Bảo vệ môi trường khi nuôi trồng thủy sản: Nhiều nơi phớt lờ quy định

10:05, 06/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh, nhất là nuôi tôm trên cát đều xả thẳng nước thải từ hồ nuôi ra môi trường mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào. Việc làm này gây ra rất nhiều hệ lụy trước mắt, cũng như lâu dài đối với môi trường biển và chính nghề NTTS của người dân.

TIN LIÊN QUAN

Vùng biển bãi ngang chạy dọc các xã Đức Minh, Đức Phong, Đức Chánh, Đức Thắng (Mộ Đức) có hàng trăm hộ dân, cùng một số doanh nghiệp nuôi tôm trên cát. Hơn chục năm trước, số lượng hộ nuôi tôm trên cát ở vùng này không nhiều, nhưng những năm gần đây diện tích nuôi tôm ngày càng tăng lên và mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều người dân. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là diện tích ao nuôi tăng, thì những vấn đề về môi trường cũng bắt đầu nảy sinh rất nhiều bất cập.

Người dân nuôi tôm ở các vùng cát khoan giếng tìm mạch nước ngầm phục vụ nuôi tôm, khiến mực nước ngầm ngày càng suy kiệt.
Người dân nuôi tôm ở các vùng cát khoan giếng tìm mạch nước ngầm phục vụ nuôi tôm, khiến mực nước ngầm ngày càng suy kiệt.


Theo quan sát của phóng viên, tại những vùng nuôi tôm trên cát dọc bờ biển Mộ Đức không có hệ thống xử lý nước thải nào được đầu tư xây dựng. Với trên 100ha nuôi tôm trên cát, dọc bờ biển ở huyện này có đến hàng nghìn ống xả nước thải từ hồ nuôi tôm được đặt xả thẳng ra biển. Nhiều hộ nuôi tôm cho biết, để có được nguồn nước nuôi tôm đúng chuẩn, họ đặt đường ống hút nước từ biển lên, sau đó pha với nước ngọt được lấy từ các giếng khoan gần đó, rồi đổ vào hồ để nuôi tôm. Khi thấy nguồn nước trong hồ tôm không đảm bảo thì sẽ tiến hành thải trực tiếp ra ngoài biển, mang theo đủ các thành phần từ thức ăn thừa, tạp chất... mà không qua xử lý.

 Nước thải từ các hồ nuôi tôm của người dân ở xã Đức Minh (Mộ Đức) xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý.
Nước thải từ các hồ nuôi tôm của người dân ở xã Đức Minh (Mộ Đức) xả thẳng ra môi trường, không qua xử lý.


Việc nuôi tôm trên cát, cũng như NTTS ở các vùng triều khác không có hệ thống xử lý nước thải, là thực trạng chung ở hầu hết các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Tại vịnh Việt Thanh, thuộc vùng biển xã Bình Trị có hàng chục đường ống xả thải của các hộ nuôi tôm ở thôn Phước Thiện (xã Bình Hải) được đặt thẳng ra biển. Nhiều người dân ở đây cho biết, cứ vài ngày, các hộ nuôi tôm lại xả nước thải từ hồ tôm xuống biển.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đỗ Thị Thu Đông: “Quy định có, nhưng khó thực thi”

Năm 2018, tổng diện tích ao hồ thả nuôi thủy sản ước đạt trên 1.480ha, trong đó nuôi tôm 857,6ha. Mặc dù Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi nước lợ, điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, song các hộ dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ta hầu như chưa tuân thủ những quy định này. Nếu làm đúng quy định, bằng việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải... người nuôi sẽ tốn kém rất nhiều chi phí. Vì thế, khi đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, thì chắc chắn các hộ nuôi sẽ xem nhẹ việc bảo vệ môi trường. Hiện nay, chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp ao nuôi bị dịch bệnh, chưa qua xử lý đã tự xả thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Kinh phí để thực hiện quan trắc môi trường vùng NTTS cũng chưa được bố trí.

