Đầu tư công trung hạn: Cần đảm bảo đa mục tiêu

02:10, 21/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2016 đến nay, hoạt động đầu tư công đã thay đổi theo hướng xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn. Để chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025, nhiều địa phương, đơn vị sử dụng vốn ngân sách đã và đang nghiên cứu nhu cầu vốn để xây dựng kế hoạch đảm bảo tính đa mục tiêu của cơ chế này như Chính phủ đã đề ra.
TIN LIÊN QUAN

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước đánh giá lại giai đoạn đầu tư 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025. Hiện tại, Quảng Ngãi đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo này; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Việc đầu tư xây dựng cầu Thạch Bích vừa
Việc đầu tư xây dựng cầu Thạch Bích vừa "giảm tải" cho cầu Trà Khúc I, vừa mở ra cơ hội phát triển cho phía tây bắc của TP.Quảng Ngãi. Ảnh: BS

 

Với yêu cầu đa mục tiêu và một trách nhiệm bắt buộc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bất kỳ khoản chi đầu tư nào cũng tính đến hiệu quả, tác động tích cực đến ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của quốc gia.

Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương: "Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đòi hỏi tư duy chiến lược"

Sau 4 năm thực hiện đầu tư công theo cơ chế xây dựng kế hoạch trung hạn, Sở đã rút ra được ý nghĩa của sự đổi mới trong hoạt động này. Đó là khắc phục chồng chéo và thiếu đồng bộ, đảm bảo tính nhất quán, chủ động đầu tư, xóa bỏ dần cơ chế "xin - cho" trong việc quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động này đi đúng mục tiêu, đòi hỏi tư duy cao hơn; hướng đến mục đích đầu tư công không chỉ là xây dựng dự án vốn lớn, có tầm chiến lược, việc thi công kéo dài nhiều năm mà phải đạt ý nghĩa mang lại hiệu quả lâu dài cho cả một vùng rộng lớn.

Thực sự giai đoạn vừa qua, nhiều dự án giao thông lớn, kết nối vùng miền đã được triển khai, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: Cầu Cửa Đại; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1; cảng Bến Đình...

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình: "Đề xuất thực hiện những dự án cấp thiết, có tính khả thi"

Huyện đang tập trung rà soát, đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, để tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công.

Xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới này, huyện sẽ nghiên cứu sắp xếp thứ tự các chương trình, dự án cấp thiết, quan trọng và có tính khả thi; tập trung hoàn thành các dự án chuyển tiếp, hoàn trả các khoản vốn ứng trước, thanh toán các khoản nợ.

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành: "Tận dụng tối đa các nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng"

Giai đoạn 2016 - 2020, ngoài vốn ngân sách trung ương và tỉnh cấp, huyện Tư Nghĩa còn tập trung khai thác tốt nguồn thu ở địa phương từ việc đứng ra làm chủ dự án xây dựng các khu dân cư, đưa vào bán đấu giá thu tiền sử dụng đất. Nguồn vốn này ước đạt khoảng 500 tỷ đồng, được tính toán, chọn lựa, đầu tư các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện.

Trong đó, ưu tiên đầu tư trước các tuyến đường xuống cấp trầm trọng, tạo thuận lợi trong giao thông cho nhân dân. Việc đầu tư thực hiện được chú trọng đến tiêu chí, góp phần đẩy nhanh tiến độ đưa huyện Tư Nghĩa về đích nông thôn mới. Đối với xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Tư Nghĩa sẽ bám sát mục đích yêu cầu, nguyên tắc đề xuất dự án mang tính chiến lược, nhằm tận dụng tối đa nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng".  

Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven: "Ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng"

Hệ thống giao thông hiện nay của Sơn Tây có nhiều thuận lợi nhờ có tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua và các tuyến đường do ngân sách đầu tư. Tuy nhiên, tuyến giao thông từ xã đến huyện tại nhiều địa phương còn khó khăn; nhiều nơi từ thôn lên xã là đường đất, rất khó khăn cho việc đi lại, làm ăn của nhân dân. Nguồn thu của huyện rất ít, nên khó có thể sắp xếp, bố trí vốn đầu tư hạ tầng giao thông theo phân cấp đầu tư được.

Huyện đã tranh thủ các nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án, nhưng do nhu cầu quá lớn trong khi nguồn vốn có hạn. Vì thế, việc đầu tư trung hạn thời gian qua 2016 - 2020, huyện chủ yếu tập trung cho xây dựng trụ sở trung tâm hành chính huyện mới. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ xây dựng kế hoạch ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối nội vùng, ngoại vùng, không chỉ phục vụ đi lại mà còn là thuận lợi cho tiêu thụ nông sản của nhân dân trên địa bàn.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất Ba Tơ Đinh Quang Thọ: "Tăng cường quản lý đầu tư công, đảm bảo hiệu quả đầu tư"

Những năm gần đây, Ba Tơ được quan tâm phân bổ vốn đầu tư thực hiện nhiều dự án vốn lớn như đường Ba Trang - Ba Khâm, đường Ba Chùa - Hành Tín Tây và một số tuyến đường nằm trong trung tâm thị trấn Ba Tơ. Các công trình này thực hiện ở vùng khó khăn, kết nối giao thông liên vùng, khi hoàn thành thực sự mở nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Việc được quan tâm thực hiện nhiều dự án vừa là niềm vui, nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm cao trong quản lý vốn đầu tư công đảm bảo mục đích, yêu cầu và quy định của pháp luật. Huyện Ba Tơ là vùng tiếp giáp với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, vì vậy việc đầu tư trong thời gian đến vẫn cần ưu tiên cho giao thông; đồng thời cấp bách đầu tư dự án di dời dân cư vùng sạt lở. Song song với đó là tập trung tăng cường quản lý thực hiện đầu tư công, đảm bảo hiệu quả, phát huy công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Theo Nghị quyết 32/2016 của HĐND tỉnh (khóa XII) về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn cho cả giai đoạn này là 18.106 tỷ đồng. Cụ thể vốn thực hiện qua từng năm được UBND tỉnh phân bổ như sau: Năm 2016, tổng vốn đầu tư công là 3.033 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương (gần 999 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương (hơn 1.811 tỷ đồng), còn lại là vốn Trái phiếu Chính phủ. Năm 2017, nguồn vốn đầu tư công 3.178 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương hơn 782 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 2.395 tỷ đồng. Năm 2018, tổng vốn đầu tư công 4.414 tỷ đồng (tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với 2016), trong đó vốn ngân sách địa phương hơn 2.860 tỷ đồng. Năm 2019, nguồn vốn này tăng vọt lên mức hơn 5.290 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 1.466,44 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 3.823 tỷ đồng. Theo kế hoạch vốn cho giai đoạn 2016 - 2020, trong 4 năm qua tỉnh đã đầu tư 15.915 tỷ đồng, vì thế trong năm 2020, tổng vốn đầu tư công của Quảng Ngãi chỉ còn ở mức khoảng 2.191 tỷ đồng.


THANH NHỊ 
(thực hiện)

 


.