Trương Quang Trọng- Tấm gương giữ vững khí tiết cách mạng

03:06, 29/06/2012
.

(QNĐT)- Trương Quang Trọng là một trong những thanh niên trí thức tiến bộ, giữ vai trò chủ yếu trong việc xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng bộ Quảng Ngãi và Sơn Tịnh, từng được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Ngãi. Khi bị địch giam giữ tại ngục Kon Tum, ông là một tấm gương giữ vững khí tiết cách mạng, được các thế hệ ghi nhớ, kẻ thù kính nể.

TIN LIÊN QUAN


Đồng chí Trương Quang Trọng sinh năm 1906, người làng Phú Nhơn (nay là thôn Liên Hiệp, thị trấn Sơn Tịnh). Năm 1923, Trương Quang Trọng thi đậu cao đẳng tiểu học ở Huế; năm 1925 theo học Trường thuốc (Cao đẳng Y dược) Hà Nội đã tham gia các phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh và là thành viên của tổ chức Phục Việt. Bị địch theo dõi, ông trở về quê bắt liên lạc với Hồ Độ, Nguyễn Bút, Nguyễn Nghiêm, Trần Kỳ Truyện, Lê Trọng Kha thành lập tổ chức Phục Việt (sau đổi tên là Tân Việt) Quảng  Ngãi. Tổ chức này đa số là trí thức nho học tiến bộ và thanh niên tân học.

Mộ đồng chí Trương Quang Trọng ở thôn Trường Thọ Tây, thị trấn Sơn Tịnh
Mộ đồng chí Trương Quang Trọng ở thôn Trường Thọ Tây, thị trấn Sơn Tịnh


Mùa hè năm 1927, sau khi tiếp thu nội dung chương trình, điều lệ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tập hợp trong cuốn “Đường cách mệnh”, Trương Quang Trọng cùng những thanh niên tiến bộ của Đảng Tân Việt Quảng Ngãi như Hồ Độ, Nguyễn Nghiêm… thống nhất gia nhập vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, sau đó Trương Quang Trọng được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 5/1929, đồng chí đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại Hương Cảng (Quảng Châu, Trung Quốc). Đến cuối tháng 7/1929, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi thành lập chi bộ “Dự bị cộng sản”, làm nhiệm vụ của Ban vận động thành lập Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi. Đây là bước trực tiếp chuẩn bị thành lập tổ chức cộng sản chính thức ở Quảng Ngãi để hòa nhập vào xu hướng thành lập một Đảng cộng sản thống nhất trong cả nước.

    Từ hạ tuần tháng 8 đến giữa tháng 10/1929, đa số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của tỉnh đều bị bắt, trong đó có đồng chí Trương Quang Trọng. Ở trong tù, mặc dù phải chịu bao cực hình, đau đớn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng.

Sau khi bị địch kết án 9 năm tù và đày lên ngục Kon Tum, đồng chí Trương Quang Trọng vẫn tiếp tục lãnh đạo anh em đấu tranh, phản đối những luật lệ hà khắc của nhà tù và kiên quyết chống địch bắt tù chính trị đi lao động khổ sai.

Đặc biệt, ngày 12/12/1931, tại ngục Kon Tum đã diễn ra cuộc đấu tranh lưu huyết của tù chính trị phản đối việc thực dân Pháp bắt họ phải đi làm đường ở Đắkpét. Địch thẳng tay đàn áp và bắn vào những người đấu tranh.

Khi tên đội Mulét hỏi ai là người chỉ huy, đồng chí Trương Quang Trọng đã dũng cảm bước lên hàng đầu, phanh áo và chỉ thẳng vào ngực nói: “Le voice”. Đồng chí liền bị một loạt đạn của kẻ thù bắn thẳng vào ngực. Kết quả trong cuộc đấu tranh ấy có 8 đồng chí hy sinh và một số đồng chí khác bị thương. Tấm gương gan dạ, kiên cường, dám hy sinh thân mình của đồng chí Trương Quang Trọng được các thế hệ ghi nhớ, kẻ thù kính nể.

Được biết, năm 1938 ông Đỗ Minh Châu, người đồng đội, đồng hương đã chứng kến cái chết oanh liệt của Trương Quang Trọng năm ấy, sau khi mãn hạn tù đã cùng gia đình đồng chí Trương Quang Trọng lên Kon Tum bốc mộ và tìm thấy viên đạn còn nằm trong ngực của đồng chí Trương Quang Trọng. Hiện nay mộ Trương Quang Trọng tọa lạc trên mảnh đất của họ tộc ở thôn Trường Thọ Tây, thị trấn Sơn Tịnh và đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.


Bài, ảnh: Phạm Danh
 


CÁC TIN KHÁC
.