Di tích chiến thắng Ba Gia

02:07, 01/07/2012
.

(QNĐT)- Ba Gia là một thị tứ nằm trên đường quốc lộ 24B (Sơn Tịnh – Sơn Hà), thuộc xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 15 km, về phía tây bắc.

TIN LIÊN QUAN


Không biết địa danh Ba Gia có từ khi nào, nhưng dựa vào gia phả và lời truyền khẩu trong các gia đình gốc Hoa hiện đang sinh sống tại thị tứ nầy thì những bậc tiền nhân của họ đã đến Ba Gia buôn bán rồi định cư, lập nghiệp từ khoảng cuối thế kỷ XIX.

Người Hoa vốn thường lựa chọn những vùng đất thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa, đặc biệt là thu mua lâm thổ sản xuất khẩu, để làm nơi cư trú. Và một khi có sự xuất hiện của người Hoa, không lâu sau đó, nơi cư trú của họ sẽ trở thành tụ điểm buôn bán sầm uất, mở ra nhiều cơ hội giao lưu giữa các nhóm cư dân trong vùng.

Bia di tích Chiến thắng Ba Gia tại núi Khỉ (núi Bìn Nin)
Bia di tích Chiến thắng Ba Gia tại núi Khỉ (núi Bìn Nin)


Vì vậy, có thể phỏng đoán, từ khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hoặc sớm hơn, Ba Gia đã là một là một vùng tụ cư và buôn bán khá sôi động ở vùng tây Sơn Tịnh.

Điều nầy cũng phù hợp với những dữ liệu về văn hóa dân gian, nhất là những câu ca lời hát của người bình dân, nhắc đến những nậu ghe, nậu nguồn, nậu hàng xén, nậu rỗi… xuôi ngược, buôn bán bằng ghe thuyền và đường bộ từ Tam Thương, Quán Cơm (hạ lưu sông Trà Khúc) lên Ba Gia, Đồng Ké (một thị tứ nằm cách Ba Gia gần 10 km, về phía tây) và xa hơn là các nguồn Sơn Hà, Trà Bồng.

Từ sau năm 1954, đặc biệt là sau cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (tháng 8/1959), địa bàn làm chủ của lực lượng cách mạng đã nống dần từ vùng núi rừng phía tây tràn xuống trung du và đồng bằng.

Ba Gia cũng như hầu hết các thị tứ miền tây Quảng Ngãi, do điều kiện an ninh, đã không còn giữ được vai trò là những trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược.

Song, với vị trí nằm trên tỉnh lộ 5 (nay là quốc lộ 24B) và các trục lộ giao thông thủy bộ nối giữa 2 vùng đông và tây huyện Sơn Tịnh, hạ lưu và thượng nguồn sông Trà Khúc, tây Sơn Tịnh và các nguồn Sơn Hà, Trà Bồng, tây Sơn Tịnh và tây Bình Sơn… nên Ba Gia nhanh chóng trở thành một địa bàn chiến lược hiểm yếu về an ninh, quân sự mà lực lượng cách mạng và đối phương đều tìm cách khống chế, làm chủ.

Đối với quân đội Sài Gòn, các cứ điểm chốt chặn ở đồn Ba Gia (nằm trên địa bàn Gò Cao, xã Tịnh Đông, liền kề phía tây thị tứ Ba Gia), Hà Thành (Sơn Hà) và Trà Bồng, liên kết thành một tam giác phòng thủ tây bắc tỉnh Quảng Ngãi.

Tiêu diệt đồn Ba Gia, gây thiệt hại đáng kể về sinh lực của đối phương, làm chủ khu tây Sơn Tịnh, phá banh hệ thống “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng về phía đồng bằng, áp sát tỉnh lỵ Quảng Ngãi là một yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp đấu tranh giải phóng cũng như sự phát triển tất yếu của các lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Quảng Ngãi và khu V.

Chiến dịch Ba Gia, còn gọi là chiến dịch Tây Sơn Tịnh đã được mở ra vào mùa hè năm 1965 là nhằm mục tiêu đó. Địa bàn triển khai chiến dịch bao gồm các huyện  Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và tỉnh lỵ Quảng Ngãi, trong đó Ba Gia là điểm then chốt.

