ trang sức được chế tác và tạo hình công phu. Lọ gốm tìm thấy ở Long Thạnh cổ cao, miệng loe, eo cổ và bụng tròn, có chân đế hoặc không, tạo dáng cân đối, các đường cong lượn mềm mại, toàn thân bình phủ kín các kiểu hình hoa văn sóng biển.

Di tích Long Thạnh đại diện cho giai đoạn tiền Sa Huỳnh, thuộc thời đại đồ đông thanh mà trước đây giới khảo cổ học thường gọi là đồng thau, niên đại có thể tham khảo qua C14 là 1420 ± 40 năm TCN và 925 ±  60 năm TCN.

Nếu như Phú Khương, Thạnh Đức là những di chỉ khiến giới khoa học nhắc đến công lao của nhiều nhà khảo cổ học phương Tây trong giai đoạn đầu của công cuộc phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Sa Huỳnh, thì di chỉ Long Thạnh lại cho thấy các nhà khảo cổ học Việt Nam đã kế thừa xuất sắc thành tựu của các đồng nghiệp tiền bối, đồng thời có cống hiến lớn góp phần khẳng định nguồn gốc nội sinh của văn hoá Sa Huỳnh.

Di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở phía nam huyện Đức Phổ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 3457 ngày 5/11/1997.



                                               Quảng Ngãi, tháng 10/2012
                                                          Lê Hồng Khánh



(1) H. Parmentier, Dépôts de jarres à Sa huynh (Quảng Ngãi - An Nam). BEFEO Tom IX, Hà Nội, 1924.
(2) O. Jansé, Some notes on the Sa huynh comples, AP, vol III (1941)

Tài liệu tham khảo chính:
- UBND tỉnh Quảng Ngãi, Địa Chí Quảng Ngãi, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2008
- Các tham luận tại Hội thảo khoa học 100 phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh.
- Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient.

 



*Đón đọc kỳ tới; Di tích Mộ và nhà thờ Trần Cẩm

TIN LIÊN QUAN


                                     





 


CÁC TIN KHÁC
.