Nhằm góp phần hướng đến nghề nuôi trồng thủy sản mang  tính bền vững, ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT đề án xử lý nước thải cho các vùng nuôi tôm tập trung. Đơn cử như đối với khu vực nuôi tôm vùng triều xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), năm 2016, Bộ NN&PTNT đã chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nguồn nước thải từ vùng NTTS, song đến giờ chủ trương này vẫn chưa được thực hiện. Đối với nuôi tôm ở vùng cát, chúng tôi cũng đã kiến nghị xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, các hộ nuôi tôm trên cát sẽ đầu tư đường dẫn, gom chung các chất thải vào đó, xử lý triệt để trước khi đưa ra môi trường bên ngoài. Không có vốn làm đại trà, thì trước mắt làm thí điểm ở một số nơi, nhưng kinh phí vẫn không được bố trí.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân: “Huyện không khuyến khích nuôi tôm trên cát”

Toàn huyện có khoảng 100ha nuôi tôm trên cát, 10ha nuôi tôm ở vùng triều. Trước đây, trong quy hoạch nuôi trồng phát triển thủy sản của tỉnh, có kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ở xã Đức Phong, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy tỉnh bố trí kinh phí. Nuôi tôm trên cát cần một lượng nước ngầm rất lớn. Suốt trong một thời gian dài, các hộ nuôi tôm khai thác mực nước ngầm quá mức, khiến nước ngầm suy kiệt. Các giếng nước khoan dọc các rừng dương, làm khu vực này bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Môi trường vùng nuôi bị biến động không những khiến người nuôi tôm gặp khó, mà tác động xấu đến hệ sinh thái biển, rừng, người dân ở khu vực sống xung quanh. Chính những mặt trái này, huyện không khuyến khích nghề nuôi tôm trên cát. Hiện nay, chúng tôi khuyến khích người dân chuyển sang nuôi ốc hương, hải sâm, chỉ sử dụng nước biển. Năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ 6.000m2 nuôi ốc hương, hải sâm cho huyện. Đây là hai loại vật nuôi rất tiềm năng, lại không ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Chủ tịch UBND xã Đức Minh Võ Minh Quang: “Xã không có thẩm quyền xử lý việc xả nước thải nuôi tôm ra môi trường”

Xã Đức Minh có 22ha hồ nuôi tôm trên cát của 29 hộ dân và một doanh nghiệp do xã quản lý. Quy mô nuôi tương đối nhỏ lẻ, nên không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước được lấy vào hồ nuôi cũng nằm ngay vị trí xả thải. Có nhiều vụ tôm chết, nhưng chúng tôi không thể biết nguyên nhân từ đâu. Thực tế, việc các hộ nuôi không đầu tư hệ thống xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường là rất bất cập, song chúng tôi không có thẩm quyền xử lý. Ai cũng muốn phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững, nhưng với năng lực tài chính hạn hẹp, nhiều hộ phải đi vay tiền để nuôi tôm, thì khó có thể đảm bảo thực hiện các quy định về môi trường.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức): “Nuôi nhỏ lẻ nên không đầu tư hệ thống xả nước thải”

Gia đình tôi có 4.000m2 nuôi tôm trên cát. Không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân, doanh nghiệp nuôi tôm ở đây đều xả thẳng nước thải từ hồ tôm ra biển mà không hề qua xử lý.
 
Chúng tôi đều thuê đất gần vùng biển bãi ngang để nuôi tôm, theo kiểu nhỏ lẻ, nếu phải đầu tư thêm hệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định, thì sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí.

Anh Dương Văn Quý, ở xã Bình Hải (Bình Sơn): “Phải xử lý hộ xả thải, vì lợi ích chung”

Vịnh Việt Thanh (xã Bình Trị) không chỉ là địa điểm du lịch lý tưởng mà còn là khu vực chúng tôi đánh bắt cá mưu sinh hằng ngày. Việc các hộ nuôi tôm xả nước thải kéo dài nhiều năm qua gây ô nhiễm môi trường ở vùng biển này là một trong những nguyên nhân làm thủy sản ven bờ đang dần suy giảm.
 
Chúng tôi mong chính quyền xử lý rốt ráo, không để các hộ nuôi tôm vì lợi ích trước mắt của mình mà gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
 

NGỌC VIÊN
(thực hiện)
 

 


.