Trận Ba Gia lịch sử mở màn vào đêm 28 rạng ngày 29/5/1965, với việc bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh nổ súng tiến công và sau 10 phút tiêu diệt 2 trung đội dân vệ phòng thủ ở “ấp chiến lược” Diên Niên và 1 trung đội lính “bộ binh cộng hòa” đóng ở khu vực núi Chợ, Lộc Thọ thuộc xã Tịnh Sơn.

6 giờ 45 phút ngày 29/5, một đại đội quân Sài Gòn (thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 51) từ đồn Gò Cao tiến về phía đông để giải tỏa áp lực cho cứ điểm, nhưng bị quân giải phóng phục kích, diệt 1 trung đội, 2 trung đội còn lại phải xin cứu viện khẩn cấp.

10 giờ 40 phút, tiểu đoàn 1 (có 2 cố vấn Mỹ) từ Gò Cao kéo xuống tiếp viện bị quân Giải phóng chặn đánh, thu hút hỏa lực của chúng về phía ở núi Tròn, núi Khỉ để nghi binh. Trong khi đó, các mũi tiến công của quân giải phóng từ Minh Thành (Tịnh Minh) bất ngờ xuất kích đánh ập từ sau lưng đối phương.

Bị chặn đầu, khóa đuôi và liên tục chịu đựng các đợt tiến công dữ dội khiến đội hình hành quân của tiểu đoàn 1 hoàn toàn rối loạn và bị quân Giải phóng tiêu diệt sau 5 giờ chiến đấu: 270 lính (trong đó có 2 cố vấn Mỹ) bị giết, 217 lính bị bắt, 1 pháo 105 ly cùng nhiều vũ khí bị tịch thu, phá hủy.

Đúng như dự đoán của Bộ chỉ huy chiến dịch, được tin tiểu đoàn 1, trung đoàn 51 bị tiêu diệt, đồn Gò Cao bị uy hiếp, Bộ chỉ huy Quân đoàn I Sài Gòn điều tiểu đoàn 39 biệt động quân từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến (đang càn quét ở Đức Phổ) hợp cùng tiểu đoàn 2 trung đoàn 51, lập thành chiến đoàn, tổ chức cứu viện, giải tỏa vòng vây, đưa lực lượng trở lại chiếm giữ đồn Ba Gia đang bị bỏ trống.

Sáng ngày 30/5/1965, từ tỉnh ly Quảng Ngãi, chiến đoàn quân Sài Gòn vừa hình thành kéo lên địa bàn xã Tịnh Hà rồi chia làm 2 cánh:

Một cánh do tiểu đoàn 39 biệt động quân đảm nhận, rẽ về phía bắc Phước Lộc, theo đường Lâm Lộc - Vĩnh Khánh lên chiếm đồi Chóp Nón (xã Tịnh Bình) hình thành thế bao vây phía sau đội hình quân giải phóng. Cánh còn lại, gồm tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 và tiểu đoàn 3 - thủy quân lục chiến theo đường số 5 Sơn Tịnh - Sơn Hà (nay là quốc lộ 24B) nhắm hướng Ba Gia thẳng tiến.

Toàn bộ ý đồ của đối phương đã bị Bộ chỉ huy chiến dịch Ba Gia nắm bắt và chủ động triển khai thế trận giăng bẫy.

14 giờ 40 phút, chiến đoàn quân Sài Gòn lọt vào đội hình phục kích của quân giải phóng. Ngay sau lệnh xuất kích, từ các hướng, bộ đội giải phóng xung phong tấn công mãnh liệt. Các đơn vị nhanh chóng thực hiện bao vây chia cắt, cô lập hai cánh quân và lần lượt băm nát từng bộ phận, bẻ gãy âm mưu phối hợp sức mạnh chiến đoàn.

Núi Chợ (xã Tịnh Sơn), nơi diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch Ba Gia.
Núi Chợ (xã Tịnh Sơn), nơi diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch Ba Gia.


