Hoàng Tăng Bí, “nhà yêu nước nhiệt thành, vị túc nho uyên thâm…”

04:06, 27/06/2012
.

Phó bảng Hoàng Tăng Bí (1883-1939), quê ở Đông Ngạc, phủ Hoài Đức, nay là xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cùng với Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Hữu Tiến… cụ Hoàng Tăng Bí đã góp phần quan trọng vào việc sáng lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) và tổ chức hoạt động phong trào Duy tân ở Hà Nội đầu thế kỷ XX. Nhà Tổ của chi họ cụ Hoàng Tăng Bí hiện còn ở xóm 3, xã Đông Ngạc.

“Cái nôi” khoa bảng

Cụ Phó bảng cất tiếng khóc chào đời trên đất Đông Ngạc có truyền thống hiếu học. Gia tộc Hoàng ở đây có nhiều người đỗ đại khoa. Cụ Hoàng Đình Hân (1715-1789) nguyên ở làng Đông Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, làm quan tới chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thừa chính sứ xứ Tuyên Quang, kiêm thị Đông cung Thủ phiên Viện Thái y, được phong tước Gia Diễn hầu. Hoàng Nguyễn Thự là con trưởng của cụ, sinh năm 1749 tại phường Đông Các, huyện Thọ Xương, lấy con gái yêu của thầy dạy là Giải nguyên Phạm Gia Huệ ở Đông Ngạc.
 

  Ngôi nhà 2 tầng màu trắng (thứ 3 từ phải sang) là Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi cụ Hoàng Tăng Bí tham gia giảng dạy
Ngôi nhà 2 tầng màu trắng (thứ 3 từ phải sang) là Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi cụ Hoàng Tăng Bí tham gia giảng dạy


 Từ đó, đất Đông Ngạc trở thành quê hương của một chi họ Hoàng và họ Hoàng đã góp phần làm rạng danh đất khoa bảng. Cụ Hoàng Nguyễn Thự, được coi là tổ họ Hoàng Đông Ngạc, để lại hai tác phẩm thơ Di thảo tập thượng và Di thảo tập hạ, thể hiện lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc. Năm 1787, cụ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi - khoa thi cuối cùng của triều Lê, sang triều Tây Sơn giữ chức Hiệp trấn Lạng Sơn (1797-1801) và mất khi đang “diệt giặc cỏ”. Theo lời truyền lại, người gia bộc là Hoàng Trọng Đạo đã đưa thi hài cụ về an táng ở Đông Ngạc, nhà thờ tổ họ Hoàng cũng thờ bậc trung nghĩa ấy.

Nối nghiệp cha, con trai thứ ba của cụ là Hoàng Tế Mỹ (1795-1849) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất (1826), giữ chức Hữu Tham tri Bộ binh, khi mất được truy phong Thượng thư Bộ lễ. Ngôi nhà của tổ tiên để lại, cụ đã tu sửa khang trang để thờ cúng, cổng vào còn bức đại tự “Đông Hoàng Tổ miếu”.

Con trai thứ ba của cụ Hoàng Tế Mỹ là Hoàng Tướng Hiệp (1835-1885) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1865), làm Án sát Lạng Sơn rồi Tuần phủ Tuyên Quang (1877), sung Tham tán Quân vụ Đại thần. Hoàng Tăng Bí là đời thứ 5 của gia tộc họ Hoàng ở Đông Ngạc, tính từ cụ tổ Hoàng Nguyễn Thự.

