Bánh khoái xứ Thanh

03:08, 28/08/2012
.

Bánh khoái có phải càng ăn càng “nghiện”, càng ăn càng “khoái” hay hương vị nào khác từ bánh khoái?

Bánh khoái – Tôi không biết cái tên gọi mộc mạc ấy bắt đầu do ai đặt ra và có phải tên ban đầu là “bánh khói”, âm miền Trung đọc chệch thành bánh khoái không, nhưng tôi và bạn bè vẫn thường tự lý giải và cười với nhau rằng đây là thứ bánh làm từ nguyên liệu dân dã mà có sức hấp dẫn lớn, càng ăn càng “nghiện”, càng ăn càng “khoái” nên mới có tên gọi đó.

 



Quả thực như vậy, nguyên liệu làm bánh chỉ là bột nước xay từ gạo tẻ, rau bắp cải thái chỉ, rau cần non xanh cắt khúc và một chút tép riu đã được xào qua cho thơm mùi phưng phức nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên một thứ bánh có hương vị quyến rũ lạ kỳ.

Mỗi buổi chiều sau giờ làm, trên đường trở về nhà mấy người bạn lại í ới rủ nhau đi ăn bánh khoái. Giữa cái giá lạnh tê tái của mùa đông hay cái lạnh mơ màng của đầu xuân được ngồi quây quần bên nhau xung quanh bếp củi đỏ rực, vừa háo hức pha nước chấm, chờ đợi đến lượt chia nhau một chiếc bánh, nhấm nháp rồi lại đợi chờ thì còn gì thú vị hơn. Người bán hàng như một nghệ sĩ điêu luyện, thành thục cùng một lúc điều khiển ba chiếc bếp. Bánh khoái muốn ngon và vừa độ chỉ có thể tráng bằng bếp củi chứ nhất quyết không thể là bếp than hay bếp ga được. Cánh tay nhanh nhẹn của người bán hàng cứ nhẹ nhàng rải một lớp bột nước khắp ba chiếc bếp, tiếp đến là một lớp rau bắp cải non đã trộn rau cần, cuối cùng rắc một nhúm tép riu vàng rộm lên phía trên, đậy nắp và chờ đợi trong giây lát.

Có người thích ăn thật giòn, tôi lại thích ăn bánh khi còn mềm và nóng hôi hổi, vừa ăn vừa thổi để cảm nhận vị ngọt đậm đà của rau xanh, vị bùi bùi của tép rang và mùi thơm thiết tha của rau cần hoà trong hương gạo mới được đảo trên bếp củi đỏ hồng. Nước chấm muốn ngon nhất thiết phải làm từ nước mắm của vùng biển xứ Thanh, không quá ngọt cũng không quá gắt, cho một chút quất, một chút tiêu bắc, một chút ớt chỉ thiên thái mảnh. Chỉ mới nhìn thấy những màu sắc hoà quyện với nhau, màu xanh mát của rau, màu trắng mịn màng của lớp bột, màu vàng ruộm của tép, màu đỏ vui nhộn của ớt và làn khói nóng bốc nghi ngút đánh thức các giác quan đã khiến ta thèm thuồng.

Người ăn cảm nhận được hương vị của bánh khoái không chỉ vì vị ngon vốn có của nó mà thưởng thức bánh khoái còn được xem như một thú ẩm thực. Ăn một mình thường chỉ để làm giảm cảm giác đói bụng còn đi cùng bạn bè, cùng chờ đợi làm bánh, cùng chia nhau từng miếng nhỏ, vừa thổi vừa xuýt xoa, vừa hít hà mới thấy hết vị ngọt đậm đà của từng chiếc bánh. Hơn thế nữa, ăn bánh khoái trong những ngày đông còn cảm nhận được sự ấm áp và vị ngọt lan toả từ từ của tình cảm con người dành cho nhau. Người xứ Thanh tuy thô mộc, giản dị trong ngôn từ và cử chỉ nhưng ẩn sâu bên trong là một tấm lòng hồn hậu, chân tình. Chiếc bánh khoái xứ Thanh phải chăng cũng có chút gì đó mang một góc tâm hồn của mảnh đất ấy. Những nguyên liệu làm nên thì giản đơn, dễ kiếm, dễ tìm nhưng khi đã quyện vào nhau lại tạo nên hương vị mặn mà, càng ăn, càng yêu, càng say, càng thấm đượm nghĩa tình.

Theo Dulichvn

 


CÁC TIN KHÁC
.