Quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cần sâu sát từng trường hợp

04:11, 24/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vụ việc 39 người Việt Nam chết trong xe container ở hạt Essex (Vương quốc Anh) đã dấy lên hồi chuông về việc lao động di cư bất hợp pháp để tìm kiếm cơ hội việc làm mang lại thu nhập cao ở nước ngoài.
Tỉnh ta là một trong những địa phương có số lượng người tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo hợp đồng có số lượng cao so với các địa phương trong cả nước. Do đó, tăng cường công tác quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra là việc làm hết sức cần thiết. 
Người lao động tham gia học tiếng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trước khi xuất khẩu lao động.
Người lao động tham gia học tiếng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trước khi xuất khẩu lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn: "Không lơ là trong quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài"
 
Hiện nay, có rất nhiều kênh để người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có các doanh nghiệp tham gia đưa NLĐ đi XKLĐ được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động trong cả nước. Nếu NLĐ tham gia các kênh này thì rất khó quản lý. Vì thế, để tăng cường công tác quản lý, Sở xem xét và đánh giá năng lực của các doanh nghiệp để giới thiệu với các địa phương, khi đó địa phương mới hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với NLĐ để thực hiện tư vấn XKLĐ.
 
Tuy nhiên, không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải thông qua Sở, nên vẫn còn doanh nghiệp đến trực tiếp các huyện, các xã trình giấy tờ để được giới thiệu thông tin, tuyển dụng NLĐ. Vì thế, Sở LĐ-TB&XH cũng đã tập huấn cho cán bộ các địa phương, những người làm công tác tư vấn XKLĐ để nắm bắt cách thức báo cáo và xác minh đối với các doanh nghiệp đến liên hệ, tránh để NLĐ bị lừa đảo qua các kênh đi làm việc ở nước ngoài không chính thống.
 
Điều đáng lo ngại là, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc nắm thông tin của NLĐ sau khi đưa họ đi XKLĐ, hoặc khi NLĐ hết hạn hợp đồng về nước thì doanh nghiệp phải báo cáo với Sở LĐ-TB&XH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, để theo dõi và quản lý. Vì thế, ngành LĐ-TB&XH đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn và có chế tài đối với doanh nghiệp, để họ có trách nhiệm hơn trong việc quản lý NLĐ mà họ đã đưa đi làm việc ở nước ngoài.
 
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Võ Duy Yên: "Thường xuyên nắm thông tin về người lao động đang làm việc ở nước ngoài"
 
Đối với NLĐ tham gia XKLĐ qua kênh của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì bộ phận chuyên trách công tác XKLĐ đều nắm rõ từng trường hợp. Từ đó có thể bằng nhiều cách để liên lạc với NLĐ. Hiện tại, Trung tâm có số điện thoại hỗ trợ NLĐ, đồng thời thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, chúng tôi thường xuyên liên lạc với NLĐ để nắm bắt tình hình làm việc của họ, làm công tác tư tưởng, động viên NLĐ khi hết hạn hợp đồng thì về nước để có thể tiếp tục đi trở lại, chứ không trốn ở lại bất hợp pháp dẫn đến nhiều hệ lụy. 
 
Thời gian qua, Trung tâm chú trọng vào một số thị trường uy tín, chất lượng để giới thiệu cho NLĐ đi làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... Những công ty phối hợp cũng phải là công ty uy tín, được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép, có thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn tỉnh. Trung tâm cũng thực hiện hỗ trợ NLĐ sau khi về nước tìm kiếm việc làm mới, hoặc tư vấn cho NLĐ sử dụng nguồn vốn tích lũy được khi tham gia XKLĐ, để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
 
Cán bộ VH-XH xã Bình Châu (Bình Sơn) Trần Thị Kim Oanh: "Khó nắm bắt từng trường hợp NLĐ đi làm việc ở nước ngoài" 
 
Là địa phương có số người đi XKLĐ cao, với khoảng 300 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chúng tôi luôn cố gắng thường xuyên liên lạc với các gia đình, nhằm nắm bắt thông tin; đồng thời làm công tác tư vấn cho NLĐ địa phương để họ có thể đi theo các kênh của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, NLĐ có thể lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp khác để đi làm việc ở nước ngoài và những trường hợp đó NLĐ thường không báo cáo với địa phương, nên để nắm bắt đầy đủ thông tin của từng người còn rất khó khăn.
 
Chị Đỗ Thị Nga, ở xã Bình Hải (Bình Sơn): "Không nên ở lại nước ngoài khi đã hết hợp đồng để tránh rủi ro" 
 
Tôi tham gia XKLĐ ở thị trường Nhật Bản từ năm 2018, vừa trở về nước để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đi tiếp. Từ số tiền tích lũy được, tôi đã thanh toán xong các khoản vay và có tiền hỗ trợ cho gia đình. Trong thời gian tôi làm việc ở Nhật Bản, nhiều đối tượng cũng đã tiếp cận để lôi kéo tôi tiếp tục ở lại nước sở tại khi đã hết hợp đồng lao động, để “lao động chui” kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, tôi thấy việc tự ý ở lại khi đã hết hợp đồng sẽ gặp rủi ro rất lớn khi không được Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Vì thế, tôi quyết định về nước và tiếp tục hoàn thành các thủ tục để tiếp tục lao động ở nước ngoài theo con đường chính thống. 
 
Lao động xuất khẩu chuyển về hơn 200 tỷ đồng/năm  
Những ngôi nhà khang trang của nhiều gia đình ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) được xây dựng từ nguồn tiền xuất khẩu lao động của con em họ.
Những ngôi nhà khang trang của nhiều gia đình ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) được xây dựng từ nguồn tiền xuất khẩu lao động của con em họ.
Trong những năm qua, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng XKLĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hoạt động chuyên nghiệp hơn, góp phần giải quyết việc làm có hiệu quả cho NLĐ. Số lượng NLĐ đi XKLĐ tăng dần qua từng  năm. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.000 người tham gia làm việc ở nước ngoài, với lượng tiền chuyển về hằng năm từ 200 - 230 tỷ đồng. Chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao về tay nghề, ngoại ngữ; thị trường XKLĐ ngày càng mở rộng và hướng tới những thị trường có thu nhập cao, công việc ổn định.

Vũ Yến
(thực hiện)

 

.