Dạy quốc ngữ, mở công ty

Sinh trưởng trong gia tộc hiếu học và yêu nước, Hoàng Tăng Bí sớm đi theo tiếng gọi cứu dân, cứu nước. Năm 1906, cụ đỗ Cử nhân cũng là lúc ngọn gió canh tân từ Nhật Bản, Trung Quốc thổi vào Hà thành. Những tân văn, tân thư của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu - bạn “đồng văn đồng chủng” - bay sang đất nước Việt đau thương sau bao cuộc khởi nghĩa thất bại - đã cổ vũ, thúc giục sĩ phu yêu nước tìm đến con đường duy tân. Đầu năm 1907, Trường ĐKNT thành lập tại số 4 Hàng Đào - nhà cụ cử Lương Văn Can để khai trí cho dân, mở lớp dạy học không lấy tiền, tổ chức diễn thuyết, cổ động trong nhân dân. Trường do cụ Lương Văn Can làm Thục trưởng, cụ Nguyễn Quyền làm Giám học và tổ chức thành các ban Trước tác, Giáo dục, Tài chính, Cổ động. Cụ Hoàng Tăng Bí tham gia Ban Giáo dục, dạy Hán văn và tham gia cả Ban Cổ động.

Nhiệt tâm dạy chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho mọi người dân từ ngõ phố đến thôn quê, chỉ trong một thời gian ngắn, Trường ĐKNT đã mở được bốn phân hiệu ở cả Hà Đông và Sơn Tây. Riêng phân hiệu ở quê hương Chèm Vẽ của Hoàng Tăng Bí thì cụ trực tiếp chỉ đạo và do Tú tài Nguyễn Hữu Tiến, Thủ khoa Nguyễn Châu Đỉnh, hai anh em Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên tổ chức.

Giảng dạy khắp các vùng Chèm Vẽ, Hà Đông, cụ Hoàng còn đi diễn thuyết, cổ động duy tân, học vấn đi đôi với thực nghiệp, kinh doanh, mở mang công thương, làm cho dân giàu nước mạnh. Những diễn giả Phan Chu Trinh, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc được công chúng hâm mộ và nổi tiếng về tài diễn thuyết đi vào lòng người. Vì vậy thơ khuyết danh mới có câu: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”.

Làm gương cho dân chúng và cũng là để gây quỹ hoạt động cho nhà trường, các sĩ phu đã hùn vốn làm ăn. Cụ Hoàng Tăng Bí mở Công ty Đông Thành Xương ở tư gia của ông ngoại - cụ Nguyễn Trọng Hiệp, Kinh lược sứ triều Nguyễn và là thầy dạy vua Thành Thái - trên phố Hàng Gai, chuyên buôn bán hàng nội và mở xưởng dệt xuyến hoa, làm trà ướp, in tài liệu… Diễn ca “Nam thiên phong vận” ca ngợi: “Xã Đông Ngạc Hoàng quân Tăng Bí/Tánh thông minh tuổi trẻ khác thường/Tướng môn dòng dõi họ Hoàng/Á môn giá cũng xem thường nhẹ không/Đêm ngày dốc một lòng vì nước/Đông Thành Xương đứng trước ra buôn… Cho hay những bậc tài danh/Vì giang sơn phải dấn mình bước ra”.

Hoạt động yêu nước của ĐKNT khiến thực dân cảnh giác. Vụ đầu độc lính Pháp trong Thành Hà Nội năm 1908 làm chúng thẳng tay đàn áp. ĐKNT, “cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ”, cùng các công ty của sĩ phu hoạt động cho trường phải đóng cửa. Tháng 10-1908, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành bị kết án khổ sai chung thân; Hoàng Tăng Bí bị kết án 5 năm khổ sai đưa đi Côn Đảo. Nhờ có nhạc phụ là Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục can thiệp và bảo lãnh, sau một năm ở Hỏa Lò, cụ bị đưa đi quản thúc tại Huế 15 năm.

Truyền ngọn lửa yêu nước cho thế hệ sau và tiếp tục hoạt động văn hóa

Trong thời gian ở Huế, biến cái rủi thành cái may, cụ Hoàng dùi mài kinh sử đi thi và đỗ Phó bảng năm 1910. Ba vở tuồng ra đời sau đó: Hoa Tiên (1923), Nghĩa nặng tình sâu (1925), Thù chồng nợ nước (1927), nhà Nho dùng nghệ thuật tuồng mang tính ước lệ, bi thiết để thể hiện bao nỗi hoài vọng, bi phẫn chăng?

