Hữu tướng quốc Nguyễn Xí

01:05, 13/05/2012
.

Ba năm trước khi miền Hà Nội được vua Lê Thái Tổ ban tên đẹp “Đông Kinh”, danh tướng Lam Sơn khởi nghĩa, công thần triều Lê sơ: Nguyễn Xí, thật ra, đã chính thức là “người Đông Kinh” rồi. Ấy là khi ông đem cả cuộc sống của mình lần đầu tiên đặt cược vào và gắn bó với sứ mạng giải phóng đất và người nơi đây, vừa khỏi ách chiếm đóng của giặc Minh, vừa khỏi mang cái tên Đông Quan do chúng áp đặt, bằng một trận đánh tử sinh, quyết liệt.

Bấy giờ là tháng ba năm Đinh Mùi (1427). Chiến dịch bao vây, tiến công và giải phóng Đông Quan của nghĩa quân Lam Sơn đã bước sang giai đoạn thứ ba, với những diễn biến, giằng co giữa ta và địch hết sức phức tạp. Ngày 4/4/1427, chủ tướng của giặc Minh là Vương Thông, thân dẫn một đạo binh tinh nhuệ, từ trong toà thành Đông Quan đang bị quân ta bao vây, nống ra tập kích vào doanh trại Tây Phù Liệt (Ngũ Hiệp - Thanh Trì) của nghĩa quân Lam Sơn trên vành đai bao vây phía nam. Tướng Nguyễn Xí cùng tướng Đinh Lễ, được lệnh dẫn hơn 500 quân Thiết Đột, kéo nhanh đến tiếp ứng. Vương Thông đang chưa đánh nổi Tây Phù Liệt, thấy bên ta có viện binh, vội thu quân chạy lộn về thành. Đang đà đánh hăng, Nguyễn Xí và Đinh Lễ lập tức thúc voi trận, dẫn đầu nghĩa quân, đuổi theo. Đến địa phận Mi Động (nay là phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng, khoảng chỗ bây giờ vẫn còn địa danh: Đống Cầu Voi), kẻ địch thấy nhóm quân truy sát của ta quả là chỉ có thưa ít người, bèn quay lại, dùng số đông áp đảo, vây đánh. Trận chiến không cân sức diễn ra ngay trên cánh đồng lầy. Voi trận xoay sở giữa bùn nước rất khó khăn, lại thêm quân địch bắn tên, phóng giáo như mưa, cả Nguyễn Xí lẫn Đinh Lễ đều bị rơi khỏi bành voi. Giặc ùa ngay tới, bắt sống.

Sau đó, tin dữ báo về quân doanh Bồ Đề (Gia Lâm) của chủ tướng nghĩa quân Lam Sơn, Bình Định vương Lê Lợi: tướng Đinh Lễ đã bị giặc Minh sát hại. Còn tướng Nguyễn Xí thì không rõ số phận ra sao... Liền đấy, mấy đêm ròng, trời đổ mưa tầm tã. Giữa một đêm mưa to gió lớn như thế, bỗng lại có tin: tướng Nguyễn Xí đã trở về đến quân doanh. Thì ra, bị giặc giam trong ngục kín, Nguyễn Xí đã thừa lúc gió mưa tối trời trốn thoát. Bình Định vương Lê Lợi cả mừng, vừa vỗ án, vừa thốt lên những lời tự đáy lòng: “Sống lại! Thật là sống lại!”

Từ buổi “sống lại” ấy, vị tướng đã một lần sống chết gắn bó với thành đô Đông Kinh ấy, còn tiếp tục lập công đánh giặc - đặc biệt là ở trận Xương Giang (Bắc Giang), sát cánh cùng các tướng Lê Sát, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú với lực lượng 3.000 quân Thiết Đột cùng 4 thớt voi dưới cờ, kết thúc vẻ vang chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang vào cuối năm 1427 - quét sạch giặc Minh xâm lược khỏi bờ cõi.

