Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Còn nhiều bất cập

03:03, 28/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm (GSGC) như: Lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm A/H5N6... đã xuất hiện và có nguy cơ lây lan ra diện rộng ở các tỉnh, thành trong cả nước, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng... Tuy nhiên, công tác ứng phó vẫn còn nhiều bất cập, cần được chấn chỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, tháng 1.2020, dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại một cơ sở chăn nuôi ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) làm chết và buộc tiêu hủy 1.088 con. Dịch LMLM xuất hiện tại 73 xã, phường thuộc 9 huyện, thành phố (trừ huyện Lý Sơn, Sơn Tịnh và Ba Tơ) làm 3.198 con gia súc mắc bệnh (88 con chết).
 
Ứng phó với dịch bệnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thành lập 3 đoàn công tác đến các địa phương có dịch và nguy cơ cao, để hướng dẫn, đôn đốc và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đến thời điểm này, dịch bệnh GSGC trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và kiểm soát. Ở các địa phương không xuất hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm, chữa khỏi cho 3.110/3.198 con gia súc mắc bệnh LMLM, 65/73 xã có gia súc hết triệu chứng bệnh LMLM. 
 
Nhân viên thú y phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: P.V
Nhân viên thú y phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ảnh: P.V
 
Tuy nhiên, hiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chính quyền các địa phương và ngành liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó. Dù vậy, một số địa phương vẫn chủ quan, lơ là, chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, tiêm phòng vắcxin phòng bệnh. Vì thế, dù công tác tiêm vắc xin phòng bệnh đợt 1.2020 cho đàn GSGC đã triển khai thực hiện được 20 ngày, nhưng tỷ lệ đạt thấp. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng GSGC phải đạt trên 80% tổng đàn trở lên mới đảm bảo khả năng miễn dịch, hạn chế nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô: “Phòng, chống dịch bệnh GSGC là nhiệm vụ chung”
 
Nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh (chủ yếu bệnh LMLM và cúm gia cầm A/H5N6) trên đàn GSGC thấp là do chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt, thậm chí lơ là trong công tác chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, khi triển khai công tác tiêm phòng vắc xin, địa phương cũng không thống kê chính xác số lượng GSGC trong diện tiêm phòng.
 
Ngoài ra, theo quy định phân cấp của tỉnh, các địa phương có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn GSGC 2 đợt/năm; đồng thời duy trì lượng vắc xin dự phòng, vừa phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch, vừa đảm bảo có nguồn vắc xin cung ứng dịch vụ cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu, để tiêm phòng bổ sung đối với đàn GSGC mới. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số địa phương chưa thực sự chú trọng và quan tâm đến công tác dự trữ vắc xin dự phòng, hoặc chưa thông tin đầy đủ về yêu cầu tiêm phòng bổ sung để phòng dịch... Vì vậy, dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ, hoặc không cung ứng kịp thời nguồn vắc xin, để hộ chăn nuôi tiêm đúng, đủ số lượng thực tế tổng đàn gia cầm.
 
Bên cạnh đó, dù Luật Thú y đã có hiệu lực, nhưng nhiều địa phương, ngành liên quan lại “thả nổi”, khiến công tác phát hiện và giám sát dịch bệnh chưa kịp thời; báo cáo tình hình dịch bệnh chưa đúng quy định; việc xử lý các ổ dịch chưa triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; công tác khoanh vùng, cảnh báo và quản lý ổ dịch còn lỏng lẻo... đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả ứng phó và phòng chống dịch GSGC.
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ: “Sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực thú y trước và sau khi sáp nhập”
 
Từ 1.1.2019, các Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) và Trạm Khuyến nông đã được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (Trung tâm), trực thuộc UBND các huyện, thành phố. Việc sáp nhập này đã phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn, cũng như hiệu quả ứng phó với dịch bệnh GSGC. Bởi thay vì có 4 cấp (từ trung ương đến xã, phường, trị trấn) như Luật Thú y, thì sau khi sáp nhập, ngành thú y chỉ còn 2 cấp (trung ương và tỉnh).
 
