Khắc phục "thẻ vàng" thủy sản": Chớ xuê xoa, hình thức

09:03, 05/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 10.2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, do vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Sau hai lần kiểm tra, đến nay, EC vẫn chưa gỡ “thẻ vàng”. Dự kiến đầu tháng 6.2020, EC sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện các giải pháp chống IUU, trước khi quyết định gỡ, giữ “thẻ vàng”, hay tăng mức “thẻ đỏ”.
Sau hai đợt kiểm tra của EC (lần gần nhất là từ ngày 5 - 14.11.2019), EC vẫn chưa gỡ “thẻ vàng” IUU đối với thủy sản Việt Nam. Thậm chí, EC cảnh báo sẽ nâng mức “thẻ đỏ” do mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 42/2019 còn nhẹ so với khu vực và thế giới; việc triển khai các nội dung của Luật Thủy sản vẫn chưa đạt hiệu quả như cam kết, giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá còn nhiều lỗi kỹ thuật; quy mô đội tàu của cả nước còn lớn, dẫn đến tình trạng nguồn lợi thủy sản bị khai thác cạn kiệt...
 
Nguyên nhân là một số địa phương chưa quyết liệt trong việc thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ và các khuyến nghị của EC. Trong đó, Quảng Ngãi là tỉnh có kết quả thực hiện các giải pháp chống IUU kém nhất trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước. 
 
Kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC đạt thấp, trong đó có việc ngư dân phớt lờ các quy định về neo đậu, thông báo xuất nhập cảng.
Kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC đạt thấp, trong đó có việc ngư dân phớt lờ các quy định về neo đậu, thông báo xuất nhập cảng.
 
Trong các khuyến nghị của EC, Quảng Ngãi chỉ đạt một phần nội dung về kiểm soát hoạt động tàu cá, khi từ năm 2017, không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển các quốc đảo ở Thái Bình Dương và Australia. Đáng lưu ý là vẫn còn tình trạng tàu cá Quảng Ngãi vi phạm vùng biển các nước trong khu vực; tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá chậm nhất cả nước, hiện chỉ thực hiện 276/3.375 thiết bị (8,27%), trong đó tàu có chiều dài từ 24m đã hết thời hạn lắp đặt, nhưng hiện chỉ thực hiện 57/174 thiết bị; thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản chưa đúng quy trình, hồ sơ chưa đảm bảo độ tin cậy; chưa có cảng cá đáp ứng các tiêu chí của cảng cá loại 2 theo Luật Thủy sản...
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU Phùng Đức Tiến: “Quảng Ngãi cần kiên quyết trong việc thực hiện các giải pháp chống IUU”
 
Quảng Ngãi cần chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương nắm chắc số lượng tàu cá, danh sách chủ tàu cố tình vi phạm, để có hướng xử lý. Bởi, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là một trong những tiêu chí hàng đầu, để EC quyết định gỡ “thẻ vàng” thủy sản, nên tỉnh cần khẩn trương thực hiện, đặc biệt ưu tiên cho tàu có chiều dài từ 24m trở lên. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT phải chấn chỉnh tình trạng chủ tàu không chấp hành viết nhật ký khai thác, không thực hiện việc thông báo cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá ít nhất 60 phút trước khi tàu cập cảng... Riêng vấn đề hồ sơ xác nhận nguyên liệu thủy sản cho các tàu cá có tình trạng tẩy xóa, số liệu bị “vênh” giữa khai báo và thẩm định... Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục.
 
Liên quan đến vấn đề đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng các cảng cá, Trung ương chỉ bố trí đầu tư đối với cảng cá cấp vùng và cảng cá loại 1; còn cảng cá loại 2 thì địa phương bố trí. Chính vì vậy, Quảng Ngãi cần khẩn trương bố trí hoặc ghi vốn đầu tư nâng cấp 4 cảng cá loại 2, đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Luật Thủy sản. Trong đó, ưu tiên đầu tư gấp các hạng mục thiết yếu, như: Nhà phân loại cá và mái che, vệ sinh cảng cá, trang thiết bị tại Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, hệ thống cơ giới hóa phục vụ bốc dỡ hàng hóa tại cảng...
         