Mùa xuân Mậu Thân (1428) đại thắng, Lê Lợi lên ngôi Thuận Thiên hoàng đế. Theo vua Thái Tổ nhà Lê tiến nhập kinh đô giải phóng, tướng Nguyễn Xí một lúc được nhận: “quốc tính họ Lê, danh hiệu “Khai quốc công thần”, đồng thời: chính thức sống và làm quan ở giữa đô thành Đông Kinh, với chức vị Long hổ thượng tướng quân.

Năm năm sau, Lê Thái Tổ băng hà. Cùng với quan Đại tư đồ Lê Sát - đứng đầu nhóm đại thần nhận ủy thác phò tá thái tử Lê Nguyên Long khi ấy 11 tuổi lên ngôi - Nguyễn Xí trở thành phụ nhiếp chính triều đình, và từ năm 1437 làm quan Tham tri chính sự của vua trẻ Thái Tông nhà Lê ở Đông Kinh. Trong cuộc khủng hoảng triều chính những năm cuối thời Lê Thái Tông, các đại thần tranh giành, hãm hại lẫn nhau, Nguyễn Xí may mắn được yên lành, nên khi vua Thái Tông mất bất đắc kỳ tử năm 1442 ở “Vụ án Lệ Chi Viên”, để lại ngai vàng cho hoàng thái tử Lê Bang Cơ mới chưa đầy 2 tuổi, thì người được nhận di chiếu, ủy thác việc phò ấu chúa kế vị ngôi vua - trở thành hoàng đế Lê Nhân Tông - chính là Nguyễn Xí, cùng với Thiếu bảo, Tham tri chính sự Trịnh Khả, Nhập nội Đại đô đốc Đinh Liệt...

Nhưng đến những rối loạn cung đình, tiếp tục ở thời Lê Nhân Tông, thì Nguyễn Xí không tránh được liên lụy nữa. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép việc năm 1445: “Nhà vua còn nhỏ tuổi, hoàng thái hậu coi giữ triều chính, cất nhắc những người thân thích họ hàng lên làm việc. Vì thấy Lê (Nguyễn) Xí không ăn cánh với mình, nên ghét bỏ ông. Bấy giờ có việc đi đánh Chiêm Thành. Xí đã vâng lĩnh mệnh lệnh, nhưng chưa đi, bị kẻ quyền thần tố cáo, buộc vào tội chết”. Rất may là ngay khi ấy: “Triều đình cho rằng Xí là bậc kỳ cựu, có công lao, nên chiếu cố theo bát nghị trong luật lệ”. Vì thế, Nguyễn Xí đã chỉ bị cách chức Nhập nội Đô đốc (hàm chánh nhị phẩm) đuổi về quê quán Thượng Xá - Chân Phúc (nay là Nghi Hợp - Nghi Lộc - Nghệ An), tạm mất quyền làm “người Đông Kinh” trong 3 năm.

  Đền thờ Nguyễn Xí trên quê hương ông ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Đền thờ Nguyễn Xí trên quê hương ông ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An


Đến 1448, tình hình triều chính dần dần ổn định hơn, mà các bậc công, cựu đại thần thì cũng ngày càng thưa vắng, cho nên, giữa cung đình Đông Kinh, lại thấy Nguyễn Xí xuất hiện. Và còn với cả tư thế đĩnh đạc hơn trước: được dự vào hàng “Tam Thiếu”, phụ trách chính quyền cấp cao, với chức vụ: Thiếu bảo, Tri quân dân sự (hàm tòng nhất phẩm).

Trải tiếp mười năm phục vụ triều vua Lê Nhân Tông ở kinh đô, Nguyễn Xí đã được vinh thăng tới chức Thái bảo, dự vào hàng “Tam Thái” (hàm chánh nhất phẩm), thì bất ngờ xảy ra vụ “đảo chính cung đình” trọng đại: Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết em trai 19 tuổi - chính là hoàng đế Lê Nhân Tông - để cướp ngôi.