Trước đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh rất thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin, điều hành lực lượng cán bộ thú y cơ sở tham gia ứng phó với dịch bệnh nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, cán bộ thú y do UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, nên khi xảy ra dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các phương án dập dịch, vì không trực tiếp chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện như trước.
 
Một bất cập nữa là, sau khi sáp nhập, chính quyền nhiều địa phương bố trí cán bộ thú y cơ sở làm việc kiêm nhiệm, không có chuyên môn thú y, nên lúng túng trong việc triển khai công tác tiêm phòng vắc xin, tư vấn, hướng dẫn cách phòng bệnh GSGC cho người dân. Thực hiện Chỉ thị 12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản 985 của UBND tỉnh, sắp tới Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tiến hành rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của lĩnh vực thú y sau khi sáp nhập. Trên cơ sở đó, sẽ tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh có hướng kiện toàn lực lượng, chức năng và nhiệm vụ theo Luật Thú y, đảm bảo hiệu quả hoạt động.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung: “Xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm”
 
Dù đã được ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân, chủ yếu là những hộ chăn nuôi vịt thịt, vịt đẻ trứng không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó, tình trạng người dân ở nơi hay tái phát ổ dịch cũ còn chủ quan, chưa phối hợp chặt chẽ với ngành chăn nuôi và thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Điều này khiến công tác tiêm phòng vắc xin không đảm bảo quy định của cơ quan thú y là tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và đúng thời điểm.
 
Chấn chỉnh tình trạng trên, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức xử lý phòng chống dịch GSGC theo đúng quy định. Đối với những hộ chăn nuôi không tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC thì phải ký cam kết, nếu GSGC bị mắc bệnh sẽ chịu toàn bộ kinh phí phòng chống dịch và không được hỗ trợ thiệt hại. Với những trường hợp giấu, hoặc báo cáo không đầy đủ, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân và cộng đồng sẽ bị xử lý nghiêm theo Luật Thú y.
 
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) Đào Thanh Công: “Tăng cường tập huấn kỹ thuật cho cán bộ thú y cơ sở”
 
Để giảm số cán bộ không chuyên trách, xã phải lồng ghép các chức danh, trong đó có chức danh thú y cấp xã. Dù biết việc kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh GSGC, do phần lớn cán bộ thú y không có trình độ chuyên môn, lại không có nhiều thời gian bám sát cơ sở, nhưng xã cũng chưa biết phải giải quyết như thế nào. Vì vậy, chúng tôi mong ngành chức năng tăng cường mở lớp tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở, trong đó có cả những cán bộ thú y mới kiêm nhiệm.
 
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa Lương Văn Mùi: “Công tác phòng, chống dịch kém hiệu quả vì thiếu hành lang pháp lý”
 
Đến thời điểm này, Trung tâm đã hoàn thành việc tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao; khu vực tập trung cơ sở chăn nuôi, buôn bán và giết mổ GSGC... ở các địa phương trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng vắc xin trên đàn GSGC đợt 1 đạt tỷ lệ khá thấp, chỉ mới thực hiện 7.525/11.700 liều vắc xin LMLM và 49 nghìn/153 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm. Nguyên nhân chính là do sau khi sáp nhập về Trung tâm, cán bộ thú y kiêm nhiệm quá nhiều việc, không đáp ứng chuyên môn, không có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.
 
Hơn nữa, đặc thù của lĩnh vực thú y là vừa làm, vừa phát hiện, vừa xử lý sai phạm. Trong khi đó, Trung tâm chỉ thực hiện những chức năng, nhiệm vụ được giao, chứ không có quyền hạn kiểm tra, kiểm soát và xử lý những sai phạm trong việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ GSGC. Chính sự lỏng lẻo, chồng chéo này đã làm cho hiệu quả phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm phòng và tiêu độc khử trùng kém hiệu quả hơn so với trước.
 
  M.Hoa 
(thực hiện)
 

.