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính: “Kiên quyết xử lý nghiêm những chủ tàu vi phạm”
 
Bên cạnh việc chấn chỉnh những tồn tại liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện xác nhận hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, Sở NN&PTNT cần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng ngay phương án thực hiện các giải pháp chống IUU cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, báo cáo rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, mà cụ thể là vấn đề lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và tham mưu UBND tỉnh hướng tháo gỡ.
 
Những nội dung liên quan đến trách nhiệm thực hiện của chủ tàu, Sở NN&PTNT phải chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân tích cực thực hiện. Nếu chủ tàu cố tình vi phạm, thì xử phạt nghiêm theo Nghị định 42, để tạo tính răn đe. Với những chủ tàu có chiều dài từ 24m trở lên, đủ điều kiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nhưng cố tình chây ỳ, không thực hiện, thì Chi cục Thủy sản tỉnh, lực lượng biên phòng kiên quyết không cho xuất bến; không cấp mới, không gia hạn giấy chứng nhận khai thác thủy sản.
         
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương: “Cần hỗ trợ kinh phí để ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá”
 
Một bộ phận ngư dân và chính quyền một số địa phương ven biển “ngộ nhận” rằng, “thẻ vàng” thủy sản là do khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Vì vậy, khi Quảng Ngãi không có tàu cá vi phạm vùng biển các quốc đảo ở Thái Bình Dương và Australia, thì xem như đã “hoàn thành” việc khắc phục IUU. Thế nhưng, đó chỉ là 1/5 khuyến nghị của EC. Còn có 4 nội dung lớn khác gồm: Hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản không đáp ứng yêu cầu về truy xuất sản phẩm; cơ sở vật chất hạ tầng các cảng cá chưa đáp ứng... thì chưa đạt, hoặc tỷ lệ đạt rất thấp. Vấn đề này, Sở NN&PTNT đã và đang chấn chỉnh, đồng thời báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư khắc phục.
 
Riêng việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, mặc dù Sở NN&PTNT và các đơn vị chuyên môn đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin danh mục thiết bị và bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn, nhưng ngư dân vẫn chưa quan tâm. Nguyên nhân một phần là do kinh phí mua và lắp đặt thiết bị cao, nên ngư dân... đợi chính sách hỗ trợ! Một số địa phương lân cận như: TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Bình Định đã thực hiện hỗ trợ ngư dân 50% chi phí lắp đặt. Vì vậy, tỉnh cần xem xét ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân, đảm bảo hoàn thành việc lặp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trước khi EC trở lại kiểm tra vào đầu tháng 6 tới.
        
Ngư dân N.T, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ): “Xử phạt phải đảm bảo công bằng, nghiêm minh”
 
Tại nhiều cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, tôi thấy nhiều tàu cá (chủ yếu là tàu hành nghề giã cào và khai thác hải sản ven bờ) tự do ra vào cảng, mà không cần xuất trình giấy tờ, thủ tục. Thậm chí, nhiều tàu hoạt động sai ngư trường, như tàu có chiều dài trên 15m vẫn khai thác hải sản ven bờ, nhưng lực lượng chức năng không xử lý. Hay như việc ngư dân chưa chấp hành việc ghi nhật ký khai thác hoặc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, cũng chỉ làm qua loa, xuê xoa, chứ chưa kiên quyết xử phạt. Điều này khiến những ngư dân tiên phong thực hiện các quy định mất niềm tin, còn những người chưa thực hiện thì lại phớt lờ kiểu “không chấp hành cũng không sao”.
 
                 MỸ HOA 
 (thực hiện)
 

.