Sự biến xảy ra vào một đêm tháng mười năm Kỷ Mão (1459). Từ đấy cho đến tháng sáu năm Canh Thìn (1460) là 8 tháng tang tóc và bi thương của triều đình Đông Kinh. Ngụy vương và loạn thần thì đắc chí, còn các trung thần nghĩa sĩ thì náu mình, ẩn nhẫn, lo và chờ dịp khôi phục quốc thống.

Thái bảo Nguyễn Xí ở trong số đó. Ông xin nghỉ việc quan, lấy cớ già lão đau mắt đến mù, ở yên trong dinh. Nhưng bọn phản thần không lấy thế làm yên, ra sức rình mò, kiểm soát, khiến bậc tôi trung phải rất vất vả đối phó. Sự tích dòng họ Nguyễn ở Nghi Hợp (Nghi Lộc - Nghệ An) kể rằng: Có lần bọn phản tặc đã dùng đến cách vô cùng độc ác để thử xem có phải Nguyễn Xí mù thật hay không. Chúng chờ lúc vị lão thần sắp bước chân qua bậc cửa, thì lén đem đặt đứa con nhỏ - chưa đầy một tuổi - của ông ngay dưới thềm. Nguyễn Xí biết rõ, nhưng đành cắn răng dẫm chết con, để chúng tin chắc là mình thật sự bị mù!

Nhờ giỏi ngụy trang như thế, mà Nguyễn Xí trở thành được người đứng đầu nhóm trung thần nghĩa sĩ, cẩn trọng bí mật soạn sửa cuộc “phản đảo chính” diệt trừ kẻ tiếm ngôi Lê Nghi Dân và bè lũ vây cánh, đứng đầu là các tên Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng... Và thời cơ đã đến: “Ngày 6 tháng sáu (năm 1460) - Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: - các đại thần là Thái bảo Lê (Nguyễn) Xí và Lê (Đinh) Liệt, Nhập nội Kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự Lê Lăng, Nhập nội Đại hành khiển Lê Vĩnh Trường, Xa kỵ vệ đồng Tổng tri Lê Niệm, Ngự tiền hậu quân Tổng tri Lê Nhân Thuận, bàn định với nhau rằng: “Lạng Sơn vương Nghi Dân câu kết với tên Đồn, tên Ban, dám làm việc giết vua cướp ngôi, tức là hạng ác nghịch nhất nước. Chúng ta, mang danh nghĩa là những bầy tôi có công lao với kẻ giết vua cướp ngôi, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng được nữa”. Sau khi ở trong triều lui ra, các đại thần đều ngồi cả tại nhà Nghị sự. Bọn Lê (Nguyễn) Xí đứng đầu, xướng xuất việc nghĩa, trước hết giết tên Đồn, tên Ban ở ngay trước nhà Nghị sự, sau đóng các cửa thành lại, rồi sai bọn Nhân Thuận thống lĩnh cấm binh, bắt đảng phản nghịch là lũ Trần Lăng hơn một trăm người, đều giết hết. Các đại thần định nghị: truất Nghi Dân làm Lệ Đắc hầu, bắt phải thắt cổ tự tử”.

Sau đó thì đến việc lập lại trật tự triều chính. Vẫn có Nguyễn Xí là người đứng đầu, các đại thần đã tìm được hoàng tử Lê Tư Thành trong hoàng tộc nhà Lê và quyết định đưa lên ngôi. Ngày thứ ba - tính từ hôm nổ ra cuộc diệt trừ nghịch đảng - mồng 8 tháng sáu (1460), Lê Tư Thành được làm lễ đăng quang ở điện Tường Quang trong hoàng thành Đông Kinh, chính thức ban bố niên hiệu: Quang Thuận - niên hiệu sẽ còn được dùng trong 10 năm đầu của đại cuộc trị vì 38 năm, với nhiều thành công, của vị hoàng đế tài danh: Lê Thánh Tông.

