Lên non "săn" ốc đặc sản

10:04, 13/04/2012
.

(QNg)- Trước đây, ốc đá được coi là món của nhà nghèo. Nay không hẳn vậy, cùng với rau ranh, cá niên... giờ đây ốc đá đã trở thành một trong những đặc sản của vùng miền núi Quảng Ngãi được nhiều người biết đến.

TIN LIÊN QUAN


Ốc đá có ở hầu hết các sông, suối thuộc các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh ta, nhưng theo nhiều người, ốc đá có nhiều nhất ở dọc sông Trà Bồng. Gọi là ốc đá vì loại ốc này thường bám vào các tảng đá dưới mặt nước, ăn rong rêu trên đá mà sống. Đây chính là chỗ trú ngụ sinh sôi nảy nở của ốc đá. Ốc to bằng ngón tay, có màu đen. Ốc sống ở sông thì thân tròn còn sống ở suối thì thân dài hơn.

Nghề của người nghèo

Hành nghề bắt ốc đá trên 10 năm nay, chị Hồ Thị Thơm ở xã Trà Thủy cho biết: Ốc đá có quanh năm, nhưng chủ yếu là mùa nắng, khoảng tháng 4-5 ốc đá có nhiều nhất. Vì mùa nắng ốc nổi lên, mùa mưa ốc lặn sâu dưới đáy sông suối, khó bắt. Thường từ khoảng trưa đến xế chiều, ốc nổi lên ăn trên đá, người đi bắt chỉ việc nhặt, lượm. Cũng có khi phải mò vào các khe đá hoặc lặn xuống lòng sông để bắt. Nhờ bắt ốc đá, mà chị có thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống gia đình. Bình quân mỗi ngày hai vợ chồng chị bắt được khoảng 20- 30 lon ốc. Ốc bắt xong đem về rửa sạch, bán cho hàng quán hoặc bán cho thực khách mang về chế biến thức ăn. Ở đây người ta không bán theo kg mà bán theo lon, với giá 7000 đồng/lon, mỗi ngày hai vợ chồng chị kiếm được khoảng trên 100 nghìn đồng.

Món ốc đá đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người.
Món ốc đá đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người.


 Cùng hành nghề bắt ốc như chị Thơm, vừa mang số ốc hơn 40 lon bán cho các tiểu thương, bà Hồ Thị Nên ở xã Trà Thủy vừa cầm tiền, vừa bảo: Để có bấy nhiêu ốc, không phải đơn giản. Muốn bắt được nhiều ốc thì phải đi ban đêm và dùng đèn pin để bắt. Trước đây, dọc sông Trà Bồng có rất nhiều ốc, nhưng bây giờ ốc ngày càng cạn kiện, do nhiều nguời dùng xung điện để chích cá khiến ốc chết, hơn nữa do ốc có giá nên nhiều người đua nhau bắt, kể cả ốc lớn ốc nhỏ vì vậy ốc không sinh sản kịp.

Theo ước tính của bà Nên, hiện tại có khoảng vài chục người hành nghề bắt ốc đá, chủ yếu là những bà con đồng bào nghèo, không có việc làm. "Người bắt thì nhiều trong khi ốc thì ngày một ít đi. Để bắt được ốc, giờ đi càng ngày càng xa, phải lên thượng nguồn sông Trà Bồng, có khi đi đến cả khu vực giáp ranh huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam, xa cả chục cây số. Nhiều lúc đi 2,3 ngày mới về. May mắn, có ngày có thể bắt được vài chục lon, kiếm khoảng 50-70 nghìn, cũng có ngày đi mãi mà chẳng bắt được con nào, đành về không"- bà Nên cho biết. So với người lắm tiền thì khoản thu vài ba chục ngàn/ngày  chẳng thấm vào đâu, nhưng với  nhiều bà con dân tộc thiểu số, đó là số tiền có ý nghĩa.

Đặc sản của núi

Trước đây, đồng bào ở vùng miền núi bắt ốc dùng làm nguồn thực phẩm hằng ngày của mình. Món ốc được coi là món của nhà nghèo. Thế nhưng, trong thời buổi "thịt cá đủ đầy" thì "món ăn nhà nghèo" này lại được nâng lên hàng đặc sản. Có lẽ chính cái vị ngọt thanh, mang hương vị của núi rừng là lạ đã kéo người ta đến với món ốc đá dân dã. Nếu như trước kia ít người biết đến, thì giờ đây ốc đá đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người.

Chưa kể các hàng quán, chỉ tính riêng đoạn đường giáp giới giữa xã Trà Phú và thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), dọc 2 bên đường đã có trên 10 điểm bán ốc đá còn sống. Bà Vy Thị Thủy (58 tuổi), một người chuyên bán ốc đá ở đây cho biết: Bà mua ốc đá của những người đi bắt ở khắp nơi thu gom về để bán. So với trước đây thì lượng khách tìm mua ốc đá giờ nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày bà bán từ 120 - 150 lon ốc, nhiều khi không có ốc để bán. Chủ yếu khách mua về thưởng thức và mang về thành phố làm quà cho bè bạn.

Bà Thủy cho biết, ốc đá có thể chế biến nhiều kiểu khác nhau, nhưng có lẽ  món ốc đá xào rau gianh và món canh rau ranh ốc đá được nhiều người ưa thích nhất. Món ăn kết hợp rau ranh - ốc đá chứa đựng vị ngọt, vị mát, vị béo và bốc mùi thơm ngan ngát cái hương vị của đại ngàn có sức hấp dẫn, cuốn hút không dễ gì quên được.    


   Bài, ảnh: Ngọc Đức
 


CÁC TIN KHÁC
.