Tiểu đoàn 39 biệt động quân vừa tiến lên điểm cao Chóp Nón liền bị quân quân giải phóng đánh bật xuống và tiêu diệt một số nhân mạng. Số còn lại bị ghìm chân tại chỗ. Cánh quân của tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 và tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến bị tiến công dữ dội phải dừng lại ở Phước Lộc để tổ chức đội hình đối phó.


15 giờ 28 phút, hỏa lực quân Giải phóng được lệnh tập trung bắn cấp tập vào Phước Lộc, đồng thời bộ binh đồng loạt xung phong, đánh bật quân địch xuống phía sông Trà Khúc. Đối phương dựa vào hào giao thông sẵn có để chống cự. Quân giải phóng nhanh chóng triển khai, vây hãm, đánh chiếm từng đoạn hào một cách quyết liệt.

Đến 17 giờ, tiểu đoàn thủy quân lục chiến bị tiêu diệt gần hết. Tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 bị thiệt hại nặng. Tuy vậy, số quân địch còn lại vẫn dựa vào làng Phước Lộc, điểm cao 47 và núi Chóp Nón để chống cự.

Không để đối phương kịp trở tay, ngay trong đêm 30 rạng sáng ngày 31/5/1965, quân giải phóng tập trung lực lượng, đồng loạt tập kích và chỉ sau 7 phút đã làm chủ hoàn toàn điểm cao 47 và núi Chóp Nón.

Toàn cảnh khu vực mỏm Cổ Rùa (dưới chân núi Tròn) nơi diễn ra trận đánh ác liệt trưa ngày 29/5/1965.
Toàn cảnh khu vực mỏm Cổ Rùa (dưới chân núi Tròn) nơi diễn ra trận đánh ác liệt trưa ngày 29/5/1965.


Sau 42 giờ chiến đấu liên tục, toàn bộ chiến đoàn hỗn hợp quân Sài Gòn đã bị quân giải phóng tiêu diệt với 916 lính tử thương (có 4 cố vấn Mỹ), 65 lính bị bắt, một số lớn vũ khí bị phá hủy, tịch thu. Lần đầu tiên trên chiến trường Khu V, một trung đoàn chủ lực quân giải phóng tiêu diệt một chiến đoàn hỗn hợp tinh nhuệ của đối phương.

Chiến thắng Ba Gia góp phần quan trọng đẩy nhanh sự sụp đổ của "Chiến lược chiến tranh đặc biệt" của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của quân giải phóng. Bằng nhiều phương pháp tác chiến như vây đồn diệt viện, phục kích, tập kích... phối hợp theo một ý đồ thống nhất, chỉ trong vòng hai ngày đêm, quân giải phóng đã tiêu diệt hoàn toàn chiến đoàn hỗn hợp quân Sài Gòn, có sự yểm trợ của phi pháo, đánh bại cuộc hành quân ứng cứu quy mô lớn.

Chiến thắng Ba Gia là một trang oanh liệt trong lịch sử đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quần thể di tích này gồm nhiều điểm phân bố trên địa bàn các xã Tịnh Bắc, Tịnh Sơn, Tịnh Đông, Tịnh Bình, thuộc phía tây huyện Sơn Tịnh, trong đó có các điểm chính ở núi Khỉ, cầu Miễu Ngói, núi Chóp Nón, đồi Mả Tổ, mỏm Cổ Rùa, đồn Ba Gia (còn gọi là đồn Gò Cao).

Di tích chiến thắng Ba Gia đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo Quyết định 866-QĐ ngày 20/5/1991 của Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại địa điểm mỏm Cổ Rùa (dưới chân Núi Tròn, nằm cạnh quốc lộ 24B), nơi diễn ra trận đánh ác liệt trưa ngày 29/5/1965, tượng đài Chiến thắng Ba Gia và cùng với đó là một công viên đã được xây dựng.
                                                          

    Tịnh Hà, 1/7/2012
                                                                 Lê Hồng Khánh


Đón đọc kỳ tới: Di tích khởi nghĩa Trà Bồng.

 


CÁC TIN KHÁC
.