Dễ hiểu vì sao, sau đấy và từ đấy, Nguyễn Xí được hoàng đế Lê Thánh Tông hết sức nể vì, tưởng thưởng. Trong tháng sáu năm 1460, từ vị trí là Thái bảo, Nguyễn Xí đã được lên hàng Thái phó đứng thứ hai trong “Tam Thái”, kèm hai chữ tin cẩn: “Nhập nội” và giữ chức Bình chương quân quốc trọng sự (tức Tể tướng), với tước phong Á quận hầu. Đến tháng Mười năm ấy chính thức luận công khen thưởng, tước hiệu của Nguyễn Xí đã được vinh thăng thành Quỳ Quận công (tức: Quận công phủ Quỳ Châu). Ngự chế của nhà vua ban cho Nguyễn Xí, dệt gấm thêu hoa chẳng những công lao mà còn cả tính cách người lập công: “Xướng đại nghĩa để trừ kẻ hung tàn, ngươi đã có công như công yên được nhà Hán; lấy ngôi thượng công mà ban phong thưởng ngươi đáng được cái vinh dự cắt đất phân phong... Giữ mình có đạo, hồn nhiên như viên ngọc không lộ sáng; nghiêm sắc mặt ở triều, lẫm liệt như thanh kiếm mới tuốt... Lúc nước có biến phi thường, chỉ mình ngươi lo cứu vãn. Ngươi thực là bề tôi trung ái của ta...”.

Được thừa nhận là “bề tôi trung ái”, không chỉ của Lê Thánh Tông, mà còn trải liền bốn đời hoàng đế triều đại Lê sơ: từ Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông đến Thánh Tông, trong vòng hơn 30 năm làm người Đông Kinh, như Nguyễn Xí, quả là không dễ dàng. Những danh thần cũng từng là “bề tôi trung ái” và “bằng vai phải lứa” với Nguyễn Xí, thì chẳng hạn như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú... ngay từ đời Thái Tổ đã phải “ngậm cười nơi chín suối”. Các Đại tư đồ, Đại đô đốc như Lê Sát, Lê Ngân cũng đã mất mạng trong đời Thái Tông. Đến như thiên tài Nguyễn Trãi mà cũng bị nạn “tru di tam tộc” trong buổi giao thời Thái Tông - Nhân Tông. Và chỉ mới đây thôi, không khéo trong việc mưu đồ trừ diệt phe cánh Lê Nghi Dân, nhóm các đại thần Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Ngang, Lê Thụ, cũng đã bị sát hại!

Càng không còn mấy ai nữa, từng cùng thời với Nguyễn Xí, từ thuở “nằm gai nếm mật”, “vào sinh ra tử” trong suốt 10 năm đương đầu với lũ quan quân nhà Minh “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống hầm tai vạ” hết lâm cảnh: “Linh Sơn lương cạn mấy tuần, Khôi Huyện quân không một lữ”, lại xông pha: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, đặc biệt là những dũng tướng đã cùng Nguyễn Xí đánh trận: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, Tốt Động thây phơi đầy nội”...

Vì thế ở vào tuổi 68, vinh hoa phú quý đã đến tột đỉnh ở giữa đô thành Đông Kinh, với chức vụ Hữu tướng quốc. Khi lâm bệnh nặng vào năm Giáp Thân (1464), Nguyễn Xí chắc cũng đã tự biết thanh thản phận mình, nhất là lại còn được cả lời hạ cố dỗ dành chí tâm chí tình của hoàng đế Thánh Tông: “Công người trẫm chưa chút báo, bệnh ngươi sao lại liên miên? Ngươi nghĩ đến nước, thì hãy cơm cháo cố mà điều dưỡng. Ngươi lo đến trẫm, thì hãy thuốc men, dù tê đắng cũng gắng mà uống...”

Vì thế tháng mười mùa Đông năm Ất Dậu (1465) thọ 69 tuổi, Nguyễn Xí thung dung nhắm mắt lìa đời, giữa cảnh: “Nhà vua (Lê Thánh Tông) thương xót mãi, truy tặng chức Thái sư, đặt cho tên thụy (tên đẹp) là Nghĩa Vũ sau được gia phong tước Cương Quốc công”.


Theo Danh nhân Hà Nội
 


CÁC TIN KHÁC
.