Bỏ tục đốt vàng mã, nên hay không?

09:04, 22/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đốt vàng mã đã trở thành tập tục từ khá lâu của người dân trong cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Nên hay không việc bỏ tập tục đốt vàng mã đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.

TIN LIÊN QUAN


Đốt vàng mã gây lãng phí

Cứ vào buổi sáng ngày mùng một và ngày rằm hằng tháng, dọc các tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi như: Quang Trung, Lê Lợi, Hùng Vương, Lê Trung Đình, Hai Bà Trưng... người đi đường bắt gặp rất nhiều gia đình sau khi cúng đã đốt vàng mã trên vỉa hè. Theo ông Huỳnh Xuân Tự, ở thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), đốt vàng mã là tập quán từ xưa liên quan đến tâm linh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình đốt quá nhiều vàng mã, rất lãng phí. "Tôi ủng hộ việc cấm đốt vàng mã. Người dân cũng không nên rải vàng mã ra đường trong các đám tang, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan", ông Tự nói.

Vào tháng 2.2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, trong đó đề nghị bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
 
Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”. Thông tư 04/2011 của Bộ VH-TT&DL quy định rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang”, khuyến khích “không rải vàng mã trên đường đưa tang”...
Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, hòa thượng Thích Hạnh Lạc cho biết, tục đốt vàng mã không phải của người Việt Nam mà xuất phát từ Trung Quốc lan sang Việt Nam và được người dân coi là tín ngưỡng văn hóa. Do đó, thay vì đốt vàng mã cúng tổ tiên thì nên thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức. Hãy dành số tiền mua vàng mã để làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó. “Tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, vì thế trong giai đoạn đầu, chưa thể bỏ triệt để tập tục này. Cần có thời gian để tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chủ trương, dần từ bỏ việc đốt vàng mã”, hòa thượng Thích Hạnh Lạc đề xuất.

Bỏ tục đốt vàng mã: Việc nên làm

Nhiều người đồng tình với đề nghị của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc bỏ tục đốt vàng mã, bởi tục đốt vàng mã đã và đang bị biến tướng. Trước đây, vào mỗi dịp cúng, giỗ hay vào dịp Tết cổ truyền, mỗi gia đình chỉ đốt một ít vàng mã.
 
Theo các bậc cao niên, thì việc đốt vàng mã mang tính tâm linh, thể hiện lòng thành đối với người đã khuất. Tuy nhiên, nhiều người đốt vàng mã vì mê tín. Với suy nghĩ đốt vàng mã để mong nhận được điềm lành, nên nhiều người đốt vàng mã với số lượng lớn. Ngày nay, vàng mã không đơn giản là tiền âm phủ, mũ áo của ông Công, ông Táo, mà còn phỏng theo hình ảnh tất cả các vật dụng trong đời sống như nhà lầu, xe hơi, điện thoại thông minh... Ở các nơi thờ tự còn xây hẳn một lò hỏa để đốt vàng mã, khói bụi nghi ngút.

 

 Vàng mã các loại được bày bán phổ biến ở các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ.
Vàng mã các loại được bày bán phổ biến ở các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ.

Đốt vàng mã với số lượng lớn vừa tốn kém tiền bạc, vừa gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có nguy cơ cao dẫn đến cháy nổ. Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ cháy lớn xảy ra do đốt vàng mã. Anh Huỳnh Duy, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: Bỏ tục đốt vàng mã là việc nên làm, đó cũng là một trong những việc làm để góp phần xây dựng đời sống văn minh, hiện đại. Nhiều ý kiến cho rằng, để bỏ tục đốt vàng mã cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện các giải pháp tương tự như việc cấm đốt pháo. Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm, chống lãng phí, xóa bỏ mê tín dị đoan thông qua việc bỏ tục đốt vàng mã.

Bài, ảnh: HƯƠNG MINH     

 
 

Cần có quy định cụ thể

Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nguyễn Minh Trí nhấn mạnh, để xóa bỏ tục đốt vàng mã cần phải có quy định và chế tài cụ thể.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, không phải đến bây giờ câu chuyện về việc cấm đốt vàng mã mới được đề cập, mà từ nhiều năm trước các đơn vị chức năng cũng đã đề cập đến vấn đề này và cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau.

PV: Theo ông, nên hay không việc bỏ tục đốt vàng mã?

Ông NGUYỄN MINH TRÍ: Trước đây, người dân đốt vàng mã ở mức vừa phải, nay thì biến tướng, đốt vàng mã với số lượng lớn, vì mê tín dị đoan. Nhà nước nên có những quy định cụ thể để quản lý việc sản xuất cũng như đốt vàng mã như thế nào cho phù hợp, chứ không phải cấm. Nếu cấm, người ta sẽ làm và mua bán lén lút. Vì vậy, nên có quy định cụ thể về sản phẩm vàng mã, được đốt bao nhiêu, đốt vào dịp nào... Hạn chế và dần loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, nhưng cần phải có thời gian, sự chung sức của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông, để người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi.

PV: Ngành văn hóa có những giải pháp gì để xóa bỏ mê tín dị đoan qua việc đốt vàng mã, thưa ông?

Ông NGUYỄN MINH TRÍ: Ngành văn hóa không cấm các hành vi thể hiện tín ngưỡng tâm linh một cách lành mạnh. Bởi thay đổi về nhận thức, tập tục phải có một quá trình, chứ không đơn giản ở việc ban hành văn bản cấm hay không cấm. Nếu ra văn bản cấm đốt vàng mã thì chưa có căn cứ. Nhưng trước mắt, ngành văn hóa tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiến tới bỏ việc đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự Phật giáo cũng như trong cuộc sống hằng ngày của người dân.

Còn về việc người dân rải vàng mã dọc đường khi đưa tang cũng là tập tục và nếu muốn bỏ thì không thể thực hiện được trong một sớm, một chiều. Do đó, cần phải có thời gian tuyên truyền để thực hiện nếp sống văn minh, tiến tới xóa bỏ rải vàng mã khi đưa tang.


BÁ SƠN (thực hiện)

 




 


.