Bồi thường, giải phóng mặt bằng: "Nút thắt" của nhiều dự án

09:04, 03/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều công trình, dự án (DA) trên địa bàn tỉnh thời gian qua rơi vào tình trạng chậm tiến độ đều do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây là bài toán cần sớm tìm lời giải, để tháo "nút thắt" cho các  DA.

TIN LIÊN QUAN

Chính quyền than khó

Tại nhiều địa phương, công tác bồi thường, GPMB chiếm phần lớn thời gian của bộ máy chính quyền. Đơn cử như ở Bình Sơn, từ năm 2014 - 2018, huyện này tập trung GPMB cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi các DA: Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mở rộng Quốc lộ 1 và các DA tại KKT Dung Quất. Gần như tuần nào huyện cũng tổ chức họp giải quyết vướng mắc bồi thường, GPMB.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên cho biết: "Việc điều hành, chỉ đạo giải quyết công tác GPMB chiếm đến 95% tổng quỹ thời gian của tôi. Nhiều vụ việc vướng mắc phải họp đến hàng chục cuộc từ cấp xã, đến cấp huyện và tỉnh, để tìm biện pháp tháo gỡ".

Dự án đường Sơn Liên - cầu Tà Meo (Sơn Tây) đang thi công dang dở vì vướng giải phóng mặt bằng.                                                                                                                 Ảnh: T.Nhị
Dự án đường Sơn Liên - cầu Tà Meo (Sơn Tây) đang thi công dang dở vì vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: T.Nhị


Mới đây, Sở Xây dựng đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện một số khu dân cư thương mại triển khai kéo dài nhiều năm chưa hoàn thiện. Qua đó cho thấy, công tác bồi thường, GPMB quá khó khăn và phức tạp. Thủ tục hành chính về đất đai tuy được cải thiện nhiều so với trước đây, nhưng vẫn còn rườm rà, nhiêu khê. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phong cho rằng: "GPMB là công tác nhọc nhằn nhất hiện nay. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, cơ chế, chính sách về đất đai còn nhiều bất cập, lạc hậu, chưa đúng với tinh thần giá đất bồi thường sát với giá thị trường".

Người dân kêu thiệt

Điều người dân thắc mắc, chưa đồng tình với việc bồi thường đất đai là do giá đất quy định hiện nay quá thấp so với giá thị trường. Trong khi trên thị trường, mỗi mét đất đã tính tiền triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng/m2, thì giá nhà nước quy định chỉ ở mức vài chục nghìn, cao nhất là vài trăm nghìn đồng/m2.

Thậm chí, đất làm muối của diêm dân Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) giá bồi thường còn rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá đất nông nghiệp. Một số DA lấy đất muối của diêm dân để làm khu dân cư chủ đầu tư áp giá chỉ gần 40.000 đồng/m2; trong khi đất ruộng hoặc đất màu có giá hơn 120.000 đồng/m2.

Tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 170 DA tư nhân nằm ngoài KCN, KKT. Trong đó, các DA khu dân cư, khu đô thị chiếm diện tích đất lớn và không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây. Xung đột lợi ích giữa người có đất bị thu hồi và chủ đầu tư DA khu dân cư ngày càng gay gắt, bởi người dân làm phép tính so sánh giữa giá đất chủ bồi thường và giá đất bán ra sau khi san lấp mặt bằng thấy quá thiệt thòi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính: "Nhanh chóng nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành giá đất mới"

Hiện nay, giá đất nhà nước quy định áp dụng trong bồi thường, GPMB đã khá lạc hậu và thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Tỉnh đã chỉ đạo ngành TN&MT nhanh chóng nghiên cứu tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành khung giá đất mới, sát với giá thị trường. Tuy nhiên, việc đưa ra giá đất cụ thể phải tính toán kỹ, tạo sự hài hòa chung, bảo đảm ổn định và hạn chế ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh. Chính quyền các địa phương cần nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật, xác định loại DN nào Nhà nước ra quyết định thu hồi đất, DN nào chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường cho dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận trong quá trình triển khai DA.

 

Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải: "Giải quyết thấu tình đạt lý quyền lợi của người có đất bị thu hồi"

Nhiều DA khi gặp vướng mắc bồi thường, GPMB chính quyền và ngành chức năng chưa kịp thời phối hợp xem xét giải quyết.
 
Việc xem xét cấp các giấy tờ nhà đất cho hộ gia đình, cá nhân còn nhiều bất cập, dẫn đến khi phát sinh quyền lợi bồi thường đã xảy ra tranh chấp. Một số DA tư nhân, khi xác định chủ sử dụng hợp pháp để bồi thường, chính quyền đã nhầm lẫn, dẫn đến kiện tụng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ DA.
 
Khi người dân có quyền lợi chính đáng, hợp pháp, dù là một mét vuông đất cũng phải bảo vệ, không để người dân thiệt thòi; nhưng nếu không hợp pháp cũng phải cương quyết xử lý, không tạo tiền lệ xấu trong bồi thường, GPMB, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt: "Dự án đã thu hồi đất thì phải triển khai đúng cam kết"

Huyện Lý Sơn có diện tích nhỏ, nhưng thời gian gần đây do yêu cầu phát triển, nhiều DA đã triển khai xây dựng. Tình trạng GPMB ngày càng khó khăn, khi người dân so sánh giá bồi thường giữa các DA. Như DA khách sạn Mường Thanh giá bồi thường rất cao, nên sau đó một số DA khác áp giá theo quy định của Nhà nước, thì người dân thắc mắc, không đồng tình.
 
Ngoài ra, có một số DA sau khi thu hồi đất của dân, chủ đầu tư không triển khai, gây lãng phí đất đai, khiến người dân bức xúc. Người dân kiến nghị các DA đã thu hồi đất của dân, thì phải triển khai đúng cam kết.

Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương: "Cần quản lý đất đai chặt chẽ"

Hầu hết các trường hợp vướng GPMB là do việc quản lý đất đai còn lỏng lẻo. Khi không có DA, người dân vẫn sử dụng ổn định, nhưng khi thu hồi buộc phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp, thì mới được bồi thường.
 
Việc cấp giấy tờ đất trùng lắp, chồng lấn gây nhiều khó khăn cho việc xác định người có quyền lợi chính đáng, hợp pháp khi bồi thường. Nhiều diện tích đất công, người dân tự ý lấn chiếm xây dựng nhà cửa kiên cố, nếu bồi thường thì sai quy định, mà yêu cầu tự nguyện dỡ dọn, giao mặt bằng thì vô cùng khó khăn.
 
Vì thế, chỉ khi quản lý đất đai chặt chẽ, thì bồi thường, GPMB mới thuận lợi.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tư Nghĩa Nguyễn Nam: "Chính sách tái định cư chưa đồng bộ"

Nhiều trường hợp GPMB vướng là do chưa có chỗ tái định cư để người dân chuyển về nơi ở mới, nên chưa giao mặt bằng. Suất tái định cư hiện còn quá ít để có thể chăm lo nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Có DA phải tổ chức hỗ trợ người dân tìm nơi ở tạm để giao mặt bằng, sau đó mới tổ chức thi công khu tái định cư. Dự án ngày càng nhiều đồng nghĩa với đất sản xuất, đất ở của dân ngày càng bị thu hẹp. Vì thế, rất cần có chính sách đồng bộ về tái định cư, chuyển đổi nghề, giúp dân sớm ổn định cuộc sống.
 

THANH NHỊ
(thực hiện)
 

 


.