Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đi vào hoạt động: Những vướng mắc cần tháo gỡ

09:07, 10/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 1.1.2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (Trung tâm), trực thuộc UBND các huyện, thành phố chính thức hoạt động, trên cơ sở sáp nhập các trạm chăn nuôi và thú y (CN&TY), trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) và trạm khuyến nông. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng hoạt động, dù có nhiều nỗ lực, nhưng các trung tâm hiện đang gặp nhiều khó khăn và cũng phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc.
 Sau khi sáp nhập, cán bộ ở Trung tâm phải kiêm nhiệm nhiều việc, không còn
Sau khi sáp nhập, cán bộ ở Trung tâm phải kiêm nhiệm nhiều việc, không còn "chuyên môn hóa" như trước nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. (Ảnh minh họa)
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ngô Hữu Hạ: “Cần có hướng điều chỉnh phù hợp”

Phải khẳng định, Nghị quyết 19 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” là hoàn toàn đúng đắn trong tình hình mới hiện nay. Mục tiêu cuối cùng là làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc sáp nhập các trạm CN&TY, TT&BVTV, trạm khuyến nông về Trung tâm đã phát sinh những vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chuyên môn. Như Trạm CN&TY đã được chuyển về các trung tâm, nên công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ cũng như việc quản lý nhà nước giữa Sở NN&PTNT với Phòng NN&PTNT huyện, giữa Trung tâm với các chi cục và các phòng trực thuộc Sở NN&PTNT chưa thực sự nhịp nhàng, đồng bộ...

Hơn nữa, với mô hình sáp nhập này, ngành thú y chỉ còn 2 cấp, là trung ương và tỉnh, trong khi theo Luật Thú y phải có 4 cấp, từ trung ương đến cấp xã, phường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chuyên môn, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh, vì không có người đứng đầu chịu trách nhiệm. Như khi địa phương xảy ra dịch tả heo Châu Phi, Chi cục CN&TY chỉ có thể “phối hợp” với Trung tâm trong việc triển khai các phương án dập dịch, chứ không được chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện như trước. Thậm chí, để nắm được thông tin dịch bệnh, chúng tôi phải cử cán bộ xuống từng địa bàn để nắm tình hình, chứ các Trung tâm không gửi báo cáo hoặc thông tin qua đường dây nóng như trước.

Trước bất cập này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị và Nghị quyết 42 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả heo Châu Phi, trong đó có việc duy trì và kiện toàn hệ thống thú y các cấp, theo đúng quy định của Luật Thú y. Vì vậy, Chi cục CN&TY cũng đã kiến nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh xem xét giao Sở Nội vụ cùng với Sở NN&PTNT kiện toàn hệ thống thú y theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 và Luật Thú y.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: “Trung tâm cần được trợ lực”

Chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19 là đúng đắn. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai, các cán bộ đang làm việc tại Trung tâm có nhiều băn khoăn, lo lắng, nhất là chủ trương tự chủ tài chính theo Nghị định 141 của Chính phủ.

Theo lộ trình, đến năm 2020, các Trung tâm sẽ phải tự chủ kinh phí. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ chuyên môn buộc phải thực hiện, thì dịch vụ của Trung tâm cũng chỉ loanh quanh với việc cung ứng các dịch vụ vật tư nông nghiệp; kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm... nhưng hoạt động cầm chừng, nên doanh thu thấp.

Trong khi đó, để đảm bảo các hoạt động chuyên môn, Trung tâm phải hợp đồng thêm lao động. Vì vậy, hiện nay, các trung tâm vẫn phải dựa hoàn toàn vào nguồn ngân sách. Để lộ trình tự chủ của các đơn vị khả thi, các cấp, ngành cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn kinh doanh, hỗ trợ phát triển dịch vụ, sản xuất... để các Trung tâm khẳng định vai trò định hướng sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đồng thời, xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, để vừa thuận lợi trong công tác kiểm soát vệ sinh thú y, vừa tạo nguồn thu cho các Trung tâm.
  Việc phòng chống dịch tả heo châu Phi còn nhiều khó khăn trong công tác phối hợp. Ảnh: M.Hoa
Việc phòng chống dịch tả heo châu Phi còn nhiều khó khăn trong công tác phối hợp. Ảnh: M.Hoa
Một cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức: “Vướng mắc trong phối hợp hoạt động”

Biên chế “cứng” của các trạm ít, nên khi xảy ra dịch bệnh, việc huy động lực lượng tham gia sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc sáp nhập các trạm về Trung tâm sẽ điều tiết được nguồn nhân lực, thu gọn đầu mối và giảm chức danh lãnh đạo. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập đã xuất hiện những lúng túng trong điều hành và quản lý. Bởi thực tế các trạm thú y (thuộc Chi cục CN&TY), Trạm BVTV (thuộc Chi cục TT&BVTV) và Trạm Khuyến nông (thuộc Trung tâm Khuyến nông) vẫn đang hoạt động trơn tru và hiệu quả. Nhờ cơ chế quản lý dọc này, mà 30 năm qua, các chi cục thường xuyên và tích cực xây dựng hệ thống nhân viên thú y, BVTV, cán bộ khuyến nông tại các địa phương. Khi xảy ra dịch bệnh, sẽ thông tin kịp thời qua đường dây nóng của chi cục cũng như các trạm, nên công tác kiểm soát và triển khai các phương án ứng phó với dịch bệnh rất hiệu quả.  

Tuy nhiên, khi các trạm được sáp nhập về Trung tâm, do UBND huyện quản lý, nên thông tin dịch bệnh chậm, phản ứng không kịp thời, thậm chí còn dễ xảy ra tình trạng “nhìn” nhau. Nếu như trước đây, khi xảy ra dịch bệnh, chi cục có thể huy động lực lượng và thiết bị ở các trạm để tham gia ứng phó; nhưng giờ đơn vị chủ quản là UBND các huyện, thành phố, nên chi cục có muốn điều động cũng khó.

Nguyên cán bộ Chi cục TT&BVTV: “Hạn chế trong thanh tra, kiểm tra”

Việc sáp nhập các Trạm TT&BVTV, Trạm CN&TY về Trung tâm là không đúng với quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và Luật Thú y. Hơn nữa, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước, xử lý hành chính, nên hạn chế nhiều trong việc thanh tra, kiểm tra; dự báo, tham mưu chuyên môn. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng lẫn lộn, chồng chéo giữa quản lý hành chính nhà nước chuyên ngành, với việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đang được xã hội hóa.

Hơn nữa, sau khi sáp nhập, cán bộ phải kiêm nhiệm quá nhiều việc, nên “dẫm chân” nhau, không đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, công tác dự báo tình hình dịch hại ở địa phương cũng như việc giám sát các hoạt động khảo nghiệm giống mới, quảng bá các sản phẩm vật tư nông nghiệp... cũng bị buông lỏng, thậm chí không có người thực hiện.

Điều quan ngại nữa là, đội ngũ kỹ thuật viên BVTV, thú y và khuyến nông viên cấp xã có nguy cơ không được duy trì, hoặc hoạt động trì trệ, sau khi sáp nhập. Khắc phục tình trạng này, UBND các huyện, thành phố cần phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý và điều hành của Trung tâm, nhất là công tác phòng chống, dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ BVTV, Thú y cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả thực tế cũng như tính pháp lý của Trung tâm. Nếu không phù hợp với yêu cầu thực tế, thì nên đưa về hoạt động theo ngành dọc, đúng với các quy định của pháp luật.
 
MỸ HOA  
(thực hiện)
 

.