Quyết liệt sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập

02:07, 13/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động kém hiệu quả, còn mang tính ỷ lại, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

TIN LIÊN QUAN

Để khắc phục thực trạng nói trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% đơn vị so với năm 2018; giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách so với năm 2015; có 10% tự chủ về tài chính; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị so với giai đoạn 2011-2015.

 Sáp nhập các đơn vị y tế hoạt động kém hiệu quả để tập trung nguồn lực, thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.                                                                                                                                                                                                                          Ảnh: K.Ngân
Sáp nhập các đơn vị y tế hoạt động kém hiệu quả để tập trung nguồn lực, thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: K.Ngân


Đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% đơn vị và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với năm 2021; tối thiểu có 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần (trừ bệnh viện, trường học); giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho đơn vị sự nghiệp so với giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
 

Đến nay toàn tỉnh giảm được 15 đơn vị sự nghiệp, trong đó sự nghiệp dạy nghề giảm 3 đơn vị; sự nghiệp y tế giảm 6 đơn vị; sự nghiệp văn hóa giảm 2 đơn vị; sự nghiệp khác giảm 4 đơn vị. Về biên chế sự nghiệp trong giai đoạn 2015-2018 giảm 1.368 biên chế; đã chuyển 11 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên sang tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; chuyển 3 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang tự đảm bảo chi thường xuyên.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư sang loại hình công ty cổ phần (Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới; Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe; Trung tâm Tư vấn nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Giống thuộc Sở NN&PTNT); Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định chất lượng công trình xây dựng).
Theo số liệu thống kê từ Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có hơn 330 ĐVSNCL thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể (kể cả Trường Chính trị tỉnh), với tổng số hơn 8.600 biên chế. Việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL đòi hỏi sự quyết liệt, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và từng đơn vị sự nghiệp công lập cũng như đơn vị chủ quản.            

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ánh Lan: Kế hoạch số 82/KH-UBND tỉnh ngày 4.6.2018 của UBND tỉnh đã nêu rõ nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương và lộ trình cụ thể trong thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các ĐVSNCL.

Khó khăn gặp phải là bố trí cán bộ, vì khi sắp xếp lại sẽ giảm mạnh cấp lãnh đạo. Đa phần các ĐVSNCL lâu nay chỉ tự chủ một phần nhỏ kinh phí, còn lại Nhà nước hỗ trợ.
 
Khi thực hiện tự chủ bắt buộc mỗi đơn vị phải nỗ lực, xác định cho mình một hướng đi, một phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng hoạt động, tiến dần đến việc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Do đó, để thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới các ĐVSNCL cần sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và bản thân người đứng đầu của từng đơn vị, từng cơ quan chủ quản; đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích và có những cơ chế, chính sách phù hợp.       


 
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng: "Lấy mức độ hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả hoạt động"

Quan điểm của Thành ủy, UBND TP.Quảng Ngãi là những vấn đề nào đã rõ theo văn bản của cấp trên thì quyết tâm thực hiện ngay; những vấn đề còn vướng mắc thì báo cáo kịp thời và từng bước tháo gỡ theo lộ trình.

Năm 2018, thành phố tập trung thực hiện sắp xếp lại các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục; văn hóa, TDTT; tài nguyên-môi trường, kinh tế, sự nghiệp khác. Theo đó, tổ chức sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, THCS để hình thành trường nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và địa bàn ở những nơi có điều kiện. Thành phố cũng đã xây dựng Đề án hợp nhất Ban Quản lý công trình công cộng, Ban Quản lý Cụm công nghiệp làng nghề; hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư – xây dựng – hạ tầng đô thị và công nghiệp với Trung tâm Phát triển quỹ đất. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, biên chế của Đội Quản lý trật tự đô thị; xây dựng đề án hợp nhất Trung tâm Văn hóa – Thể thao vào Đài truyền thanh.

Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải: "Quyết tâm hoàn thành trong năm 2018"

Sở hiện có 7 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, trong đó có 2 chi cục. Có 4 đơn vị đã và đang thực hiện theo phương án tự chủ 100% nguồn kinh phí gồm: Trung tâm Trắc địa và Quan trắc môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng đăng ký đất đai, Quỹ Bảo vệ môi trường. Đối với Chi cục Biển và Hải đảo sẽ chuyển thành cấp phòng. Đến nay, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở đang được triển khai theo kế hoạch, quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2018.

Việc thực hiện theo vị trí việc làm sẽ được chú trọng, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Qua đó, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức: "Tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh"

Trong năm 2018, Sở Y tế sẽ giải thể phòng khám đa khoa khu vực ở xã Trà Tân (Trà Bồng) và ở xã Ba Vì (Ba Tơ). Đến năm 2020 sẽ giải thể hai phòng khám còn lại ở xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) và Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Các phòng khám đa khoa khu vực lâu nay hoạt động kém hiệu quả, ít bệnh nhân, dẫn đến nguồn thu giảm, chi phí thường xuyên tăng, thu không đủ bù chi.

Đối với tuyến tỉnh, trong tháng 8.2018 sẽ hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm Chăm sóc sức khỏe và Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe tỉnh vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Sở cũng đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án chuyển Trường Cao đẳng y tế Đặng Thùy Trâm trực thuộc UBND tỉnh về trực thuộc Sở Y tế, tiến đến trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; sáp nhập Bệnh viện Đa khoa Dung Quất và Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi vào Bệnh viện Đa Khoa tỉnh. Riêng Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh sẽ phấn đấu trở thành bệnh viện đa khoa liên khu vực, phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân huyện Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi. Đối với tuyến y tế huyện, trong năm nay sẽ thành lập Trung tâm Y tế huyện đa chức năng theo hướng sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thành phố vào trung tâm y tế.

Sáp nhập các ĐVSNCL là chủ trương cần thiết để tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí: "Đơn vị hoạt động tốt sẽ tích lũy được nguồn thu để hoạt động"

Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành việc sáp nhập các ĐVSNCL  trực thuộc Sở VH-TT&DL. Sở đang xây dựng hai đề án, đó là Đề án hợp nhất Đoàn Ca múa nhạc dân tộc và Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh; hợp nhất Trung tâm Huấn luyện thi đấu TDTT và Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh. Do các đơn vị tổ chức sáp nhập có nhiều đặc thù liên quan đến thi đấu, biểu diễn, nên việc tổ chức lại hết sức khó khăn. Dù vậy, quan điểm của sở là sau khi sáp nhập các đơn vị có tính đặc thù sẽ tổ chức hoạt động theo kiểu khoán sản phẩm, tức giao kinh phí theo từng dịch vụ hợp đồng. Nếu đơn vị hoạt động tốt thì sẽ tích lũy được nguồn thu để hoạt động.


     P.LÝ-X.THIÊN-K.NGÂN

 

 


.