Lấy ý kiến người dân trong vùng dự án: Cần phải thực chất

04:01, 13/01/2019
.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án do tư nhân làm chủ đầu tư. Bên cạnh những dự án thực hiện đúng quy trình thủ tục đầu tư, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương, thì vẫn còn một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến người dân trong vùng dự án trước khi triển khai xây dựng, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề phức tạp sau khi triển khai dự án.
Ngày 10.9.2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn 5451/UBND-CNXD về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thành phố nơi thực hiện dự án có trách nhiệm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc lấy ý kiến khu dân cư trong vùng dự án.
 
Người dân huyện Đức Phổ rất ủng hộ khi triển khai dự án Nhà máy may Vinatex Đức Phổ. Đến nay, nhà máy đã giải quyết việc làm cho 500 lao động địa phương.
Người dân huyện Đức Phổ rất ủng hộ khi triển khai dự án Nhà máy may Vinatex Đức Phổ. Đến nay, nhà máy đã giải quyết việc làm cho 500 lao động địa phương.

Các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án do nhà đầu tư đề xuất phải có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án đối với từng dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước, bao gồm: Pháp lệnh dân chủ cơ sở xã, phường, thị trấn; Luật Quy hoạch và các nghị định có liên quan... Cơ quan tham mưu chịu trách nhiệm nếu việc tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án mà thiếu sót trong việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án.

Trước đó, một số dự án do tư nhân đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong quá trình triển khai chưa chú trọng việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, hoặc lấy ý kiến người dân không đầy đủ, không đúng quy trình, thành phần. Từ đó khiến một số người dân phản ứng, trong đó có một số dự án đã đưa vào hoạt động nhưng người dân vẫn yêu cầu di dời đi nơi khác, hoặc tạm dừng hoạt động, vì cho rằng dự án đó ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của dân cư trong vùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu nại đông người, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.
         
 
Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải: "Nhà đầu tư phải kiên trì, không được nóng vội".

Không chỉ đến khi Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thì Sở mới yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với UBND huyện, thành phố lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án. Việc này đã trở thành thủ tục bắt buộc trong hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cấp chủ trương đầu tư. Sở nhận thấy, các dự án được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của người dân nơi triển khai dự án, thì quá trình đầu tư, khai thác sau đó rất thuận lợi. Việc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án cũng nhanh chóng.

Đối với các dự án xã hội hóa trong xử lý rác thải sinh hoạt, trước khi thực hiện dự án, việc tổ chức lấy ý kiến người dân trong vùng ảnh hưởng cũng được tổ chức đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư và chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến chưa đúng quy trình, đối tượng cần lấy, dẫn đến phát sinh khiếu nại của người dân khi đầu tư xây dựng công trình. Nguyên nhân có thể nhận thấy rằng, một số chính quyền địa phương và chủ đầu tư còn xem nhẹ khâu này, nên việc lấy ý kiến người dân còn hình thức... Thực tế, việc lấy ý kiến người dân mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng không phải vì thế mà nhà đầu tư làm một cách nóng vội, đối phó...
 
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình: "Hỏi ý kiến cộng đồng dân cư khi thực hiện dự án là cần thiết".

 Trước đây, huyện đã thực hiện theo các quy định của trung ương về công khai quy hoạch, xây dựng đối với dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Sau khi tỉnh có quy định chặt chẽ về vấn đề này, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án tiến hành bài bản hơn. Bất kể dự án nào, triển khai tại đâu, nhà đầu tư cũng phải trực tiếp làm việc với chính quyền cơ sở, thông tin về dự án tại các cuộc họp dân.
 
Khi dự án chính thức triển khai, các thông tin về dự án còn được tổ chức niêm yết công khai, đặc biệt là phối hợp cung cấp hồ sơ đầy đủ cho ban giám sát đầu tư cộng đồng để cùng tham gia giám sát dự án. Thực tế, việc tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư trước khi triển khai dự án là cần thiết, giúp chủ đầu tư triển khai dự án được thuận lợi hơn.

 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven: "Lấy ý kiến người dân phải thực chất hơn".

Khi nhà đầu tư thực hiện các bước nghiên cứu lập dự án, huyện đều hướng dẫn thực hiện thủ tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi triển khai dự án. Không phải ngay cuộc họp đầu tiên người dân đã tán thành, mà bình quân mỗi dự án phải họp lấy ý kiến người dân 3- 4 lần.

Mỗi cuộc họp đều phải đảm bảo thành phần, nội dung và cán bộ, nhà đầu tư phải có trách nhiệm giải thích tường tận các thông tin về dự án, hiệu quả, lợi ích mà dự án mang lại cho địa phương và người dân trong vùng dự án. Khi người dân đã đồng thuận với việc thực hiện dự án thì mọi việc sẽ rất thuận lợi. Hiện trên địa bàn huyện còn một số dự án mà địa phương và nhà đầu tư tổ chức lấy ý kiến người dân chưa tới nơi tới chốn, người dân không hiểu hết về dự án, dẫn đến gây khó khăn trong quá trình triển khai, nên huyện phải cử cán bộ xuống tuyên truyền, giải thích, vận động người dân.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) Võ Đình Chí: "Nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong quá trình thực hiện dự án".

Lâu nay, nhiều nhà đầu tư khi triển khai dự án thường chỉ phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở.
 
Chỉ khi dự án gặp vướng mắc, mới đặt vấn đề với địa phương để hỗ trợ giải quyết. Bất cứ dự án nào cũng liên quan đến đất đai, con người tại địa bàn dân cư. Nếu nhà đầu tư tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở thì sẽ kịp thời có phương án tháo gỡ khó khăn khi triển khai dự án. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng dự án là một việc làm bắt buộc, phải thực hiện nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng đối với người dân.

 
 
Ông Trần Văn Dậu, khu dân cư 6B, thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa): "Nếu dân không đồng tình với lý do chính đáng thì nhà đầu tư cũng không nên cố tình triển khai dự án".

Mỗi dự án khi triển khai tại địa phương, người dân được mời tham gia họp rất nhiều lần để thông tin và tham vấn ý kiến người dân về dự án. Người dân thôn Đông Mỹ cũng đã quen với việc này, nên tự nguyện tham gia họp, góp ý sôi nổi.
 
Người dân khi được hỏi ý kiến về dự án thường cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, thậm chí là chấp nhận những thiệt thòi nhất định để nhà đầu tư triển khai dự án, nhằm phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Khi người dân tường tận về dự án, thì họ không những chấp thuận, mà còn vận động, tuyên truyền cho các hộ dân khác cùng hiểu và đồng thuận. Tuy nhiên, với những dự án mà đa số người dân không đồng thuận vì lý do chính đáng, thì nhà đầu tư cũng không nên cố triển khai, vì sẽ gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thanh Nhị
(thực hiện)

 

.