Sau 15 năm bị quản thúc, năm 1929, Hoàng Tăng Bí như chim bay về tổ ấm quê hương, gia đình ở Hà Nội… Nhiệt thành yêu nước chín trong tâm, muốn truyền dạy cho con em, cụ trở lại với nghề dạy học xưa, dạy Việt văn ở Trường Gia Long. Biết đây là yếu nhân của ĐKNT, Tây cấm. Cụ cộng tác với báo Trung Bắc tân văn, viết nhiều bài sâu sắc về đạo đức, nhân cách của người cầm bút trong thời đại Âu hóa với quan niệm tiến bộ của người trọng Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ngoài ra, cụ còn dịch văn học Pháp như Paul et Virginie của Bernadin de Saint Pierre, Le Comte de Monte Cristo của A.Dumas. Đặc biệt, cụ đã nghiên cứu và viết cuốn Lược khảo lịch sử Trung Quốc, lấy bút danh Tiểu Mai, mong người nước Nam soi vào gương thành bại của họ để cứu nước.

Chí khí và lòng yêu nước của Hoàng Tăng Bí ảnh hưởng lớn đến con cái. “Tôi được cụ rèn rũa cẩn thận về học vấn, về chí hướng làm người. Tôi sớm có tư tưởng yêu nước, có ý tưởng chống đối chế độ thực dân Pháp. Đấy là kết quả của những năm tháng tôi được học tập, được giáo dục một cách trực tiếp từ thân phụ tôi” - GS Hoàng Minh Giám đã viết những dòng trân trọng đầy cảm phục, kính yêu về người cha, người thầy của mình trong hồi ký của ông. Trong khi cụ Hoàng Tăng Bí còn bị quản thúc thì ông Hoàng Minh Giám đã hoạt động trong phong trào yêu nước và dân chủ của thanh niên, viết cho báo Tiếng chuông rè của Nguyễn An Ninh, Người nhà quê của Nguyễn Khánh Toàn, Nước Nam mới của Phan Văn Trường.

Trở về Hà Nội năm 1929, cụ Hoàng Tăng Bí còn là trụ cột vững chắc cho tư tưởng và hành động của ông Hoàng Minh Giám khi quyết định mở trường tư thục Thăng Long năm 1935. Trong lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập trường, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã viết: “Trong thâm tâm của anh em chúng tôi, cái danh từ nền tư thục gợi nhớ đến Đông Kinh Nghĩa Thục… Chúng tôi thầm nghĩ Trường Thăng Long phải xứng đáng là một nghĩa thục theo gương Đông Kinh Nghĩa Thục nhưng phải khôn khéo để có thể tồn tại lâu dài”. Các giáo sư Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám… đã đào luyện hàng nghìn học trò yêu nước đi theo con đường cách mạng.

Cụ Hoàng Tăng Bí bình yên về với tổ tiên ở quê hương Đông Ngạc ngày 7-2-1939 (âm lịch). Nhà báo Phạm Huy Lục viết trên tờ Nước Nam mới: “Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước con người thực sự đúng là trong sạch, nhà yêu nước nhiệt thành, vị túc nho uyên thâm là cụ Hoàng Tăng Bí”.

Cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí là một nhà văn hóa của Hà Nội đầu thế kỷ XX, một lãnh tụ của ĐKNT đã có nhiều đóng góp cho phong trào yêu nước với những hoạt động canh tân, đổi mới văn hóa trên cơ sở gìn giữ văn hóa dân tộc. Thiết nghĩ, một đường phố được mang tên cụ sẽ là sự thể hiện cần thiết lòng tri ân của thành phố với bậc tiền nhân.


Theo HNM
 


CÁC TIN KHÁC
.