Dạy chữ phải đi đôi với dạy người

03:04, 24/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người than phiền rằng, học sinh bây giờ nhiều em thiếu kỹ năng ứng xử. Thậm chí, ngay cả việc đơn giản nhất là chào hỏi lễ phép khi gặp người lớn tuổi, nhiều em vẫn không làm được.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, phải tăng cường hơn nữa vấn đề dạy người. Bên cạnh việc dạy chữ, cần phải dạy lễ.

Trẻ thiếu sự giáo dục

Khi bắt gặp trường hợp trẻ em không lễ phép, không ít người bảo rằng: “Trách làm gì, trẻ con mà”. Không chấp nhất đối với trẻ con là phải rồi, nhưng không nên xem nhẹ việc giáo dục trẻ, từ những việc nhỏ như không biết nói lời xin lỗi, cảm ơn hay chào hỏi người lớn... thì lâu ngày sẽ hình thành tính cách không tốt ở trẻ.

 

Cô và trò Trường Tiểu học số 2 Tịnh Phong (Sơn Tịnh).                                                                                                        Ảnh: Đăng Sương
Cô và trò Trường Tiểu học số 2 Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Ảnh: Đăng Sương


Chị N.K.H, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cho rằng: “Đừng trách vội những đứa trẻ, mà hãy xem lại cách ăn nói, ứng xử của người lớn, nhất là những người thân trong gia đình”. Chị H. kể, những đứa trẻ con của một người bạn, đứa học lớp 12, đứa lớp 10, đứa út học lớp 3, không một đứa trẻ nào chào hỏi lễ phép khi có người lớn đến nhà. Mỗi khi người lớn hỏi chuyện, tụi nhỏ đều trả lời không hề có từ “thưa” hay “dạ”.
 

“Đa số phụ huynh ở địa phương đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà, nên việc quan tâm, dạy dỗ con cái vẫn chưa sâu sát. Cần có sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương, để giáo dục các em tốt hơn”.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chánh  (Sơn Tịnh) LÊ THÊ

Chúng trả lời câu hỏi của người lớn như nói chuyện với trẻ con, không hề để ý rằng, đối với người lớn phải xưng hô, nói chuyện lễ phép. Ngoài giờ học trên lớp, lúc ở nhà, phần lớn thời gian tụi nhỏ dán mắt vào smartphone.

Không riêng gì chị H., mà nhiều người góp ý để bố mẹ các em xem lại cách giáo dục con của mình. Thế nhưng, bố mẹ tụi nhỏ không coi trọng lắm vấn đề dạy người, họ chỉ biết lao động để kiếm tiền nuôi con lớn lên, cho con đến trường, còn việc dạy chữ, dạy người thì phó mặc cho nhà trường.

Trường hợp trẻ em không lễ phép trong ứng xử như câu chuyện của chị H. thì ngày càng nhiều, thậm chí nhiều em còn dung tục, chửi thề... Nếu như người lớn quan tâm giáo dục trẻ em đúng mức, dạy cho các em bài học làm người, thì có lẽ các em sẽ trang bị cho mình được những kỹ năng cần thiết để ứng xử có văn hóa.

“Tiên học lễ, hậu học văn”
 

“Nhiều phụ huynh "dễ dãi", cho con sở hữu điện thoại để chơi trò chơi bạo lực, xem các video không phù hợp với lứa tuổi, điều này phần nào ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Nhiều phụ huynh dành cho con trẻ quá ít thời gian, nên phần nào ảnh hưởng đến việc giáo dục trẻ”.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Tịnh Phong ĐỖ THỊ THẢO

Từ xa xưa, ông bà từng dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, đến nay câu tục ngữ này vẫn vẹn nguyên giá trị. Ở nhiều trường học, khi vừa bước vào cổng trường, học sinh thấy ngay khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Việc học sinh lễ phép cũng phần nào đánh giá chất lượng giáo dục của trường.

Khi đến Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), Trường Tiểu học số 2 Tịnh Phong (Sơn Tịnh)... mọi người đều cảm thấy hài lòng  khi học sinh lễ phép cúi chào khách đến thăm. Vui chơi trong sân trường, nhưng khi gặp các thầy, cô giáo, dù không dạy mình, các em vẫn cúi chào lễ phép.

Em Nguyễn Thị Quỳnh Giang, học lớp 3D, Trường Tiểu học số 2 Tịnh Phong, bộc bạch: “Thầy, cô giáo luôn dạy cho chúng em phải biết lễ phép, chào hỏi khi gặp người lớn và khi có khách đến thăm trường càng phải lễ phép hơn. Như vậy mới xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.

Thế đấy, một việc rất đơn giản là dạy cho học sinh biết lễ phép chào hỏi, đó cũng là thành công của người thầy. Tất nhiên, để trẻ biết được bài học làm người không phải là trách nhiệm của riêng nhà trường mà của cả gia đình và xã hội, nhưng mỗi ngày qua cách ứng xử của thầy, cô giáo trên lớp học và qua mỗi bài giảng sẽ dần đi vào trong tâm thức của học trò.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trường học chỉ tập trung dạy chữ, chưa chú trọng vấn đề dạy người. Nhiều thầy, cô giáo chưa là tấm gương sáng để học sinh noi theo. Câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn” ở nhiều nơi vẫn còn là khẩu hiệu, mang tính hình thức, học sinh vẫn chưa thấu hiểu bài học về lễ nghĩa để đi đến hành động.


   LÝ SƯƠNG

 


.