Không thể xem nhẹ văn hóa ứng xử trong trường học

02:12, 19/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trường học là môi trường giáo dục, rèn luyện để thế hệ trẻ trở thành những con người có kiến thức, sống có văn hóa, có hoài bão và lý tưởng tốt đẹp. Văn hóa ứng xử trong trường học là thước đo đánh giá sự phát triển của một nền giáo dục. Tuy nhiên, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học vẫn chưa được ngành giáo dục và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

 

Cô và trò Trường Mầm non Kim Phú (TP.Quảng Ngãi).
Cô và trò Trường Mầm non Kim Phú (TP.Quảng Ngãi).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018- 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử phù hợp với điều kiện và đặc trưng vùng miền của mỗi nhà trường dựa trên cơ sở bộ quy tắc chung của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu chung của đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái:


“Phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học”

Hằng năm, Sở GD&ĐT đều chỉ đạo các trường chú trọng việc xây dựng văn hóa ứng xử, xem trường học là trung tâm văn hóa, nơi hình thành nên những chuẩn mực văn hóa, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong những năm qua, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, toàn ngành có trên 15 nghìn cán bộ, giáo viên, công nhân viên giáo dục và gần 270 nghìn học sinh, với những tác động của xã hội trong giai đoạn hiện nay thì khó tránh khỏi những vấn đề tiêu cực trong học đường. Giữa các cơ sở giáo dục vẫn chưa có sự đồng nhất trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, dẫn đến khó xử lý khi có những vấn đề đáng tiếc xảy ra.

Sở GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành để xây dựng bộ quy tắc phù hợp với từng vùng, miền, từng cấp học; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về văn hóa ứng xử trong trường học. Ngành sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhằm thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường.
 

 

Chị Nguyễn Thị Thu Biên, giảng viên môn Quản lý giáo dục, Trường Đại học Phạm Văn Đồng:

 

“Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên sư phạm”

Bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, sinh viên sư phạm là hết sức cần thiết. Vì vậy, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên ngành sư phạm phải được bồi dưỡng những kiến thức về đạo đức nhà giáo, xây dựng những kỹ năng, chuẩn mực của một người giáo viên. Trong thời gian qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, tạo điều kiện để sinh viên ngành sư phạm tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng, lễ hội...

Trong các bài giảng, tôi luôn chú trọng trang bị kiến thức về đạo đức, kỹ năng cho sinh viên, từ việc đưa các tình huống, dẫn chứng. Từ đó, các em tích lũy kiến thức để xử lý những tình huống sư phạm thông minh. Thực tế cho thấy, trong một số  trường học đã để xảy ra những sự việc hết sức đau lòng, đơn cử như gần đây là vụ việc cô giáo của một trường ở tỉnh Quảng Bình cho 23 học sinh tát bạn 231 cái. Lương tâm của nhà giáo không cho phép mình lơ là việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, nhất là phải ứng xử có văn hóa trong học đường.
 

 

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) Đặng Thị Thanh Diệu:

 

“Dạy cho học sinh biết nói lời xin lỗi, cảm ơn"

Trong những năm qua, mỗi cơ sở giáo dục đều có cách xây dựng và triển khai văn hóa ứng xử trong trường học. Tuy nhiên, mục đích vẫn là nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện trong mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Nhà trường xác định, đây là bậc học đầu tiên của giáo dục phổ thông, nên việc xây dựng văn hóa ứng xử trong học sinh phải bắt đầu từ cái cơ bản nhất. Đó là dạy các em biết chào hỏi, biết nói lời “xin lỗi”, “cảm ơn”... Những điều tưởng chừng như nhỏ ấy, nhưng lại mang đến hiệu quả cao trong việc hình thành nhân cách cho một thế hệ công dân sau này.
 

 

Nguyên giáo viên Trường THCS Phổ Châu (Đức Phổ) Trần Cao Duyên:

 

“Mỗi thầy, cô giáo phải là một tấm gương”

Trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, tôi tâm niệm rằng, mỗi thầy, cô giáo phải là một tấm gương cho học sinh. Vì mọi hành vi, giao tiếp, ứng xử, nói năng của thầy, cô giáo đều tác động tới học sinh. Nội hàm của cái đẹp rất phong phú. Đó là vẻ đẹp về phẩm chất, đạo đức, tư cách. Vẻ đẹp về phẩm chất, đạo đức là cái gốc của mọi vẻ đẹp. Chính vì vậy, tất cả các trường học đều treo một khẩu hiệu như  kim chỉ nam, nhắc nhở cả thầy lẫn trò là: “Tiên học Lễ, hậu học Văn”.

Trò đến trường trước hết phải học “Lễ”, tức là học đạo đức, học đạo lý làm người. Và đương nhiên, người thầy dù là cán bộ quản lý, hay trực tiếp đứng trên bục giảng, dù là chủ nhiệm lớp, hay giáo viên bộ môn đều phải biết dạy “Lễ” cho học trò. Để làm tròn trọng trách đó, mỗi thầy, cô giáo phải thường xuyên rèn luyện để có những hành động, cử chỉ, lời nói đẹp để học sinh noi theo.
 

 

Em Cao Lê Phương Trang, lớp 5A, Trường Tiểu học Nghĩa Chánh:

 

“Những thói quen để trở thành một học sinh thanh lịch”

Con rất vui mỗi khi đến trường. Ngay từ cổng trường bước vào, mỗi ngày chúng con đọc được những lời hay ý đẹp được nhà trường gắn trên các cây xanh hay panô “Những thói quen để trở thành một học sinh thanh lịch” với những lời dạy rất đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ như: Biết chào hỏi, biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi, biết giúp bạn lúc khó khăn, hãy tự giác làm bài tập mà không cần nhắc nhở... Bản thân con luôn nói "xin lỗi" mỗi khi làm điều chưa đúng; khi được người khác giúp đỡ con sẽ nói lời “cảm ơn”.

Con nghĩ làm như vậy thì các thầy, cô giáo và mọi người sẽ yêu thương và dạy dỗ chúng con nên người.
 


Trịnh Phương (thực hiện)
 


.