Điểm tựa pháp lý của người nghèo

07:11, 13/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã trở thành điểm tựa pháp lý của các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) được trung tâm thực hiện miễn phí, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tượng, đồng thời giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật.
TIN LIÊN QUAN

Giám  đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bùi Phú Vũ cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã thực hiện TGPL hơn 620 vụ việc liên quan đến các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, pháp luật ưu đãi người có công cách mạng, hành chính, khiếu nại liên quan đến đất đai...
 
Trong đó có 312 vụ việc đại diện, bào chữa (tăng gấp đôi so với năm 2018), còn  lại là các vụ việc tư vấn pháp luật. Tổng số lượt người được TGPL là 620 người, chủ yếu là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: TL
Sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: TL

Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức 42 đợt truyền thông về hoạt động TGPL ở các địa phương trong tỉnh, với hơn 2.000 lượt người tham dự. Trong các đợt truyền thông về hoạt động TGPL, các trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện tư vấn 210 vụ việc cho người dân có yêu cầu TGPL.

Luật TGPL mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018, với các quy định, chính sách rõ ràng, nên hoạt động TGPL được thuận lợi, tạo điều kiện tốt hơn để bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng được hưởng chính sách TGPL miễn phí.

Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực, chủ động giới thiệu đối tượng được TGPL đến Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh để làm thủ tục yêu cầu TGPL; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng hưởng chính sách TGPL.

“Trung tâm tham gia hoạt động tố tụng nhằm đảm bảo xét xử công minh. Ngoài việc bào chữa để bảo vệ những điều tốt, có lợi cho bị cáo theo đúng quy định của pháp luật, qua đó còn tuyên truyền, giáo dục pháp luật để các đối tượng ý thức được cái sai của mình”, ông Vũ cho biết thêm.

Thời gian qua, số vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp... xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Trong đó có nhiều vụ án mà người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số là những người trực tiếp liên quan. Đa phần các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, chủ yếu là tranh chấp giữa người thân trong gia đình.

Số vụ án hình sự, đối tượng phạm tội là trẻ vị thành niên cũng ngày càng gia tăng. Số lượng trợ giúp viên pháp lý của trung tâm còn ít, trong khi đó vụ việc cần tư vấn, bào chữa ngày càng nhiều, nên các trợ giúp viên pháp lý phải rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ.

Bình quân mỗi năm, một trợ giúp viên tham gia bảo vệ, bào chữa hơn 20 vụ, có những vụ việc kéo dài nhiều năm. “Trung tâm không thu bất kỳ khoản phí nào của người được TGPL. Đội ngũ trợ giúp viên, cộng tác viên TGPL nhiệt tình, năng nổ, không ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tư vấn, bào chữa, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đối tượng được TGPL. Hiệu quả công tác TGPL ngày càng được nâng lên, tạo được niềm tin cho các đối tượng và chính quyền cơ sở”, ông Vũ nhận định.


                                            MINH ANH

 

.